Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), bão Chanthu đang di chuyển về phía tây-tây bắc với tốc độ 20 km/giờ. Sức gió duy trì trung bình trong 10 phút của Chanthu là 193 km/giờ, có nghĩa là nó tương đương với cơn bão Cấp 4 trên Thang gió bão Saffir-Simpson.
Trước khi đổ bộ thẳng vào Đài Loan (Trung Quốc), bão Chanthu sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến Philippines; đồng thời tác động đến tốc độ di chuyển của bão Côn Sơn (bão số 5).
1. Bão Chanthu gây ảnh hưởng đến Philippines: Bão chồng bão
Vào tối ngày 9/9, theo giờ địa phương, các dải mưa bên ngoài của Chanthu đã bắt đầu ảnh hưởng đến các khu vực phía bắc của Philippines.
Đường đi sự kiến của 2 cơn bão Côn Sơn (trái) và Chanthu. Trong đó, bão Chanthu đánh thẳng vào Đai Loan (Trung Quốc). Ảnh:
Trước đó, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ đã nhận định Chanthu là siêu bão Cấp 5 - cấp mạnh nhất - với sức gió lên đến 259 km/giờ - AccuWeather thông tin.
Các nhà dự báo của AccuWeather cho biết bão Chanthu vẫn là một cơn bão đáng gờm trên biển Philippines mặc dù đã suy yếu nhẹ và không còn được coi là siêu bão nữa.
"Chanthu có thể mạnh hơn trước khi cơn bão dự kiến đi qua gần phía Bắc đảo Luzon (Philippines) vào cuối ngày thứ Sáu 10/9, theo giờ địa phương", Nhà khí tượng cao cấp của AccuWeather và Trưởng nhóm dự báo quốc tế Jason Nicholls cho biết.
Cho đến sáng thứ Bảy 11/9, bão Chanthu có khả năng vẫn duy trì sức mạnh Cấp 4 khi đổ bộ vào miền bắc Philippines.
Tại Philippines, Chanthu được biết đến với cái tên Kiko, do Cơ quan Quản lý Dịch vụ Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn Philippines (PAGASA) đặt.
Lượng mưa lớn nhất từ Chanthu được dự báo sẽ ở ngoài khơi Philippines. Lượng mưa từ 25-50 mm có thể xảy ra trên phần lớn đảo Luzon, nhưng lượng mưa cao hơn có thể xảy ra đối với các phần đông bắc của chuỗi đảo. Có thể lên tới 100-200 mm trên các phần phía đông của Bắc Luzon. Tại phần này cũng xảy ra gió giật mạnh, đủ để làm đổ một số cây cối hoặc đường dây điện.
Các phần của Luzon vẫn đang đối phó với ảnh hưởng từ cơn bão nhiệt đới Côn Sơn vào đêm thứ Tư 8/9. Giờ đây, khu vực này sẽ phải gồng mình hứng chịu thêm các tác động nhiệt đới chỉ 24-36 giờ sau khi Côn Sơn đi vào Biển Đông.
2. Bão Chanthu gây ảnh hưởng đến Đài Loan (Trung Quốc): "Tác động tồi tệ nhất"
Cục Thời tiết Trung ương (CWB) của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, tính đến 2 giờ chiều ngày 9/9, bão Chanthu cách cực nam Eluanbi của Đài Loan khoảng 980 km về phía đông nam, di chuyển theo hướng tây - tây bắc với tốc độ 15 km/h.
Theo mô hình dự báo thời tiết mới nhất của CWB, Chanthu đang trên đường đổ bộ vào Đài Loan, với khả năng hiện tại là mắt bão có thể đi qua trực tiếp Đài Loan (Trung Quốc).
Các nhà dự báo của AccuWeather cho rằng những tác động tồi tệ nhất từ Chanthu có thể sẽ nhắm vào Đài Loan vào cuối tuần này. Bão Chanthu được dự báo sẽ đổ bộ vào miền Trung Đài Loan (Trung Quốc) vào cuối tuần này, có khả năng tương đương với bão Cấp 3 hoặc Cấp 4 trên Thang gió bão Saffir-Simpson.
Accuweather cũng cho biết bão Chanthu dự kiến sẽ tấn công Đài Loan (Trung Quốc) với “tác động tồi tệ nhất” vào thứ Bảy 11/9.
Wu Wan-hua, một chuyên gia cao cấp tại CWB, cho biết rằng đường đi của Chanthu phụ thuộc vào thời điểm áp suất cao ở Thái Bình Dương suy yếu và lùi về phía đông, kéo theo cơn bão lên phía bắc.
Ông Wu dự đoán rằng trận bão Chanthu sẽ đổ bộ Đài Loan trong khoảng thời gian từ thứ Bảy (11/9) đến Chủ nhật (12/9), gây ra các trận mưa như trút và giông cho phía đông và nam Đài Loan. Lượng mưa trên diện rộng 200-300 mm có khả năng xảy ra trên khu vực phía đông của Đài Loan (Trung Quốc).
Ngoài mưa lớn xối xả, gió giật mạnh lên đến 210 km/giờ có khả năng ảnh hưởng đến phần phía đông của Đài Loan (Trung Quốc). Những cơn gió mạnh này có thể đủ để gây thiệt hại đáng kể cho các công trình được xây dựng tốt cũng như hạ gục cây cối và đường dây điện.
Sau khi ảnh hưởng đến Đài Loan (Trung Quốc), bão Chanthu sẽ tiếp tục di chuyển lên phía bắc và hạ cấp xuống còn Cấp 1.
3. Bão Chanthu 'ghì chân' bão Côn Sơn
Tờ Tuổi Trẻ thông tin, bão Chanthu đang 'ghì chân' bão Côn Sơn (Bão số 5), hút gió tây nam gây mưa lớn cho Nam Bộ. Theo đó, dải hội tụ nhiệt đới (chứa nhiễu động gây mưa) nối với cơn bão Côn Sơn và bão Chanthu khiến gió mùa tây nam trên khu vực Nam Bộ có cường độ mạnh dần, gây mưa cho khu vực những ngày tới. Trong mưa có thể xuất hiện mưa đá, vòi rồng.
Dự báo đường đi của bão Côn Sơn (bão số 5). Nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia
Tuổi Trẻ dẫn lới của ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - nhận định trong những ngày tới, sau khi vào Biển Đông, cơn bão Côn Sơn khả năng mạnh thêm, tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc.
Tuy nhiên, bão Chanthu đang hoạt động ngoài khơi Philippines quá mạnh có khả năng tạo tương tác bão đôi làm cho bão Côn Sơn di chuyển chậm hơn và lệch tây - tây tây nam khi vào giữa Biển Đông.
Do đó, cơn bão Côn Sơn sẽ bị "ghì chân" lại, di chuyển chậm, đồng thời sẽ hoạt động trên Biển Đông lâu hơn khiến gió mùa tây nam mạnh lên làm thời tiết tại Nam Bộ từ hôm nay tới ngày 13-9 chuyển xấu.
Thời tiết phổ biến nhiều mây, trưa đến chiều và tối có mưa nhiều nơi, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to, đêm có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong cơn dông đề phòng gió giật mạnh, lốc, sét.
Bài viết sử dụng nguồn: Bloomberg, AccuWeather, Taiwannews, Tuổi Trẻ