Tăng khoản thu quỹ lớp để trích về quỹ trường
Chị Lê Thu Thủy (Hà Nội) có con học lớp 8 tại một trường THCS ở Hà Nội, làm trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) của lớp đã 3 năm nay.
Kết thúc học kỳ 1 vừa qua, trong cuộc họp phụ huynh, chị Thủy phải thông báo thu thêm 300 nghìn đồng/phụ huynh để bù vào số tiền quỹ lớp bị âm trong học kỳ 1. Đồng thời, mỗi phụ huynh phải đóng thêm 1 triệu đồng tiền quỹ học kỳ 2.
Thông báo thu thêm tiền của chị Thủy nhận lại những lời bàn tán "xì xầm" của các phụ huynh phía dưới. Một số người bỏ về hoặc tỏ thái độ không đồng tình.
Tuy nhiên, khi được hỏi có phụ huynh nào thắc mắc về các khoản thu, chi hay không thì không ai lên tiếng trả lời. Mức thu vẫn được giữ nguyên như thông báo vì không có ý kiến phản đối.
Lớp con chị Thủy có hơn 40 học sinh, trong học kỳ 1, ban đại diện CMHS cùng phụ huynh lớp thống nhất thu quỹ lớp 1 triệu đồng/người. Tuy nhiên, trong hơn 40 triệu đồng tiền quỹ thu về, ban đại diện CMHS lớp phải trích lại một nửa cho ban đại diện CMHS nhà trường. Tức là lớp chỉ còn khoảng 20 triệu đồng để chi tiêu.
Chị Thủy cho biết, số phần trăm quỹ lớp trích cho quỹ ban đại diện CMHS toàn trường được quy định là 50%. Không riêng lớp con chị Thủy mà lớp nào cũng phải thực hiện quy định này.
Vì phải bỏ ra một nửa tiền quỹ cho hoạt động của ban đại diện CMHS nhà trường nên số tiền còn lại không đủ cho học kỳ 1, ban đại diện lớp phải bỏ tiền túi ra để chi tiêu, sau đó thu thêm tiền của phụ huynh lớp để bù vào.
Chị Thủy nhẩm tính, trong học kỳ 1, riêng tiền mua hoa, quà cáp, phong bì cho giáo viên các dịp khai giảng, 20/10, 20/11, Tết Nguyên đán, sinh nhật giáo viên đã tốn của quỹ lớp hơn 20 triệu đồng.
Ngoài ra, lớp còn phải chi thêm khoảng 12 triệu đồng để tổ chức sinh nhật các con theo tháng, tổ chức Trung thu, Halloween, liên hoan hết học kỳ và các hoạt động ngoại khóa.
"Mọi năm, không hề có "quy định 50/50", các lớp tự do thống nhất việc trích lại cho quỹ phụ huynh trường bao nhiêu tiền. Vì vậy, chúng tôi có thể chủ động cân đối thu, chi sao cho hợp lý. Những năm trước thường là thừa tiền quỹ. Sang năm nay, chúng tôi buộc phải thu thêm quỹ lớp để bù cho khoản đã trích lại cho quỹ chung toàn trường.
Quỹ ban đại diện CMHS nhà trường được dùng để đóng góp cho những khoản "tự nguyện" cho trường như tiền sửa sang, mua sắm cơ sở vật chất, trồng cây xanh, mua sách cho thư viện, các hội diễn văn nghệ, hội thi thể dục, thể thao và tiền quà cáp cho ban giám hiệu, các phòng, ban trong nhà trường mỗi dịp lễ, tết.
Những người trong ban đại diện CMHS như tôi phải chịu áp lực "trên đe, dưới búa". Ở trên thì nhà trường kêu gọi đủ thứ tự nguyện, mà không tự nguyện cũng không được vì đa số các lớp đều đồng ý đóng góp, ở dưới thì phụ huynh không đồng cảm, luôn nghi ngờ ban đại diện "ăn bớt", chi tiêu lãng phí dù đó đều là những khoản buộc phải tiêu và chúng tôi cũng đã kê khai chi tiết", chị Thủy nói.
Chị Nguyễn Thị Trang có con học lớp 4, là trưởng ban đại diện CMHS lớp tại một trường tiểu học ở Hà Nội. Kết thúc học kỳ 1 vừa qua, chị Trang đau đầu trước những câu hỏi chất vấn của phụ huynh về việc thu, chi tiền quỹ lớp. Làm trưởng ban đại diện đã 4 năm qua, chưa năm nào chị cảm thấy phụ huynh trong lớp thiếu tôn trọng chị như năm nay.
Vấn đề đến từ quyết định ban đại diện các lớp phải trích 30% từ quỹ lớp để đóng góp cho hoạt động của ban đại diện CMHS toàn trường. Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp phụ huynh toàn trường cuối học kỳ vừa qua. Không đồng ý với việc này, chị Trang lên tiếng phản đối thì bị trưởng ban đại diện CMHS toàn trường "dạy cho một bài học".
"Chị ấy nói như quát vào mặt tôi, cho rằng tôi chống đối chủ trương của nhà trường, không nghĩ cho sự phát triển của các con.
Đồng thời, chị này nêu ra các khoản gọi là "tất cả vì con em chúng ta" như tiền mua sắm dụng cụ dạy học, lắp đặt điều hòa, tivi thông minh mới trong các lớp học, nâng cấp nhà đa năng, sân khấu. Đáng nói là những thiết bị đó đã có sẵn, đang dùng tốt thì tại sao phải sắm mới.
Theo tôi, những khoản đó thuộc về trách nhiệm của nhà trường chứ không phải phụ huynh. Phụ huynh nào cũng biết vậy nhưng không dám lên tiếng, chỉ mình tôi phản đối nên không thay đổi được quyết định. Vậy là từ học kỳ 2, mỗi lớp phải thu thêm tiền quỹ để phục vụ những khoản đóng góp trên", chị Trang cho biết.
Vì vậy, trong cuộc họp phụ huynh tổng kết học kỳ 1, chị Trang đành thông báo thu quỹ lớp học kỳ 2 là 1,3 triệu đồng, cao hơn mức thu của học kỳ trước 300 nghìn đồng. Chị Trang cũng giải thích rõ đây là chủ trương của toàn trường, không phải do ban đại diện lớp đề ra.
"Tuy nhiên, ngay lập tức, một số phụ huynh đứng lên phản đối, cho rằng ban đại diện lớp đang "vẽ" ra các khoản chi để "ăn tiền" của họ.
Một số phụ huynh đã lớn tuổi nhưng vẫn nói ra những câu vu khống rất khó nghe. Họ kiên quyết không nộp tiền quỹ, trong khi khoảng 2/3 số phụ huynh còn lại đồng ý đóng góp.
Với những phụ huynh phản đối, chúng tôi đang tiếp tục giải thích và kê khai chi tiết các khoản thu, chi với họ. Nếu không còn cách nào khác để thuyết phục, chúng tôi đành nhờ giáo viên chủ nhiệm giải quyết", chị Trang nói.
Theo chị Trang, trước kia, ban đại diện CMHS phải thu tới 1 triệu đồng/phụ huynh/học kỳ tiền quỹ lớp vì số tiền này không chỉ để phục vụ cho các con.
Thỉnh thoảng, giáo viên chủ nhiệm lại "đẩy" cho ban đại diện CMHS một lá đơn tự nguyện đóng góp. Cô giáo nói thẳng là nhà trường có kế hoạch, ban đại diện thu giúp cô, đồng thời, gia hạn nộp tiền mà chưa cần biết phụ huynh có tự nguyện hay không.
"Có năm, chúng tôi thu về 35 triệu đồng tiền quỹ lớp nhưng phải chi cho các khoản tự nguyện hết hơn 17 triệu đồng. Quan điểm của chúng tôi là tiền quỹ lớp chỉ để phục vụ cho các hoạt động của học sinh và tri ân thầy cô giáo.
Vì những khoản thu bất hợp lý mà ban đại diện luôn là đối tượng bị nghi ngờ "cắt xén", "ăn bớt" tiền của phụ huynh", chị Trang nói.
Trưởng ban đại diện bảo giáo viên: "Chị tự đi mà thu tiền"
Chị Nguyễn Thị Liên - trưởng ban đại diện CMHS lớp tại một trường THCS ở Hà Nội cho biết, nhiều năm nay, lớp chị chỉ thu của mỗi phụ huynh 500 nghìn đồng/học kỳ quỹ lớp.
Ban đại diện dùng quỹ lớp để tặng quà cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn nhân ngày 20/11, chỉ riêng giáo viên chủ nhiệm được ưu tiên tặng quà trong cả các dịp lễ, tết khác. Toàn bộ số tiền còn lại dùng để chi cho hoạt động của các con.
"Ban đại diện lớp tôi đi ngược lại so với các lớp khác trong trường. Các lớp đa số thu quỹ lớp hàng triệu đồng mỗi học kỳ.
Ngoài những dịp quan trọng như 20/11 và Tết Nguyên đán, ban đại diện các lớp còn chi tiền để tặng quà cho tất cả các giáo viên, phòng, ban trong rất nhiều dịp không cần thiết như khai giảng, Tết Trung thu, Lễ giáng sinh, Halloween.
Tuy mỗi phụ huynh lớp tôi chỉ đóng 500 nghìn đồng/học kỳ là không thoải mái để lớp chi tiêu nhưng họ đều không khá giả, nhiều người từ tỉnh lẻ lên Hà Nội làm công nhân nên chúng tôi tiêu tiết kiệm từng đồng, cắt giảm các khoản không cần thiết. Nhờ vậy, ban đại diện rất được lòng các phụ huynh trong lớp.
Nhớ năm đầu tiên làm trưởng ban đại diện, tôi nói thẳng với giáo viên là lớp mình chỉ thu ít tiền, nếu muốn đua theo các lớp khác thì chị tự đi mà thu. Giáo viên cũng thông cảm cho lớp nên không có ý kiến gì về tiền quỹ", chị Liên nói.
*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi
Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, phương pháp dạy con, câu chuyện học sinh, sinh viên... tại ô bình luận bên dưới hoặc gửi về email: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cảm ơn!