Bài đăng trên tờ The Guardian (Anh) là những lời tự sự của nữ nhiếp ảnh gia Maika Elan, khi cô theo đuổi đề tài nhiếp ảnh xoay quanh những người thuộc giới tính thứ 3:
Tôi học về nhiếp ảnh thông qua các diễn đàn, hội nhóm dành cho người yêu nhiếp ảnh tại Hà Nội. Từ đây, tôi đã tìm ra tìm ra tình yêu dành cho nhiếp ảnh tài liệu. Phong cách nhiếp ảnh này chứa đựng cả sự tự do và tính sáng tạo. Tràn đầy cảm hứng, vào mùa hè năm 2010, tôi tham gia vào một hội trại sáng tác tổ chức ở Siem Reap, Campuchia.
Những người tham gia sự kiện này có 7 ngày để theo đuổi một dự án nhỏ, 5 ngày đầu, tôi là thành viên duy nhất không có nổi một bức ảnh nào thể hiện được đề tài mà tôi muốn theo đuổi. Tôi chỉ có một ý tưởng mơ hồ là mình sẽ làm một điều gì đó liên quan tới văn hóa, và khi đang tìm kiếm một ý tưởng, tôi tình cờ ghé qua một trang web hướng dẫn du lịch dành cho cộng đồng giới tính thứ 3.
Trong trang web, có những thông tin về những khách sạn và thành phố có thái độ thân thiện đối với những người thuộc giới tính thứ 3. Ở thời điểm đó, tôi chưa biết nhiều về cộng đồng những người thuộc giới tính thứ 3, hay những người đồng tính, nhưng tôi muốn tìm hiểu và quyết định sẽ ghi lại cuộc sống của họ.
Khi quay trở về Việt Nam sau hội trại, tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về cộng đồng giới tính thứ 3 tại Hà Nội, về cách mọi người đang nói về họ, khắc họa họ. Nhìn chung, những người đồng tính được đón nhận tại Việt Nam, nhưng cũng từng có những thái độ tiêu cực đối với họ trong cộng đồng, và cho tới tận bây giờ, vẫn không tránh khỏi một vài cách nhìn nhận, đánh giá tiêu cực.
Trong lĩnh vực truyền thông, cách nhìn nhận tiêu cực này thể hiện ở việc các nhân vật đồng tính xuất hiện trong các bộ phim thường được khắc họa theo hướng hài hước hóa hoặc bi kịch hóa. Thường họ khó được nhìn nhận theo kiểu một con người bình thường, sống một cuộc đời bình thường.
Trong lĩnh vực nhiếp ảnh tôi thấy mọi việc cũng không tích cực hơn, những bức ảnh chụp người thuộc giới tính thứ 3 thường che mặt nhân vật, và cũng chỉ khắc họa hời hợt những điều thuộc về khía cạnh đời sống tình cảm của các cặp đôi đồng tính, tôi thường chỉ thấy những bức ảnh chụp cái nắm tay.
Tôi cảm thấy đã từng có thời đồng tính là một điều gì đó khiến người ta cảm thấy ngại ngần khi nói đến, tôi cảm thấy những cách khắc họa này không giúp ích cho hình ảnh của cộng đồng giới tính thứ 3, để họ hiện lên mạnh mẽ, tích cực hơn.
Nhưng trong thực tế cuộc sống, tôi lại thấy khác. Những người bạn đồng tính của tôi, họ sống rất vui vẻ, cởi mở về chuyện giới tính. Nhưng trong cộng đồng xã hội rộng lớn, sự cởi mở vẫn dừng lại ở một mức độ nào đó.
Tôi vẫn phải nhận những phản ứng tiêu cực đối với những bức ảnh tôi chụp các cặp đôi đồng tính thân mật với nhau, nhưng mỗi khi phải nhận một phản ứng tiêu cực nào, điều đó lại càng thúc đẩy tôi tiếp tục theo đuổi dự án của mình.
Tôi muốn khắc họa những mối quan hệ đồng tính theo cách tự nhiên và đẹp đẽ. Bằng cách chụp lại những cặp đôi trong các hoạt động thường ngày, tôi hy vọng có thể đưa lại thêm góc nhìn cho cộng đồng xã hội về tình yêu và cuộc sống của những cặp đôi đồng tính.
Trong mảng đề tài mà tôi theo đuổi, tôi muốn giới thiệu tới các bạn bức ảnh chụp Phan Thị Thúy Vy và Đặng Thị Bích Bảy, họ là hai nữ sinh viên đại học, tôi thấy ở họ đầy sức sống và một tình yêu mãnh liệt dành cho nhau.
Giống như nhiều cặp đôi trẻ tuổi mà tôi gặp, họ cũng không quan tâm tới những điều người xung quanh nói về mình, họ phấn khích khi tình yêu của họ được một nhiếp ảnh gia chụp lại. Tôi luôn dành thời gian với những nhân vật mà tôi chụp hình, trước khi bấm máy.
Tôi đã gặp hai cô gái này vài lần để cùng uống cà phê, trước khi tới nhà của họ, và thoạt tiên tôi còn không mang theo máy ảnh. Khi đã có được cảm nhận về không gian sống của họ, về cách họ dành thời gian ở bên nhau trong không gian ấy, tôi mới bấm máy.
Tôi quan niệm rằng có hai thời điểm mà mình có thể chụp lại các nhân vật một cách tự nhiên nhất, một là thời điểm đầu ngày, khi con người ta vẫn còn chưa quan tâm tới nhiều chuyện xảy ra trong ngày; hai là thời điểm cuối ngày, khi con người ta đã cảm thấy mệt sau một ngày dài.
Vào ngày tôi chụp bức hình này, tôi chỉ có thể chụp họ tại nhà vào buổi trưa, bởi cả hai cô gái đều bận rộn với việc học ở trường Đại học và đi làm thêm. Khi tôi có mặt ở nhà của họ, hai cô gái cố gắng thật tự nhiên trong các hoạt động thường ngày, họ nấu nướng, tắm táp, nói chuyện điện thoại...
Tôi biết mình muốn chụp được điều gì, nên tôi cứ bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi. Tôi ngồi đằng sau chiếc kệ tivi, giống như thể tôi giấu mình đi, nhưng đó cũng là góc để tôi có thể chụp được nhân vật từ nhiều góc độ.
Rồi khi ánh nắng mặt trời chiếu vào phòng, Bảy nằm xuống sàn ăn quả vải, Vy tới và ngồi xuống cạnh Bảy. Họ đã bắt đầu thấm mệt sau khi nửa ngày đã trôi qua, và khi họ nhẹ nhàng quan tâm nhau, tôi cảm thấy sự hiện diện của mình ở đó như biến mất, tôi biết đó là khoảnh khắc mà tôi đang chờ đợi.
Đây là bức ảnh cuối cùng tôi chụp họ trong ngày hôm đó, cũng là bức ảnh khép lại một seri ảnh mà tôi theo đuổi. Tôi đã tìm thấy sự đơn giản có hấp lực rất lớn hiện diện trong ngôi nhà họ sống, trong tình yêu trẻ trung của họ, trong thái độ sống vô tư của họ, họ không biết tương lai có những gì đang chờ đợi mình... Tất cả những điều đó khiến tôi cảm thấy rất dễ chịu.
Thực hiện dự án nhiếp ảnh "The Pink Choice" (Lựa chọn màu hồng) đã thay đổi tôi. Những cặp đôi mà tôi chụp hình, chính họ đã đưa lại cho tôi sức mạnh để học cách không quan tâm tới những điều người khác nghĩ.
Những bức ảnh của tôi không đưa lại tất cả những câu trả lời, nhưng tôi hy vọng những bức ảnh của tôi gợi mở nên sự tò mò, đó chính là xúc cảm đầu tiên truyền cảm hứng cho tôi khi quyết định theo đuổi một dự án nhiếp ảnh nào đó, sự tò mò khiến người ta đặt câu hỏi và bắt đầu tìm hiểu.