'Bán nhầm' cổ phiếu lúc giá cao vì... mắt kém

29/11/2023 08:40

Một nữ nhân viên bán nhầm cổ phiếu nhưng không công bố thông tin đúng ngày vì lý do mắt kém. Đáng chú ý, thời điểm bán, cổ phiếu này có mức giá khá cao.

Bà Trần Thị Thơm, Kiểm soát viên của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), vừa có báo cáo giải trình về việc không công bố thông tin giao dịch cổ phiếu của người nội bộ.

Theo văn bản giải trình, ngày 9/10, bà Thơm có đặt lệnh bán 5.000 cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu sau khi giao dịch của bà Thơm còn 21.000 cổ phiếu. Sau hơn một tháng, bà Thơm mới có văn bản giải trình.

Lý do không công bố thông tin, bà Thơm giải trình rằng: “Do mắt kém, tôi muốn bán cổ phiếu khác nhưng đã đặt nhầm lệnh bán cổ phiếu HAH. Đây là lần đầu tiên tôi mắc sai sót này, tôi xin báo cáo giải trình và cam kết nghiêm túc thực hiện đúng các quy định trong các lần sau”.

bao cao co phieu.jpg
Văn bản giải trình cơ quan chức năng của bà Trần Thị Thơm.

Đáng chú ý, thời điểm bà Thơm bán cổ phiếu cũng là lúc mã HAH có mức giá cao nhất, 40.500 đồng/cp. Tính theo mức giá này, bà Thơm thu về khoảng 203 triệu đồng.

Thời gian qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chậm công bố thông tin hay bán nhầm cổ phiếu vì lý do khác nhau.

Ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG, bán 2,6 triệu cổ phiếu trong phiên 15/8 nhưng không đăng ký giao dịch.

Nguyên nhân do ông Hưng có chuyến công tác xa trong thời gian từ 8-15/8 nên không thể trực tiếp thực hiện công bố thông tin và giao cho thư ký làm việc này. Tuy nhiên, nhân sự mới chưa nắm rõ quy định nên dẫn dến sai sót, làm chậm trễ quá trình công bố thông tin.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), cũng đăng ký bán hơn 6,047 triệu cổ phiếu.

Trong văn bản đính chính, ông Bình cho hay chỉ nắm giữ hơn 6,040 triệu cổ phiếu, ít hơn 7.000 cổ phiếu so với số đăng ký bán trước đó. Lý do được đưa ra là do sơ suất trong quá trình soạn thảo.

Tin doanh nghiệp niêm yết

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* ELC: CTCP Tin học – Viễn thông ELCOM thông báo phát hành hơn 23,51 triệu cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 100:40. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận cổ phiếu vào 7/12.

* VMS: Ngày 7/12, CTCP Phát triển Hàng hải chốt giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức năm 2022. Cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10%, thanh toán bắt đầu từ ngày 22/12.

* HNF: CTCP Thực phẩm Hữu Nghị thông qua việc chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức đợt 2 năm tài chính 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.500 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 26/12.

* DVP: CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%, tương ứng cổ sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.500 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 12/1/2024.

* PTL: CTCP Victory Capital miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Lê Văn Vũ, đồng thời bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Thoa vào vị trí này.

* TEG: Ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT CTCP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành, đăng ký mua vào 170.571 cổ phiếu. Phương thức giao dịch là khớp lệnh và thỏa thuận, từ ngày 30/11-29/12.

* DHC: Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Thành viên HĐQT CTCP Đông Hải Bến Tre, mua thành công hơn 200.000 cổ phiếu trong tổng số 500.000 đơn vị đăng ký mua từ ngày 27/10-24/11. Sau giao dịch, ông Nghĩa sở hữu hơn 10,89 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 13,54%.

* VNE: Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Điện Việt Nam, bán ra 409.000 cổ phiếu từ ngày 30/10-27/11 theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch này, ông Tuấn còn giữ hơn 2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,44%.

* EVE: AFC VF Limited, cổ đông lớn của CTCP Everpia đã mua vào hơn 355.000 cổ phiếu trong ngày 23/11. Sau giao dịch, tổ chức này nắm giữ hơn 4,08 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,74%.

VN-Index

Chốt phiên 28/11, VN-Index tăng 7,37 điểm (+0,68%), lên 1.095,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 681,88 triệu đơn vị, giá trị 14.060,1 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 0,5 điểm (+0,22%), lên 224,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 77,8 triệu đơn vị, giá trị 1.413,6 tỷ đồng.

UpCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,19%), lên 84,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,7 triệu đơn vị, giá trị 317,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 26,5 triệu đơn vị, giá trị 321,4 tỷ đồng.

Nhận định thị trường, theo Chứng khoán SHS, VN-Index lại có thêm một phiên kiểm định lại vùng 1.075 điểm trước khi bật tăng trở lại và đóng cửa tăng 7,37 điểm và vẫn chưa thể lấy lại mốc 1.100 điểm sau phiên giảm mạnh tuần trước.

Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, nếu sớm vượt qua ngưỡng kháng cự 1.100 điểm, thị trường sẽ tiếp tục nhịp hồi phục sau giai đoạn giảm mạnh và qua đó hướng đến khu vực tích lũy phía trên mốc điểm số nói trên.

Tuy nhiên, do là nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật bởi VN-Index đã đánh mất xu hướng tăng do đó rủi ro kết thúc hồi phục cũng khá cao.

Với nỗ lực hồi phục cuối phiên hôm nay, SHS vẫn hy vọng VN-Index sẽ có thể vượt qua ngưỡng 1.100 điểm trong các phiên tới và phát tín hiệu cho nhịp hồi phục tiếp theo.

Còn Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) đưa quan điểm rằng cần nắm giữ danh mục. Thậm chí vẫn gia tăng thêm tỷ trọng ở những mã cổ phiếu đã có lợi nhuận khi thị trường chung rung lắc mạnh.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/ban-nham-co-phieu-luc-gia-cao-vi-mat-kem-2220446.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/ban-nham-co-phieu-luc-gia-cao-vi-mat-kem-2220446.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Bán nhầm' cổ phiếu lúc giá cao vì... mắt kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO