Một trận bóng cũng giống một bộ phim. Khác ở chỗ không ai biết trước kịch bản. Diễn tiến trên sân chủ yếu phụ thuộc vào toan tính của chiến lược gia, nhưng đôi khi được điều chỉnh bởi tài năng và cảm xúc của các cầu thủ, những nhân vật chính. Trận bóng hay chính là trận bóng có nhiều tình tiết bất ngờ để dẫn đến cao trào và sau khi kết thúc vẫn đọng lại nhiều dư vị trong ký ức người xem.
Xét trên tiêu chí ấy, trận tứ kết Hà Lan đấu với Argentina xứng đáng được liệt vào hàng "siêu phẩm" của mùa World Cup 2022.
Phân cảnh đầu tiên cần được đề cập đến dĩ nhiên là pha kiến tạo tuyệt mỹ của Messi cho Molina mở tỷ số trận đấu. Có lẽ chẳng bút mực nào tả xiết pha xử lý này của La Pulga. Thủ quân của tuyển Argentina nhận bóng ở gần khu vực giữa sân và chếch sang hành lang phải. Anh lướt qua Frenkie De Jong. Ngay lập tức, Nathan Ake ập đến ngăn chặn Messi.
Anh tiếp tục dấn bóng thêm hai nhịp, mặt không biến sắc, tâm tĩnh như hồ nước. Bất thần, "số 10" xỉa trái bóng qua hai chân Ake. Như lưỡi dao nóng cắt vào miếng bơ nguội, cú chọc khe của siêu sao người Argentina xuyên qua hàng thủ màu da cam và tìm đến đúng chân Molina. Không phải quỹ đạo như vậy, không phải lực chuyền như vậy, và chỉ có khoảnh khắc duy nhất hai chân Ake mở ra đó, trái bóng không thể đến chân hậu vệ phải của Albiceleste. Ngoài Messi, không ai có thể thực hiện được đường chuyền như vậy.
Cho dù nhàm chán, vẫn phải nhắc lại, đó là pha xử lý của thiên tài sân cỏ. Ngoài đường chuyền chết chóc ấy, La Pulga còn có khá nhiều tình huống thể hiện đẳng cấp trong cả 120 phút trận đấu. Nhìn chung, anh vẫn là cầu thủ có khả năng tạo đột biến khủng khiếp nhất thế giới. Bản lĩnh Messi càng thể hiện rõ hơn qua 2 lần đá 11m "lạnh tanh". Nếu như trước đây, khả năng đá penalty và tâm lý của siêu sao người Argentina luôn bị đặt dấu hỏi lớn thì hôm nay, La Pulga lại cho thấy hình ảnh đầy tự tin và điềm tĩnh. Đó dường như cho thấy chút sự đổi thay trong con người cầu thủ này.
Vị chiến lược gia dày dạn kinh nghiệm như Louis Van Gaal hẳn nhiên quá hiểu sự lợi hại của Messi. Bởi vậy ông đã bố trí riêng Nathan Ake bắt chặt "số 10" bên phía Albiceleste, như Claudio Gentile từng theo kèm Maradona. Tuy nhiên, Lionel Scaloni tuy trẻ người nhưng không đến nỗi non dạ tới mức không nhận ra ý đồ của HLV đội tuyển Hà Lan, đội bóng thực tế thi đấu một màu nhất tại World Cup khi chỉ trung thành với sơ đồ 3 trung vệ.
Đây chính là chi tiết đắt giá thứ hai cần đề cập đến trong siêu phẩm này. Đó là để hóa giải lối chơi thực dụng của người Hà Lan, HLV đội tuyển Argentina quyết định… rập khuôn theo sơ đồ đối phương, tức chuyển sang sơ đồ 3 trung vệ. Việc bị "soi gương sơ đồ chiến thuật" như vậy khiến các cầu thủ áo da cam bị lép vế về mặt thế trận. Đơn giản vì con người bên phía đội bóng áo xanh trắng xuất sắc hơn, đặc biệt là vị trí Messi.
Một mình Ake thực tế không đủ để bắt chặt siêu sao người Argentina. Do đó, như đã đề cập, Messi có không gian chơi bóng và tạo ra nhiều pha bóng sóng gió về phía khung thành. Bằng chứng là anh đã tung ra tổng cộng 6 pha dứt điểm, thực hiện 3 đường chuyền dọn cỗ và kiến tạo cho Molina ghi bàn. Nhấn mạnh thêm, khoảng trống Molina đâm vào để ghi bàn chính là khoảng trống Ake để lộ ra khi dâng cao bắt thủ quân của tuyển Argentina.
Sau khi tạo đột biến trong bàn mở tỷ số, đích thân Messi nhân đôi cách biệt từ chấm 11m. Kết quả trận đấu tưởng như đã được định đoạt, bởi cho đến phút 82 của trận đấu, Hà Lan vẫn bất lực trong việc tìm đường vào khung thành thủ môn Emiliano Martinez, bằng chứng là chưa có nổi một cú sút trúng đích. Tuy nhiên, "ông đồ già" lắm mưu, nhiều kế như Van Gaal đâu dễ thất bại như vậy.
Chi tiết đắt giá thứ ba và đẩy kịch tính trận đấu lên cao trào là ở đây. HLV đội tuyển Hà Lan quyết định chơi canh bạc tất tay bằng cách tung hai trung phong cao kều Luuk de Jong, cao 1m90, và Weghorst, cao 2m, vào sân. Ý đồ của Van Gaal rất đơn giản nhưng thể hiện sự quái kiệt. Đó là khai thác hạn chế chiều cao của các trung vệ Argentina bằng những pha tạt bổng vào giữa khung thành.
Kế hoạch "cây sào màu da cam" này đạt hiệu quả không ngờ. Những quả tạt của các cầu thủ Hà Lan khiến hàng thủ Albiceleste run rẩy. Weghorst lập cú đúp bàn thắng, với các pha lập công ở các phút 83 và 90+11. Đầu tiên là cú đánh đầu lái bóng cực đẹp. Sau đó, ở pha bóng cuối cùng, là tình huống cài người dứt điểm trong tình huống phối hợp đá phạt hàng rào cực kỳ thông minh của các cầu thủ Hà Lan. Một miếng đánh chính người Argentina từng áp dụng thành công tại World Cup 1998.
Tuy nhiên, điều chỉnh chiến thuật của Van Gaal chỉ có thể giúp Hà Lan gỡ hòa chứ không thể chiến thắng. Hai đội phân định thắng thua bằng thi đá luân lưu sau khi Argentina bỏ lỡ vài cơ hội mười mươi trong hiệp phụ. Đây chính là đoạn kết giàu cảm xúc cho "tác phẩm".
Thủ thành Emiliano Martinez hóa thân thành người hùng của xứ sở điệu tango với 2 pha cản phá thành công. Chân sút vô duyên Lautaro Martinez thực hiện cú đá quyết định và dứt điểm thành công. Các cầu thủ Argentina ùa đến ăn mừng và không quên chế giễu đối thủ áo màu da cam. Rất nhiều thù hận và rất ít tôn trọng giữa đôi bên. Một phần chất xúc tác tạo nên căng thẳng và kịch tính cho trận đấu là 14 thẻ vàng trọng tài Mateu Lahoz rút ra, kỷ lục tại World Cup 2022.
Suốt cả trận đấu thực tế kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, người hâm mộ được chứng kiến sự thù hận giữa hai đối thủ không đội trời chung. Tranh cãi, ăn vạ, tiểu xảo, khiêu khích, bạo lực... đều được đôi bên thi triển. Sẽ có người dị ứng hay cảm thấy khó chịu vì trận đấu bị xé vụn bởi chiêu trò của cả đôi bên. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của bóng đá đôi khi đến từ những hành vi rất bụi bặm ấy, nhất là khi hiểu được sự kình địch giữa đôi bên.
Bóng đá Argentina và Hà Lan có mối liên hệ chẳng mấy êm đẹp. Hai đất nước có những tư tưởng chơi bóng đối nghịch. Lịch sử đối đầu lại lắm ân oán, từ thất bại bẽ bàng của Argentina tại World Cup 1974 đến trận thua cay đắng của Hà Lan ở World Cup 1978. Từ đó, mỗi khi hai đội tuyển gặp nhau, trận đấu luôn diễn ra căng thẳng, với nhiều sự thù hận. Cuộc chạm trán ở các kỳ World Cup 1998, 2006 và 2014 đều như vậy.
Thế nên, những cuộc đụng độ giữa Argentina và Hà Lan có thể ví là kinh điển đa sắc như chính màu áo của hai đội tuyển. Trong lịch sử bóng đá, không có nhiều cặp kình địch độc đáo đến vậy.
Khải Hưng
10/12/2022