Kỳ 3 - Bán nhà, gánh nợ vì làm "bầu" sân khấu: Tại sao vẫn lao đầu?
(Dân trí) - Đằng sau cách gọi rất kêu - "ông bầu", "bà bầu" sân khấu kịch - là không ít trường hợp lao đao vì những món nợ khổng lồ hay những đắng cay, thất bại mà họ phải trải qua vì trót "mang nghiệp làm bầu".
Dân trí thực hiện tuyến bài "Sân khấu kịch Sài Gòn: Còn lại gì sau thời vàng son?" với mong muốn dành tất cả sự trân trọng, tôn vinh những nghệ sĩ, bầu show, nhân viên hậu đài và cả khán giả - những người đã luôn dành tình yêu cháy bỏng cho sân khấu kịch bất kể những thăng trầm, đổi thay của thời cuộc...
Làm "bầu" có sướng?
Gặp nghệ sĩ Minh Nhí sau hơn 4 tháng từ khi anh dẫn dắt, đưa Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh đi vào hoạt động, nam nghệ sĩ trông có vẻ "xuống sắc" so với trước. Trò chuyện với chúng tôi, Minh Nhí cho biết anh lo lắng trăm bề từ khi trở thành "ông bầu" sân khấu kịch.
"Có người còn hỏi tôi bị bệnh gì hay sao mà ngày càng hốc hác, ốm yếu. Tôi nói người thì vẫn khỏe nhưng do ăn ngủ không yên vì phải lo trong, lo ngoài cho sân khấu đó thôi. Không chỉ lo nội dung, nghệ thuật mà tôi còn lo khán giả ngồi ghế có thoải mái không, lối đi đã đủ rộng rãi hay chưa, sân khấu đảm bảo an ninh, an toàn trong những lúc cấp bách chưa…", nghệ sĩ giãi bày.
Nhìn vóc dáng nhỏ thó nay lại thêm cảnh "mất ăn mất ngủ" vì lo lắng của Minh Nhí, nhiều người chặc lưỡi, hỏi sao biết rõ khó khăn mà vẫn lao vào, Minh Nhí cười xòa. Nghệ sĩ nói làm bầu sân khấu không chỉ để kiếm tiền mà với anh, nó còn mang ý nghĩa lớn lao hơn thế.
Không riêng Minh Nhí, nhiều "ông bầu", "bà bầu" khác cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Còn nhớ năm ngoái, vì lo lắng cho sự sống còn của Sân khấu kịch Phú Nhuận mà NSND Hồng Vân nhiều tháng "mất ăn mất ngủ". Không ít lần, "bà bầu" rơi nước mắt khi sân khấu kịch của mình đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Ngược dòng thời gian, trở về thời điểm hơn 20 năm trước, bầu sân khấu từng được xem là nghề "hái ra tiền". Thời ấy, người dân không chỉ mê cải lương, mê Minh Vương, Lệ Thủy mà còn mê kịch nói. Trong đó, đoàn kịch Kim Cương được xếp ở vị trí độc tôn với các vở diễn "cháy vé" trên sân khấu hoặc thu ở đài truyền hình.
Khơi lại hồi ức xưa, nhiều khán giả lớn tuổi, thậm chí là những người ở tỉnh xa, không khỏi bồi hồi khi nhớ lại cảnh xếp hàng đi xem kịch của đoàn Kim Cương. Với họ, nhiều thứ có thể phai nhạt theo thời gian nhưng những vở kịch của đoàn Kim Cương thì luôn khắc sâu đến từng câu thoại, đặc biệt là những vở kinh điển như Lá sầu riêng, Trà hoa nữ…
Sân khấu Kim Cương cũng từng là nơi hoạt động của những tên tuổi đình đám như: "Minh tinh" Thẩm Thúy Hằng, diễn viên Vân Hùng, Xuân Phát, Phi Bằng… và đặc biệt là tài tử Thương Tín. Ông thường đóng cặp với Kim Cương và nổi tiếng với các vở Bông hồng cài áo, Vực thẳm chiều cao, Huyền thoại mẹ…
Hồi ấy, Thương Tín được săn đón, kịch của ông diễn suốt nhiều đêm liền, khán giả xếp hàng nườm nượp mua vé. Nhờ đó mà thu nhập của nghệ sĩ được tính bằng cây vàng mỗi suất diễn.
"Bà bầu" Kim Cương cũng nhận được sự nể trọng rất lớn trong nghề. Danh xưng "kỳ nữ" còn vang vọng đến tận bây giờ. Có lẽ cũng chính vì thế mà giờ đây, khi trò chuyện với các bầu sân khấu, họ thường nhắc về khoảng thời gian vàng son với đôi phần tự hào xen lẫn tiếc nuối.
Thế chấp nhà, "gồng" nợ vì sân khấu
Hiện tại, dù nhiều ông bầu, bà bầu tên tuổi như nghệ sĩ Ái Như - Thành Hội (Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh), NSND Hồng Vân (Sân khấu kịch Hồng Vân), NSƯT Mỹ Uyên (Sân khấu kịch 5B), nghệ sĩ Minh Nhí (Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh)… cũng ra sức nuôi dưỡng, phát triển kịch nói nhưng khi loại hình này dần không còn vị trí "số 1" thì nghiệp làm bầu cũng lắm gian truân…
Những năm gần đây, các sân khấu kịch tại TPHCM phải đối mặt với nhiều thách thức. Không chỉ vì dịch Covid-19 khiến các hoạt động thưởng thức nghệ thuật bị ảnh hưởng mà có ý kiến cho rằng sân khấu kịch đang dần bị khán giả "quay lưng" khi các loại hình giải trí khác lên ngôi. Thời gian qua, một số đơn vị đã nỗ lực chuyển mình, đạt được những kết quả khả quan, song những người làm bầu vẫn mang nhiều trăn trở.
Năm 2018, Sân khấu Nụ Cười Mới chính thức "tắt đèn". "Thánh đường" nghệ thuật khép lại, những nghệ sĩ từng "gắn bó máu thịt" với sân khấu như Nhất Trung, Phi Nga... không khỏi tiếc nuối.
Nghệ sĩ Vũ Văn Long (nghệ danh Long Đẹp Trai) - nguyên Giám đốc Sân khấu kịch Nụ Cười Mới - cho biết thời điểm đó, anh đã khóc suốt nhiều tháng trời vì tâm huyết của mình tan biến sau nhiều năm gầy dựng. Từng là người điều hành một sân khấu tên tuổi, ghi dấu ấn với nhiều vở diễn, Long Đẹp Trai thừa nhận cũng chính vì vậy mà sau khi không còn Nụ Cười Mới, anh khó lòng đầu quân vào các sân khấu khác dù vẫn nhận được nhiều lời mời.
Trò chuyện với chúng tôi, Long Đẹp Trai có chút nghẹn ngào, cay đắng khi nhắc về khoảng thời gian trước khi đóng cửa sân khấu, anh phải dùng tiền túi lấp vào những khoản thua lỗ hòng níu kéo "thánh đường" chứa đựng tâm huyết của mình và đồng nghiệp. Nhưng cuối cùng, mọi nỗ lực đều bất thành. Đến khi Nụ Cười Mới chính thức đóng cửa, Long Đẹp Trai vẫn còn nợ tiền mặt bằng 200 triệu đồng.
"Nụ Cười Mới có khoảng 3 năm lao đao, khó khăn trước khi đóng cửa. Tôi từng hứa với cố nghệ sĩ Hữu Lộc (người thành lập sân khấu kịch Nụ Cười Mới, mất năm 2010 - PV) trước lúc anh ấy lâm chung rằng tôi sẽ ra sức duy trì sân khấu này, nhưng rồi lại không gồng gánh nổi khi những suất diễn dần thưa khán giả. Lời hứa của tôi với anh cũng đành dang dở", Long Đẹp Trai chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ, "bà bầu" Mỹ Uyên cũng từng phải thế chấp căn nhà để lấy vốn đầu tư cho Sân khấu 5B. Nữ nghệ sĩ hiểu đầu tư vào sân khấu kịch, vốn bỏ ra chưa chắc lấy lại dễ dàng nhưng vẫn không đắn đo vì lỡ… mang "nghiệp làm bầu".
Dù làm chủ, song Mỹ Uyên vẫn lăn xả đủ các vai trò, vừa làm diễn diễn, vừa làm đạo diễn rồi phải trông coi khi sân khấu gặp các vấn đề về cơ sở vật chất. Thậm chí, có lúc cô kiêm luôn vai trò… bán vé.
Khi được hỏi về chuyện căn nhà, Mỹ Uyên bật cười bảo: "Dễ gì mà lấy lại sớm thế!". Nữ diễn viên thừa nhận tình hình kinh tế của bản thân cũng gặp khó khăn khi theo đuổi việc kinh doanh sân khấu.
"Nhiều suất tôi diễn xong thì gửi tiền lại cho thủ quỹ luôn. Nếu cơ sở vật chất có vấn đề thì cũng do một tay tôi bỏ tiền sửa chữa. Cuối tháng lo tiền điện, tiền nhân viên… là xem như không có lời. Rất nhiều vở diễn, tôi phải bù lỗ", nghệ sĩ bộc bạch.
Tương tự, diễn viên Minh Nhí tâm sự, khi "bày biện" Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh, anh đã chuẩn bị tâm lý lỗ. Theo nam nghệ sĩ, để sân khấu đi vào hoạt động thì người làm bầu khả năng phải chịu lỗ tối thiểu là 1 năm.
"Ngôi sao" kịch rời sân khấu, chạy show truyền hình
Cùng nghệ sĩ Minh Nhí dõi theo hơn 80 diễn viên tập luyện cho vở Bí mật trăm đốt tre ra mắt vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6, gương mặt của "ông bầu" hằn rõ những nếp nhăn. Thỉnh thoảng, anh đưa mắt nhìn khắp khán phòng xem tường có đóng bụi hay vướng mạng nhện không.
Khi diễn viên trên sân khấu tập luyện đến khúc cao trào, Minh Nhí cũng "hăng máu" tung hứng theo. Khi diễn viên quên thoại, mặt "ông bầu" còn… căng hơn dây dàn. Chúng tôi hỏi quy tụ hơn 80 diễn viên cho một vở diễn thì lời lỗ thế nào, nam nghệ sĩ cười lớn: "Đây là vở diễn thiếu nhi đầu tiên nên chúng tôi dàn dựng kỳ công lắm, không nghĩ tới chuyện có lời đâu".
Minh Nhí chia sẻ, mỗi lần tập luyện, sân khấu bật nhiều máy lạnh công suất lớn để đảm bảo năng lượng của diễn viên trong cái nóng mùa hè, đèn cũng được thắp sáng liên tục nên mỗi tháng tốn kha khá tiền điện. Nhưng anh cho rằng "diễn viên hết lòng thì mình phải hết dạ". Vậy mới nói làm bầu không phải chỉ lo cho vở diễn mà còn phải đong đếm thu chi. Thế nên hễ sân khấu thất bát thì ông bầu, bà bầu hẳn là người… "rầu" nhất.
Chị An Thi - Giám đốc Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ - cũng từng chia sẻ với phóng viên Dân trí rằng nỗi lo về chi phí đầu tư cho mặt bằng, cơ sở vật chất là "không của riêng ai". Năm nào sân khấu của chị cũng phải làm mới toàn bộ, chi phí mỗi lần lên đến 200-300 triệu đồng. Chưa kể thời điểm sân khấu tạm ngưng vì giãn cách xã hội, dàn âm thanh ánh sáng bị hư hỏng nặng do lâu ngày không sử dụng. Để đảm bảo chất lượng vở diễn, đơn vị này đã phải thay mới toàn bộ, tốn khoảng 300 triệu đồng.
Không chỉ lo trong, lo ngoài mà hiện nay các ông bầu, bà bầu còn đau đầu trước thực trạng sân khấu kịch ngày càng "nghèo" kịch bản. Nghệ sĩ Minh Nhí tâm sự, do chưa đủ kinh phí để "nuôi" đội ngũ sáng tác nên buộc lòng anh cùng các đồng đội phải tìm kiếm, sàng lọc kịch bản từ nhiều tác giả khác nhau. "Nếu không có riêng một tổ tác giả thì việc tìm kiếm nguồn kịch bản mất nhiều thời gian, không đảm bảo tính xuyên suốt", nghệ sĩ Minh Nhí chia sẻ.
Bên cạnh đó, để có thể giữ chân khán giả, mỗi sân khấu đều cần những "ngôi sao", "gương mặt phòng vé". Song, theo thời gian, không ít nghệ sĩ chọn tham gia gameshow, chương trình truyền hình thực tế để có thu nhập ổn định hơn…
Từng chứng kiến cảnh sân khấu tâm huyết không thể sáng đèn do thiếu những diễn viên nòng cốt, Long Đẹp Trai cho biết ngày trước, anh được cho là nắm "ngai vàng" trong tay khi sân khấu Nụ Cười Mới quy tụ hàng loạt tên tuổi như nghệ sĩ Hoài Linh, cố nghệ sĩ Chí Tài, nghệ sĩ Trường Giang… Mỗi suất diễn có những nghệ sĩ này, khán giả kéo đến chật kín lối đi.
Tuy nhiên sau này, mỗi nghệ sĩ lại có con đường riêng, không còn đủ thời gian dành cho sân khấu nữa thì khán giả cũng thưa dần. "Lâu nay tôi không muốn tham gia gameshow bởi điều này như nỗi đau chưa nguôi ở trong lòng. Tôi nhớ như in cảm giác nhấc điện thoại gọi cho các diễn viên hẹn giờ lên sân khấu, ai cũng bận vì đi… quay gameshow", Long Đẹp Trai nói, giọng đầy chua chát.
Song, Long Đẹp Trai cũng cho rằng khó trách nghệ sĩ bởi ai cũng có quyền lựa chọn công việc, chưa kể đó lại là công việc có thể giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn. "Nghệ sĩ cứ nói cứu sân khấu nhưng rồi đều không dành thời gian cho nó, dù chỉ là cuối tuần. Ai cũng biết sân khấu hoạt động được một phần cũng phải nhờ những ngôi sao nên chính họ phải là người ý thức hành động thì sân khấu mới không mai một", nam nghệ sĩ khẳng định.
Nói đến đây, Long Đẹp Trai tỏ vẻ buồn bã khi nghĩ đến nghệ sĩ Thành Lộc: "Khi nghe tin nghệ sĩ Thành Lộc rời Idecaf, tôi đã rơi nước mắt bởi anh ấy đã hoạt động ở sân khấu này gần 30 năm. Với tôi, anh ấy là thần tượng, là nghệ sĩ được nhiều người yêu mến. Tôi sợ khi nghĩ đến chuyện người nghệ sĩ tài danh này rời sân khấu".
Không riêng Long Đẹp Trai mà những ngày qua, nhiều khán giả không khỏi bất ngờ, hụt hẫng trước thông tin nghệ sĩ Thành Lộc rời Idecaf sau 26 năm gắn bó. Dù nam nghệ sĩ khẳng định sẽ không bỏ nghề hay bỏ sân khấu nhưng nhiều năm nay, khán giả đã quen nhìn thấy Thành Lộc tại Idecaf trong những vở Ngày xửa ngày xưa. Sự ra đi của anh để lại khoảng trống khó tả trong lòng những người yêu kịch.
Diễn viên Long Đẹp Trai bày tỏ: "Tôi nghĩ sân khấu có anh Thành Lộc là một điều may mắn nên nếu anh rời đi thì đó là một tổn thất lớn của sân khấu đó. Tôi luôn hy vọng những nghệ sĩ tên tuổi như anh Thành Lộc trong tương lai sẽ có sân khấu riêng để nghệ thuật không ngừng phát triển chứ nếu nghệ sĩ nổi tiếng, ngôi sao mà lần lượt rời sân khấu hết thì cuối cùng các sân khấu kịch sẽ đi về đâu?".
Câu hỏi của Long Đẹp Trai cũng là điều mà chúng tôi vô cùng trăn trở khi thực hiện tuyến bài này. Tương lai của sân khấu kịch sẽ đi về đâu trước rất nhiều khó khăn, thử thách như hiện nay?
Nội dung: Mộc Khải
Hình ảnh: Anh Khoa - Nhân vật cung cấp
Đón xem: Kỳ 4 - Cô gái 20 năm săn vé "Ngày xửa ngày xưa" và gen Z tiếp lửa sân khấu