Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng
Theo đó Bộ Công Thương cho hay trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 82,8%; lưu trú và ăn uống chiếm 8,3%; ngành du lịch chỉ chiếm 0,1% và các ngành dịch vụ khác chiếm 8,8%.
Trong tháng 10, tình hình dịch COVID-19 tại nhiều địa phương cơ bản được kiểm soát, các địa phương đã ban hành các quy định điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Tại một số địa phương, nhiều chợ truyền thống được dần hoạt động trở lại với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Các hoạt động đi lại, lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, thông suốt hơn; dịch vụ kinh doanh ăn uống mang về hoặc bán tại chỗ (tùy từng địa phương) cũng được hoạt động trở lại.
Thị trường hàng hóa sôi động hơn so với thời gian thực hiện giãn cách trước đó, nhu cầu hàng may mặc tăng cao do đang trong giai đoạn chuyển mùa tại các tỉnh phía Bắc. Nhu cầu đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình, vật phẩm văn hóa giáo dục cũng tăng sau một thời gian dài thực hiện giãn cách… nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã có sự tăng trưởng tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 10 tăng 18,5% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 19,52% so với cùng kỳ năm trước.
Do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 9 tháng đã ở mức thấp (tăng trưởng âm) do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các địa phương này chiếm tỷ trọng 50-60% của cả nước) nên tính chung 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 82,8%; lưu trú và ăn uống chiếm 8,3%; ngành du lịch chỉ chiếm 0,1% và các ngành dịch vụ khác chiếm 8,8%.
Hàng hóa về TP.HCM nhiều hơn
Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, tại TP.HCM tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố tiếp tục ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.
Tính đến ngày 1/11, đã có 148/234 chợ truyền thống (tăng 06 chợ so với ngày hôm trước) chính thức hoạt động tại nhiều quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.014/3101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
Đối với công tác mở lại chợ đầu mối, tính đến 10 giờ ngày 1-11-2021, trên địa bàn thành phố có 2/3 chợ đầu mối đã hoạt động lại là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn; riêng tại chợ đầu mối Thủ Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Chợ đầu mối Bình Điền đã hoạt động lại từ đêm 31-10 và đã có 5 ngành hàng kinh doanh với 195 điểm kinh doanh hoạt động, tổng sản lượng là 335,04 tấn, trong đó hoa là 2,24 tấn; rau củ quả là 87 tấn; thủy hải sản là 202,02 tấn; thịt heo là 17 tấn; và trái cây là 26,6 tấn.
Chợ đầu mối Hóc Môn đã hoạt động lại từ đêm 21-10 và đã có 3 ngành hàng kinh doanh. Đến nay, tình hình hoạt động của chợ đang dần ổn định với số lượng thương nhân tăng dần từ 90 thương nhân lên 195 thương nhân, tăng 116% so với ngày đầu. Tổng sản lượng từ 405 tấn lên 694,5 tấn, tăng 71,5%, trong đó rau củ quả tăng từ 378 tấn lên 491,5 tấn; thịt heo tăng từ 6 tấn lên 100 tấn; trái cây tăng từ 21 tấn lên 103 tấn.
Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường TP.HCM trong ngày 31/10 và sáng 01/10 tăng 1,6% so với hôm qua, ước đạt 6.379,9 tấn/ngày, trong đó gồm có lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 31/10 ước đạt 1.920 tấn/ngày; các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại).
Tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 1/11 tương đương so với ngày 31/10, ước đạt 2.155 tấn/đêm (trong đó cung ứng ra thị trường lẻ là 862 tấn/ngày, cho hệ thống phân phối khoảng1.293 tấn/ngày).