“Việt Nam sắp công bố việc sở hữu bản quyền World Cup 2022”, thông tin được râm ran những ngày gần đây khiến người hâm mộ hào hứng. Nhưng ngay cả vậy, vẫn không thể kết thúc được câu hỏi về chuyện “có nên mua bằng mọi giá?”.
Kể từ khi Việt Nam bắt đầu phải chi tiền để mua bản quyền truyền hình World Cup, chưa bao giờ xuất hiện khái niệm “rẻ”, kể cả khi FIFA ưu đãi 50% vào năm 2002, khi bán cho truyền hình ở Việt Nam với giá 1 triệu USD. Đơn giản là bởi, FIFA và các đối tác của họ đã bán bản quyền World Cup dựa trên “bối cảnh nền kinh tế” và “quy mô thị trường”.
Vì thế mà theo thời gian, cùng sự phát triển của công nghệ, giá bản quyền World Cup có tăng lên thì cũng là điều dễ hiểu. Và đương nhiên, khi tiêu chí là “quy mô thị trường”, không có mức giá chung nào cho mọi quốc gia trên toàn thế giới.
Với bên bán, họ không quan tâm đến chuyện đắt hay rẻ, bởi mức giá đề xuất dựa trên đánh giá của họ. Việc đàm phán có thể dẫn đến điều chỉnh, tùy theo con số nào họ có thể chấp nhận.
Nên ở đây, quan niệm đắt hay rẻ phụ thuộc vào đơn vị muốn mua bản quyền World Cup đánh giá việc sở hữu những hình ảnh đó có giúp họ thu về được lợi nhuận hay không. Được thì là rẻ, không được thi là đắt.
Với câu hỏi nên hay không nên mua bản quyền World Cup, cho đến thời điểm này, vẫn có những quan điểm trái ngược. Tất nhiên, sự trái ngược xuất phát từ mức giá được đề xuất, mà các đơn vị có ý định mua cũng như giới truyền thông đều nhấn mạnh là “đắt”.
Với những người yêu bóng đá, thích xem bóng đá đỉnh cao thì dĩ nhiên, quan điểm là “nên mua”. Bởi Cúp bóng đá thế giới là “món ăn tinh thần” có giá trị rất lớn. Người Việt Nam cũng đã rất quen và không thể quên những đêm hè thức trắng để theo dõi. Năm nay còn đặc biệt hơn, khi World Cup diễn ra vào mùa đông, thời điểm người hâm mộ có thể phải… trùm chăn để xem.
Khi World Cup là những trận đấu đỉnh cao về tư duy chiến thuật, việc được theo dõi trực tiếp cũng là cơ hội để học hỏi nhiều điều cho sự phát triển của bóng đá cũng như kỹ thuật truyền hình ở Việt Nam.
Thế nhưng, ngay cả trong lực lượng hùng hậu những người đam mê và dành tình yêu cho bóng đá, vẫn có suy nghĩ về việc “không nên mua”. Chưa nói đến chuyện “mua bằng mọi giá”, ở đây, nhiều ý kiến cho rằng, “không có đội tuyển Việt Nam thì không mua”.
Và còn nhiều lý do khác nữa, nhất là khi trở lại vấn đề tài chính, khi 350 tỉ đồng có thể làm được nhiều việc khác, thiết thực hơn với đời sống xã hội. Hay câu chuyện sản xuất các chương trình xung quanh World Cup không tạo được sức hút. Hoặc thậm chí là những người thích xem, thực sự muốn xem đang hiểu rất rõ rằng, họ còn có những nguồn khác để theo dõi.
Tất nhiên, như thế sẽ làm ảnh hưởng đến đơn vị sở hữu bản quyền World Cup, ảnh hưởng đến những người muốn xem qua kênh chính thống, ảnh hưởng đến cả hình ảnh của quốc gia. Trong thời đại kinh tế thị trường, tất cả cần hiểu rằng, “tiền nào, của nấy”.
Việc xem qua các kênh lậu, phải thừa nhận là có những điểm thú vị riêng, nhưng cũng đồng thời sẽ đưa đến cho người xem nhiều yếu tố “không sạch”, sẽ không được tận hưởng một cách trọn vẹn.
Sẽ không quá nếu nói rằng, ngay cả khi nhà đài chính thống có bản quyền chính thức thì vẫn có một lượng lớn người xem qua các kênh khác – nói thẳng ra là các kênh lậu. Vấn đề này không mới vì ở những kỳ World Cup hay EURO trước, nhà đài từng bị dọa cắt sóng nếu không ngăn được việc các kênh lậu xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Mà việc ngăn chặn đôi khi nằm ngoài khả năng của nhà đài.
Nên hay không nên vẫn sẽ là câu chuyện còn nói đến trong nhiều kỳ World Cup sắp tới, nhưng về cơ bản, với một “món ăn” đã trở nên quen thuộc thì quan trọng nhất là tất cả các bên liên quan đều cần có sự thay đổi theo hướng tích cực, để “món ăn” được ngon hơn chứ không phải chuyện đau đầu tìm cách đối phó lẫn nhau…