Ban Tuyên giáo Bình Định tận dụng chuyển đổi số nhờ phần mềm trên smartphone

21/12/2023 16:43

Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu của tất cả các lĩnh vực trong đời sống chính trị - xã hội - kinh tế. Lĩnh vực Tuyên giáo của tỉnh Bình Định cũng không ngoài xu thế đó.

Trao đổi với VietNamNet về lợi ích của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại đơn vị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Định, bà Nguyễn Thị Bích Ly cho hay, thời gian qua, cơ quan này đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành, cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo.

Cụ thể, Ban đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy thành lập, đưa vào hoạt động trang Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh (tháng 12/2019). Đây là kênh thông tin quan trọng, phục vụ hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, chính sách của tỉnh; đồng thời, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của các Ban thuộc Tỉnh ủy, trong đó có công tác Tuyên giáo.

image 6487327.jpg
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Định Nguyễn Thị Bích Ly

Đáng chú ý, trang Thông tin điện tử đã chuyển tải các thông tin Tuyên giáo nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo thông tin tiếp cận rộng tới cán bộ, Đảng viên và nhân dân toàn tỉnh. Đến nay, lượng truy cập trang đạt hơn 7,25 triệu lượt.

Cùng với đó, thông qua ứng dụng “Thông tin Tuyên giáo” trên điện thoại di động, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định đã cung cấp kịp thời thông tin đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, Đảng viên trong toàn Đảng bộ, nhất là trong công tác chỉ đạo, định hướng thông tin đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, mới phát sinh.

Cũng theo bà Ly, cơ quan Tuyên giáo Tỉnh ủy sử dụng phần mềm “Quản lý dữ liệu thông tin dư luận xã hội” để quản lý dữ liệu, tìm kiếm thông tin và thống kê các vấn đề, vụ việc được dư luận xã hội quan tâm, giúp đơn vị theo dõi, nắm bắt, phân tích, đánh giá thông tin dư luận kịp thời, có hệ thống. Đây là phần mềm phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, định hướng thông tin dư luận trên địa bàn, nhất là đối với những đề mới phát sinh, phức tạp, nhạy cảm.

Thời gian qua, Ban đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hội nghị trực tuyến, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và học tập lý luận Chính trị cho cán bộ, Đảng viên trong toàn Đảng bộ. Hiện nay, các công việc trên được tổ chức trực tuyến đến tận cấp huyện, cấp xã.

Ban cũng sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Mocha… để kết nối, truyền tải thông tin Tuyên giáo và triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Tuyên giáo được nhanh chóng, hiệu quả. Fanpage Facebook “Hào khí Quang Trung Bình Định” do đơn vị quản lý đã đăng tải, lan tỏa nhiều thông tin tích cực về gương người tốt, việc tốt; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai sự thật; đồng thời, quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Bình Định, theo đại diện Ban Tuyên giáo Bình Định.

btg 01.jpg
Thành phố Quy Nhơn, Bình Định (Ảnh: Xuân Quý)

Về công tác quản trị nội bộ, đơn vị ứng dụng hệ thống thông tin hệ điều hành tác nghiệp với các ứng dụng như: Xử lý công văn, Gửi/nhận văn bản, văn kiện Đảng, Mục lục hồ sơ lưu trữ, Thư điện tử, Quản lý đơn thư, Chương trình công tác, Tra cứu thông tin nội…

“Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là một trong những cơ quan của Tỉnh ủy đi đầu trong thực hiện ứng dụng chữ ký số và tiếp nhận, xử lý, triển khai văn bản được triển khai hoàn toàn trên môi trường điện tử. Các cuộc họp, hội nghị của Ban không in ấn tài liệu giấy mà thực hiện số hóa, sử dụng mã QR, để đại biểu khai thác, sử dụng qua các thiết bị thông minh. Qua đó, chúng tôi tiết kiệm thời gian, kinh phí, công việc được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả”, bà Ly nói.

UBND tỉnh Bình Định mới ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2025” trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 có:
-100% các cơ quan quản lý, thực hiện chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá.
-100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được thông tin tự động về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai.
-Phấn đấu 100% các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số (máy tính, điện thoại thông minh...)
-100% cán bộ quản lý các cấp quản lý, thực hiện chương trình được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin thường xuyên về kỹ năng số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý tác nghiệp trên môi trường số…
-Đồng thời, phấn đấu 100% người có uy tín và người dân đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi đề án…

Trần Chung - Diễm Phúc 

Bài liên quan
  • Thành Duyên trên hành trình từ truyền thống đến chuyển đổi số
    Với hơn 30 năm trong ngành sản xuất đồ bộ Tole, Thành Duyên không chỉ là một cái tên quen thuộc mà còn là biểu tượng của chất lượng và phát triển bền vững trong ngành thời trang Việt Nam. Từ những ngày đầu thành lập, Thành Duyên đã ghi dấu ấn với sự chú trọng vào chất lượng và sự đa dạng trong thiết kế.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ban Tuyên giáo Bình Định tận dụng chuyển đổi số nhờ phần mềm trên smartphone
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO