Tại sao cần bảo quản lương thực thực phẩm?
Vì vi sinh vật luôn có trong thực phẩm nên nếu không biết cách bảo quản thì các loại vi khuẩn, nấm mốc, nấm men... sẽ sinh sôi, phát triển mạnh mẽ, từ đó làm biến chất, hư hỏng thực phẩm. Khi ăn phải các loại thực phẩm này không những không còn chất dinh dưỡng mà thậm chí còn có thể bị ngộ độc.
Việc bảo quản thực phẩm giúp kéo dài thời gian sử dụng đồ ăn, thức uống. Bên cạnh đó, bảo quản thực phẩm còn giúp cho thực phẩm giữ lại được nguyên vẹn các chất dinh dưỡng và an toàn thực phẩm khi sử dụng. Mặt khác, không phải thực phẩm lúc nào cũng có sẵn, có những loại thực phẩm chỉ có theo mùa. Bởi vậy việc bảo quản sẽ giúp chúng ta dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm có thể sử dụng sau này.
Các phương pháp bảo quản thực phẩm
1. Bảo quản thực phẩm bằng cách đông lạnh
Đa phần các loại thực phẩm đều có thể đông lạnh được. Tuy nhiên chúng ta chỉ nên đông lạnh các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm, ghẹ, cua… vì những loại thực phẩm này có thời gian bảo quản lâu trong tủ lạnh.
Đối với những thực phẩm như rau củ các loại, các bạn nên mua rau củ tươi và chế biến ngay. Mặc dù rau củ cũng có thể bảo quản trong tủ lạnh, tuy nhiên, thời gian bảo quản chúng khá ngắn và hàm lượng dinh dưỡng sẽ giảm không được như ban đầu.
Thời gian bảo quản thực phẩm tươi sống ở nhiệt độ từ 0 - 2 độ C và tối đa là 30 ngày. Nhìn chung, đây là cách phổ biến nhất vì tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là thực phẩm không được khử trùng hoặc tiêu diệt vi khuẩn. Bên cạnh đó, làm giảm độ tươi ngon, dinh dưỡng của thực phẩm.
Cách làm:
- Rửa sạch và bọc kín thực phẩm trước khi cho vào tủ đông
- Đựng thực phẩm bằng hộp có nắp đậy hoặc túi ni lông kéo khóa
- Loại bỏ hết không khí trong túi cấp đông trước khi để vào tủ đông
2. Bảo quản thực phẩm bằng cách ướp muối
Muối được xem là "chất bảo quản thực phẩm" hiệu quả thường áp dụng từ rất lâu. Đặc biệt, những thực phẩm tươi sống như cá, thịt... thường được ướp muối để được tươi, ngon hơn. Nồng độ mặn của muối giúp tiêu diệt đa số các loại nấm và vi khuẩn có hại.
Cách thực hiện
- Đầu tiên, bạn rửa sạch thực phẩm để khử mùi tanh hôi (đối với thịt cá) hoặc loại bỏ bụi bẩn (đối với rau củ quả).
- Cắt thành những miếng tùy theo nhu cầu sử dụng.
- Sau đó, trải một lớp muối đến một lớp thực phẩm (đã cắt), tương tự cho đến hết thực phẩm miễn sao cuối cùng là phủ một lớp muối lên trên.
- Đậy kín hoặc phủ tấm vải mùng để tránh côn trùng xâm nhập, đồng thời đặt ở nơi thoáng mát.
Phương pháp bảo quản bằng cách ướp muối phổ biến và hiệu quả hơn so với việc sử dụng hóa chất và đông lạnh. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng lượng muối quá lớn thì sẽ khiến thực phẩm nhiễm mặn, ăn nhiều thì sẽ không tốt cho sức khỏe.
3. Bảo quản thực phẩm bằng phương pháp sấy khô
Bạn có thể áp dụng sấy khô để lưu trữ nhiều thực phẩm từ cá, thịt cho đến rau củ hoặc trái cây. Nguyên lý hoạt động của sấy khô là làm giảm lượng nước có trong thực phẩm để ngăn chặn vi khuẩn làm hỏng thức ăn. Nhắc đến sấy khô, phải nhắc đến các loại trái cây sấy như mít, táo, nho, xoài, chuối rất được yêu thích. Bên cạnh đó, các loại ngũ cốc như yến mạch, hạt kê, lúa mì cũng có thể sử dụng phương pháp này.
Cách làm: Đem phơi thực phẩm dưới ánh nắng mặt trời, thỉnh thoảng bạn lật mặt để thực phẩm được làm khô đều. Phơi đến khi thấy thực phẩm khô lại thì đem bảo quản trong túi kín để ngăn thực phẩm hấp thụ hơi nước trong không khí và bị hỏng. Hoặc bạn có thể cho vào lò sấy để làm khô thực phẩm nhanh hơn.
4. Phương pháp đóng gói chân không
Đây là một cách dễ dàng và tự nhiên để giảm lượng oxy trong bao bì nhằm kéo dài thời hạn sử dụng. Việc giảm hoặc không có oxy sẽ làm chậm quá trình phân hủy thực phẩm và tăng thời gian bảo quản. Bao bì hút chân không có thể sử dụng nhiều để loại bỏ không khí giúp bảo quản các mặt hàng thực phẩm.
Cách làm: Cho thực phẩm vào chai, hộp hoặc túi nylon và tiến hành hút chân không. Thực hiện hút chân không giúp tạo môi trường yếm khí để vi sinh vật không thể phát triển giúp bảo quản thực phẩm lâu dài.
5. Phương pháp bảo quản thực phẩm bằng cách hun khói
Hun khói hay xông khói là phương pháp chế biến món ăn kết hợp giữa sấy khô và làm thẩm thấu các hợp chất tự nhiên trong khói gỗ vào thịt, cá. Mục đích của cách làm này là vừa để bảo quản vừa tăng thêm hương vị cho món ăn. Với phương pháp hun khói, thịt, cá sẽ được diệt sạch vi sinh vật và chống oxy hóa. Ngoài ra, thực phẩm thịt cá còn được ướp với một số gia vị như: muối, đường, tiêu, hồi quế, thảo quả, tỏi, gừng… giúp nâng cao tính bền vững khi bảo quản, tạo màu và tăng hương vị.
6. Phương pháp đóng hộp, chai, lọ
Cách bảo quản đóng hộp thường dùng cho rau, củ quả. Trước khi cho vào chai, lọ, hộp để bảo quản các thức phẩm cần được tiệt trùng và sơ chế sạch sẽ. Tuy nhiên, phương pháp này không đạt hiệu quả cao và ít được sử dụng hơn các phương pháp còn lại bởi các vi khuẩn vẫn có thể tấn công và làm hư hỏng thức ăn. Đồng thời, các hộp đựng thực phẩm sau khi mở ra sử dụng sẽ rất nhanh hư nếu không được chế biến kịp thời.
Bên cạnh đó, phương pháp này đòi hỏi bạn phải tốn nhiều công sức trong khâu tiệt trùng và sơ chế vì nếu kém vệ sinh, không đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe như các bệnh về hệ tiêu hóa, đường ruột hay ngộ độc thực phẩm.
Theo An Nhiên - Vietnamnet