Báo cáo Thủ tướng vụ bồi thường 252.000 đồng/m2 đất để làm đô thị Ciputra

Thế Kha| 31/05/2023 14:23

Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo Thủ tướng về những khiếu nại của người dân phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) xung quanh việc thu hồi đất thực hiện dự án Ciputra.

Trưa 31/5, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khiếu nại của công dân phường Phú Thượng xung quanh việc bồi thường đất để thực hiện dự án Khu đô thị Nam Thăng Long

Báo cáo Thủ tướng vụ bồi thường 252.000 đồng/m2 đất để làm đô thị Ciputra - 1

Một góc khu đô thị Ciputra Hà Nội (Ảnh: Hà Phong).

Theo ông Tịnh, khiếu nại của người dân phường Phú Thượng gửi tới cơ quan chức năng tập trung vào 2 nội dung chính: Yêu cầu chủ đầu tư dự án phải thỏa thuận về đơn giá bồi thường về đất và đất nông nghiệp không hợp lý, cần xem xét lại.

Ông Tịnh cho rằng những khiếu nại của người dân đã được UBND quận Tây Hồ và UBND TP Hà Nội giải quyết, trong đó nêu rõ các lý lẽ, trích dẫn quy định pháp luật liên quan.

Cụ thể, ngày 19/12/1997 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1106 thu hồi đất và giao đất cho Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (nay là UDIC) thuê toàn bộ diện tích đất thu hồi để góp vốn liên doanh. Thời hạn thuê đất là 50 năm kể từ ngày cấp giấy phép đầu tư. UDIC phải nhận nợ và hoàn trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính.

Ngày 16/6/2008, UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu (đăng ký lại giấy phép đầu tư cấp năm 1996 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn điều lệ trên 6.842 tỷ đồng, tương đương trên 427 triệu USD; trong đó UDIC góp trên 2.052 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ, bằng giá trị quyền sử dụng khu đất có diện tích trên 3 triệu m2 tại quận Bắc Từ Liêm và quận Tây Hồ, trong 50 năm kể từ ngày 30/12/1996.

"Có thể thấy rằng dự án được thực hiện theo cơ chế góp vốn đặc thù mà Nhà nước cho phép. Cụ thể, xuất phát từ thực tế là tại thời điểm cho UDIC thuê đất (Quyết định số 1106/1997), Nhà nước chưa thể giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích và bàn giao đất hết một lần cho UDIC. Do đó, UDIC cũng không thể góp toàn bộ vốn góp hết một lần vào liên doanh. Vì vậy, việc góp vốn của dự án cần phải được thực hiện tương ứng theo tiến độ giải phóng mặt bằng/bồi thường về đất và bàn giao đất của Nhà nước", lãnh đạo quận Tây Hồ thông tin.

Việc thu hồi đất thực hiện dự án được quyết định trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 ban hành.

Để trả lời rõ một số đơn thư của các hộ gia đình ở phường Phú Thượng, theo Phó chủ tịch quận Tây Hồ, tháng 8/2022 Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành văn bản số 6177/STNMT-QHKHSDĐ nêu rõ: "Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, không thuộc trường hợp quy định tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013".

Báo cáo Thủ tướng vụ bồi thường 252.000 đồng/m2 đất để làm đô thị Ciputra - 2

UBND quận Tây Hồ cho biết, tính đến tháng 5/2023, tổng diện tích đất chưa/đang giải phóng mặt bằng của dự án Ciputra còn khoảng trên 36ha (Ảnh: Hà Phong).

Ông Tịnh khẳng định, việc UBND quận Tây Hồ ban hành Quyết định số 489/2013 về phê duyệt điều chỉnh kế hoạch triển khai công tác giải phóng mặt bằng là thực hiện Quyết định số 1106/1997 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi và giao đất cho UDIC góp vốn liên doanh.

Việc quận Tây Hồ ban hành quyết định về việc thu hồi đất, bồi thường cho người dân ở phường Phú Thượng với đơn giá 252.000 đồng/m2 đất nông nghiệp là đúng quy định, theo bảng số 1 Quyết định số 30/2019 của UBND TP Hà Nội.

Tính đến tháng 5/2023, tổng diện tích đất chưa/đang giải phóng mặt bằng của dự án Ciputra còn khoảng trên 36ha. Quận Tây Hồ đang lập phương án để tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.

Biệt thự ở khu đô thị Ciputra có giá 300-400 triệu đồng/m2

Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) là một trong những khu đô thị mới đầu tiên do nhà đầu tư Indonesia và Việt Nam hợp tác liên doanh xây dựng tại Hà Nội. Đây là một trong những dự án khu đô thị có quy mô lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích hơn 300ha, tổng số vốn khoảng hơn 2 tỷ USD.

Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị thuê đất để góp vốn liên doanh trong Công ty TNHH phát triển khu đô thị Nam Thăng Long.

Năm 2019, hàng trăm hộ dân đang sống tại Ciputra gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng, không đồng tình trước đề xuất điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2 của chủ đầu tư - Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Hà Nội xem xét, xử lý phản ánh.

Đến tháng 4/2022, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định về việc phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Ciputra giai đoạn II, tỷ lệ 1/500 tại 13 ô đất. Tổng quy mô diện tích các ô đất điều chỉnh quy hoạch rộng hơn 153.197m2.

Ciputra là khu đô thị siêu sang, dành cho giới nhà giàu ở Hà Nội. Hiện nay giá trị giao dịch chuyển nhượng nhiều biệt thự ở đây lên tới 300-400 triệu đồng/m2.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Báo cáo Thủ tướng vụ bồi thường 252.000 đồng/m2 đất để làm đô thị Ciputra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO