Hàng tháng, tôi được các con chở đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tái khám theo chỉ dẫn của bác sĩ tim mạch. Thành phố vẫn đẹp như ngày nào với những hàng cây cổ thụ cao tít tỏa bóng mát dọc các tuyến đường trung tâm. Ở tuổi 73, bao lần tôi trở lại là bấy nhiêu cảm xúc. Với tôi, có khác chăng là sự nhộn nhịp của phố xá đông người qua lại giao thương mua bán, làm việc, học hành… Thành phố nay giàu đẹp hơn, năng động hơn nhưng không vì thế mà làm thay đổi niềm cảm mến, tình yêu thương đến những con người nghĩa tình trước sau...
Xe từ từ đi qua các bản chỉ dẫn từng biển báo tên đường, tôi nhìn rất rõ những địa danh quen thuộc với mình vì nơi ấy là một phần không thể thiếu trong những tháng ngày buôn bán mưu sinh của tôi, khu Đèn Năm Ngọn tại Quận 5 năm nào.
Những năm 1985 -1990, khu Đèn Năm Ngọn là nơi có kho nông sản, chuyên thu mua đậu phộng đã tách vỏ từ khắp nơi đổ về đây như : Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An… Đây cũng là nơi những chị em bạn hàng như tôi từ mỗi vùng miền về đây gặp gỡ, giao thương mua bán đậu phộng. Mỗi người mỗi cảnh mỗi quê, ai cũng có những niềm vui nỗi buồn, từ chuyện đời đến chuyện nghề đều kể nhau nghe, xua đi cái mệt mỏi của màn đêm khi chờ đợi tới lượt cân bán đậu. Chúng tôi chẳng hề quen biết nhau, không biết tên cũng không biết tuổi, gọi nhau chị em ấy vậy mà ngộ thiệt hôn trước lạ sau quen.
Tôi nhớ như in khoảnh khắc 22 giờ mỗi đêm, chúng tôi đón những chuyến xe tải chở đậu phộng đến kho nông sản. Thường ban ngày, những chị em thương lái như tôi sẽ đến từng nhà vườn thu mua đậu rồi chở về nhà có máy xay tách vỏ đậu phộng, đóng thành bao 50 ký, đến chiều tối canh giờ chở đậu thành phẩm xuống kho nông sản. Tùy theo địa điểm xa gần mà chị em bạn hàng sắp xếp thời gian để kịp giờ cân đậu tại kho. Nhìn phía xa xa, ánh sáng bóng đèn đường len lỏi qua các tản cây cổ thụ pha lẫn ánh đèn sáng trưng của xe tải ngay cổng ra vào càng làm chị em nôn nóng đến “tài” (bắt số thứ tự chờ đến lượt) để cân đậu. Trong kho nông sản, nhà xe là nơi xe tải tập kết chờ tài và cũng là địa điểm chị em thương lái chúng tôi gặp nhau. Dù xe cộ tấp nập ra vào nhưng ai đến trước cân trước, đến sau cân sau theo trình tự từng xe một.
Sau nửa đêm, thành phố dần chìm vào giấc ngủ. Sau một ngày lao động cật lực, chị em thương lái chia nhau mỗi người ngủ một chút lấy sức, người thức thì canh tới tài của ai thì gọi người đó dậy cân đậu. Cảm giác khắc khoải đợi chờ mòn mỏi khiến đêm tối như dài bất tận. Đâu đó vang vọng âm thanh liên hồi của từng tiếng rao đêm ngoài đường lớn : “Ai…ăn bánh bao Sài Gòn hôn ?”. Tiếng rao càng lúc càng nhỏ dần, nhỏ dần lùi vào màn đêm tĩnh mịch thì trước mắt tôi là bóng dáng của chị bạn hàng đi vào đến bãi xe với những chiếc bánh bao nóng hổi trên tay chia mỗi người một cái ăn lót dạ.
Đêm khuya, đói lòng mà được thưởng thức bánh bao nóng hổi vừa thổi vừa ăn thì còn gì bằng. Tôi nhớ khi ấy, từng chiếc bánh bao với lớp vỏ mỏng, bên trên có vài cọng ngò rí nho nhỏ xanh xanh. Ấn tượng đầu tiên của một người phụ nữ thôn quê khi lần đầu cảm nhận hương vị bánh bao Sài Gòn là vị khai của vỏ bánh và phần nhân bao gồm thịt nạc bằm với củ sắn và nấm mèo cùng 2 trứng cút đã tạo nên hương vị bánh bao Sài Gòn đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có được.
Mãi đến khi tự mình mua bánh bao Sài Gòn, tôi mới biết được nét văn hóa ẩm thực của người Việt mình nơi Sài Gòn thật đặc sắc, không lẫn vào đâu được. Sài Gòn - vùng đất của hơn 300 năm hình thành và phát triển ấy, đã có những con người từ những miền viễn xứ đên đây an cư lập nghiệp, rồi có những phận người cũng chẳng biết có phải là duyên hay nợ với mảnh đất và con người nơi đây mà gá phận mình neo đậu làm quê hương sau những ngày tha phương như những cánh chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chùn chân.
Cô Ngô Thị Hoa Đẹp viết bài dự thi trên giấy rồi nhờ con đánh máy, gửi bài đến cuộc thi
Sài Gòn là thế, Sài Gòn luôn mở rộng vòng tay chào đón, mở rộng lòng mình mà ôm hết tất cả để cùng nhau làm nên những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống nơi vùng đất mới. Phải chăng đó là sự giao thoa văn hóa, là nét riêng tạo nên ẩm thực đặc sắc của vùng đất phương Nam này.
Tôi đã nhiều lần đi bán đậu tại kho nông sản, cũng đã nhiều lần tôi mua bánh bao thương hiệu Sài Gòn tại một quán cóc vỉa hè hay tại những chiếc xe đẩy lúc giữa đêm và lân la hỏi thăm nguồn gốc thì được kể rằng, bánh bao Sài Gòn xuất hiện từ những năm 1970 do người Việt mình sản xuất. Bột bánh bao Sài Gòn không trắng như bánh bao gốc của người Hoa mà hơi hâm hẩm vì không dùng bột tẩy, nhân bánh bao hoàn toàn là thịt băm, trứng cút, củ sắn, nấm mèo…chứ không pha lẫn cá và dầu mỡ như bánh bao của người Hoa. Chính kinh nghiệm của những người thợ lành nghề với bí quyết của gia đình cha truyền con nối từ khâu nhào bột đến làm nhân đã cho ra những mẻ bánh bao Sài Gòn đậm đà hương vị thơm ngon.
Đã hơn nửa đời người, tôi đã từng nghe đâu đó nói rằng ở tuổi bóng xế tuổi già, con người ta dường như trẻ lại. Với tôi, dẫu nay tóc bạc da mồi, đổi thay vóc dáng cũng không thể nào làm thay đổi niềm cảm mến, tình yêu thương đến vùng đất và con người Sài Gòn, đặc biệt là những kỉ niệm của bao tháng ngày thanh xuân bươn chải làm ăn sớm hôm nơi đây. Và trong một phần kí ức của mình, tôi luôn nhớ mãi hình ảnh của các chị bạn hàng năm xưa với những chiếc bánh bao đậm đà hương vị Sài Gòn quen thuộc…