Sáng 24/8, tại phiên tòa xét xử 28 bị cáo liên quan vụ bán rẻ hai lô "đất vàng" 43ha và 145ha ở tỉnh Bình Dương, ông Phạm Văn Hiền - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương đã trình bày một số ý kiến của Tỉnh ủy Bình Dương để hội đồng xét xử xem xét, đánh giá.
Theo ông Hiền, tỉnh Bình Dương được thành lập từ năm 1997, với xuất phát điểm rất thấp, kinh tế, xã hội còn rất nhiều khó khăn. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, bằng sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, tinh thần đoàn kết, năng động và sáng tạo của các thế hệ, đến nay Bình Dương đã chuyển mình vươn lên thành tỉnh công nghiệp, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh; đời sống người dân được nâng lên đáng kể.
Điểm nổi bật trong thời gian qua, theo ông Hiền, Bình Dương đã tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khá đồng bộ, biến những vùng đất hoang hóa, kém phát triển thành những khu công nghiệp, đô thị hiện đại, tạo ra một không gian phát triển mới theo hướng văn minh, hiện đại.
"Đạt được những kết quả đó là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Trung ương; tinh thần đoàn kết, vượt khó, năng động, sáng tạo, đổi mới của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, trong đó có một phần đóng góp quan trọng của hầu hết các anh, chị đang là bị cáo trong vụ án này"- Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương nói.
Tuy nhiên, theo ông, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi nhiệm vụ, với mong muốn đưa địa phương phát triển nhanh, trong khi thực tiễn luôn phát sinh nhiều vấn đề mới, vướng mắc, bất cập đã dẫn đến những sai lầm, thiếu sót, vi phạm của một vài cán bộ.
"Hành vi vi phạm của những cán bộ này đã phải trả giá rất đắt, để lại nhiều đau xót cho bản thân, ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của bản thân, gia đình và làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền địa phương"- ông Hiền nói.
Tỉnh ủy Bình Dương mong hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc đánh giá một cách khách quan, toàn diện hành vi sai phạm của các bị cáo trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể; đồng thời ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ phù hợp với từng bị cáo: Các bị cáo đã tích cực, chủ động khắc phục hậu quả; quá trình công tác có nhiều thành tích và được các cấp ghi nhận, khen thưởng; phần lớn gia đình các bị cáo có truyền thống cách mạng, gia đình liệt sĩ; nhiều bị cáo tuổi cao, sức khỏe yếu, mang trọng bệnh và tinh thần giảm sút…
"Xem xét giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình đối với các bị cáo theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ, công chức của tỉnh và những bị cáo trong vụ án này đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Bình Dương. Tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội được trở về với gia đình, người thân sớm hơn trong những ngày cuối đời còn lại của mỗi người"- Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị.
Đại diện cho Tỉnh ủy Bình Dương tham dự phiên tòa suốt 9 ngày qua vừa qua, ông Phạm Văn Hiền khẳng định bản án sẽ là bài học lớn, đắt giá và rất đau xót cho chính bản thân các bị cáo và sẽ có ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh cho các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên tỉnh này hiện tại và trong tương lai.
Trước đó, đại diện viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị mức án với 28 bị cáo, trong đó có những cựu lãnh đạo cao cấp của tỉnh Bình Dương như Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương), Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), Phạm Văn Cành (cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy), Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2), Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty 3/2)...
Theo đó, viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Cùng tội danh, viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Trần Thanh Liêm từ 9-10 năm tù; bị cáo Phạm Văn Cành 4-5 năm tù.
Với hai tội danh là "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản", bị cáo Nguyễn Văn Minh bị đề nghị từ 29-30 năm tù; Trần Nguyên Vũ từ 24-26 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 3 năm tù đến 23 năm tù.