Bạn nghiện mạng xã hội đến mức nào?
Hàng ngày bạn vào facebook đều đặn mỗi sáng? Bạn thích lướt “tóp tóp” và thấy không bao giờ chán? Bạn mải mê với các kênh youtube mà mình yêu thích, đặc biệt những kênh chuyên “bóc phốt”, chửi thuê…? Bạn cũng thường xuyên update trạng thái mình liên tục trên mạng xã hội vì nếu không sẽ thấy cực kỳ trống rỗng?... Nếu đa phần câu trả lời là có, bạn đang rơi vào trạng thái bị mạng xã hội chi phối quá nhiều trong cuộc sống rồi đấy!
Theo giáo sư Jerald Block của ĐH Khoa học và Y tế Oregon, bốn triệu chứng nghiện mạng xã hội dễ dàng bắt gặp chính là:
- Quên thời gian, sao lãng ăn uống và ngủ.
- Tức giận, căng thẳng, bồn chồn khi không thể lên mạng.
- Cần trang bị máy tính mạnh hơn, nhiều phần mềm mới để cập nhật liên tục.
- Biểu hiện trầm cảm, hay cáu giận và tách biệt với xã hội, chỉ thích thu mình trong thế giới “ảo”.
Mạng xã hội không thể phủ nhận có tính tương tác rất lớn và ai ai cũng sử dụng. Tuy nhiên, lạm dụng mạng xã hội quá nhiều, thiếu kiểm soát lại là một “căn bệnh” cần được điều trị bởi nếu không sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho chính người sử dụng.
Hiểu đúng về mạng xã hội
Các thập kỷ qua đã chứng kiến sự bùng nổ của mạng xã hội. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả ngày trời chỉ để upload ảnh trên facebook, tán gẫu với bạn bè, lượn lờ mua sắm online, lướt tik tok “hóng chuyện thiên hạ”… Mạng xã hội giúp các mối quan hệ được mở rộng hơn, mọi người thoải mái “tự do ngôn luận” để bàn tán về một vấn đề nào đó. Chính tác dụng kết nối ấy đang làm nên sức mạnh và thu hút mọi người tham gia khá đông.
Trong khi các mạng này làm cho con người, cộng đồng và các nhóm có lợi ích chung "kết nối” nhiều hơn, nghiện mạng xã hội cũng được công nhận đem đến các rối loạn tâm lý trên toàn thế giới.
Trong một nghiên cứu của Đại học Athens, bác sĩ tâm thần Hy Lạp đã lập luận rằng một nhiều người đánh mất công việc của mình chỉ vì quá mải mê kiểm tra và cập nhật facebook. Chẳng ông chủ nào tuyển nhân viên vào chỉ để suốt ngày lê la mạng xã hội. Một nghiên cứu khác tại trường đại học Séc cũng phân tích sự trì hoãn học tập liên quan đến facebook từ nhiều sinh viên. Một nghiên cứu Mexico phát hiện ra rằng người nghiện mạng xã hội có tỷ lệ trầm cảm cao hơn so với người ít dùng hơn.
Trong một bài luận năm 2008 về tâm thần học, IAD (Internet Addiction Disorder), Tiến sĩ Jerald Block trích dẫn trường hợp của Hàn Quốc, nói rằng: Hàn Quốc xem xét nghiện Internet là một trong các vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng nhất của nó. Sử dụng dữ liệu từ năm 2006, dự toán chính phủ Nam Triều Tiên khoảng 210.000 trẻ em Hàn Quốc (2,1%, 6-19 tuổi) đều bị ảnh hưởng và cần điều trị. Khoảng 80% những người điều trị cần có thể cần dùng thuốc hướng tâm thần, và có lẽ 20% đến 24% phải nhập viện. Hiện, nhiều nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc rơi vào trạng thái trầm cảm và tự tử cũng phần nhiều do những áp lực, tác động từ mạng xã hội.
Như vậy, có thể thấy bên cạnh những tích cực đem lại, mạng xã hội cũng kéo theo nhiều hậu quả khá nguy hiểm nếu người dùng quá sa đà và không kiểm soát được bản thân.
Sử dụng hiệu quả
Để cân bằng và tỉnh táo trong việc sử dụng mạng xã hội, bạn cần tập “cai nghiện” dần bằng cách:
- Tham gia vào các hoạt động khác bên ngoài: gặp gỡ bạn bè thường xuyên thay vì chỉ qua facbook, tik tok... Hoạt động thực tế nhiều hơn, tránh thời gian rảnh cho những hoạt động ảo như “hóng drama”, lướt xem “ai đồ tóp tóp”…
- Dành nhiều thời gian cho người trong gia đình: Nếu gia đình bạn có người nghiện mạng xã hội, hãy tìm cách tách họ ra khỏi máy tính bằng những bữa ăn, sinh hoạt gia đình, những khoảnh khắc với các thành viên khác. Yêu cầu người đó đi mua sắm, đưa con cái hay cháu chắt đi chơi. Những điều này có thể làm nên sự khác biệt lớn.
- Thỏa thuận: Nếu trẻ nhà bạn không muốn ra khỏi máy tính của mình, bạn cần phải thực hiện một số biện pháp. Hãy thỏa thuận với trẻ những ưu tiên: làm xong bài tập về nhà, làm việc nhà, đi chơi với bạn bè, ăn trưa và tối cùng gia đình… Sau đó, trước thời gian ngủ 20 đến 30 phút, bạn cho trẻ truy cập vào facebook hoặc các trang mạng yêu thích của trẻ.
- Kỳ nghỉ: Khi có kỳ nghỉ của gia đình, không mang theo máy tính trong hành lý. Điều này có nghĩa bạn sẽ rút phích cắm điện hoàn toàn trong vài ngày cho những hoạt động vui chơi ngoài trời. Những chuyến đi chơi, kỳ nghỉ như thế này sẽ giúp trẻ tách biệt khỏi máy tính và sẽ là một bước chiến thắng trong điều trị nghiện mạng xã hội.