Khi thời tiết nắng nóng, dường như ngày nào chúng ta cũng phải bật điều hòa để hạ nhiệt trong nhà. Thông thường, đa số mọi người có thói quen đóng tất cả cửa ra vào và cửa sổ trước khi bật điều hòa, hoặc đóng kín cửa và cửa sổ khi đang bật điều hòa để tránh thất thoát hơi lạnh ra ngoài gây tốn điện. Thực tế, cách làm này không chính xác.
Khi ở nhà lâu mà bật điều hòa chúng ta cần chú ý một số điều:
Đầu tiên, bạn cần kiểm tra điều hòa để phát hiện hỏng hóc và chữa kịp thời. Đừng quên, phải vệ sinh điều hòa trước khi sử dụng. Nói chung, điều hòa sử dụng ở nhà thường chỉ dùng vào mùa hè thì chỉ cần vệ sinh hai năm một lần là đủ. Còn bộ lọc bên trong máy điều hòa không khí, tốt hơn là chúng ta nên tháo nó ra và làm sạch mỗi tháng.
Điểm thứ hai là mỗi lần bật điều hòa, chúng ta phải mở cửa, cửa sổ khoảng 10 phút để không khí trong nhà được lưu thông bởi lúc mới bật điều hòa, hơi lạnh thổi ra vẫn còn lẫn mùi ẩm mốc, khí Cacbonic, bụi... Vậy nên, hãy mở cửa ra vào và cửa sổ để thông gió, đồng thời để cho các hạt bụi và một số mùi trong không khí được đẩy ra ngoài, khi ở trong phòng không khí sẽ có "chất lượng" tốt hơn.
Điểm thứ ba là sau khi điều hòa chạy được 2-3 tiếng, chúng ta nên mở các cửa ra vào và cửa sổ khoảng 10 phút cho thông gió, để không khí trong phòng được lưu thông, các khí thải trong quá trình hô hấp của con người cũng được đẩy bớt ra ngoài.
Sau 3 giờ nếu không mở cửa sổ và cửa ra vào để thông gió thì không khí trong nhà sẽ trở nên ngột ngạt, nồng độ khí cacbonic tăng cao. Nếu ở trong phòng lâu sẽ gây ra hiện tượng khó thở, mệt mỏi do thiếu khí Oxy và hít phải nhiều khí cacbonic. Tình trạng không mở cửa sổ để thông gió kéo dài lâu ngày có thể khiến không khí trong nhà bị ô nhiễm, từ đó có thể gây ra một số vấn đề về đường hô hấp cho người sử dụng.
Thứ tư, nếu bật điều hòa vào ban đêm, chúng ta có thể mở hé cửa sổ ra một chút để thông gió trong phòng, vừa điều chỉnh chất lượng không khí trong nhà mà vẫn giữ cho hơi lạnh trong phòng không bị phát tán ra bên ngoài quá nhiều gây tốn điện. Việc này cũng giúp bạn hạn chế việc phải đứng dậy nhiều lần mở cửa sổ để thông gió (thường là vài giờ một lần).
Để sử dụng điều hòa tiết kiệm điện, bạn nên lưu ý các điểm sau:
1. Chọn mua điều hòa thích hợp
Để sử dụng điều hòa tiết kiệm điện, bạn đừng quên chọn loại máy có công suất phù hợp với diện tích phòng. Đối với phòng kín, không bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Hãy áp dụng công thức: 1m2 x 600 BTU để có được công suất phù hợp (BTU là đơn vị nhiệt của Anh).
Ví dụ, nếu bạn cần mua máy lạnh cho phòng có diện tích 20m2, bạn sẽ có công thức 20m2 x 600 BTU = 12.000 BTU. Đối với phòng có ánh nắng trực tiếp chiếu vào, bạn sẽ cần một chiếc máy có công suất mạnh hơn, tương đương với công thức: 1m2 x 800 BTU = 16.000 BTU. Ngoài ra, bạn nên chọn mua các dòng máy điều hòa có sử dụng công nghệ biến tần PAM inverter, có công nghệ tiết kiệm điện tiên tiến.
2. Lắp đặt
Sau khi chọn mua được dòng điều hòa phù hợp với diện tích phòng thì bạn cũng cần chú ý đến khâu lắp đặt dàn nóng và dàn lạnh sao cho hạn chế ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
- Lắp đặt dàn lạnh theo chiều dọc phòng, dàn lạnh phải treo đủ cao (trên 2.5m) để gió lạnh có thể lan tỏa đều trong phòng.
- Dàn nóng treo ở nơi thông thoáng, không trực diện với hướng chiếu mặt trời, vị trí phải dễ ra vào thao tác sửa chữa vệ sinh máy, ống gas máy điều hòa nối từ dàn lạnh ra dàn nóng phải được bọc cách nhiệt tốt chôn âm vào tường và được lắp sẵn trước khi tô, sơn tường hoàn thiện.
- Khoảng cách giữa dàn nóng và dàn lạnh càng gần càng tốt và chênh lệch độ cao không quá 5m để tránh giảm công suất lạnh của máy. Ống nước xã từ dàn lạnh nên dùng ống nhựa cứng chôn âm vào tường và phải có độ dốc thấp hơn dàn lạnh để thoát nước nhanh và tránh động sương trên ống làm ố tường.
- Dây điện nguồn đi âm nối từ công tắc bảo vệ đến chờ sẵn tại vị trí lắp đặt dàn lạnh để tiện việc cấp nguồn cho máy.
3. Quá trình sử dụng
Việc tiết kiệm điện năng cũng phụ thuộc phần lớn vào quá trình sử dụng điều hòa.
- Đầu tiên, cần sắp xếp đồ đạc để không cản trở tầm lưu thông gió, từ đó bạn sẽ giúp căn phòng nhanh mát hơn, tiêu tốn ít điện năng hơn.
- Các loại đèn sợi tóc hay ánh nắng mặt trời là những nguyên nhân phát nhiệt, khiến điều hòa phải hoạt động nhiều hơn. Vì vậy hãy tắt đèn khi không cần thiết.
- Thông thường, điều hòa có khung nhiệt độ từ 16- 30 độ C, vì vậy đối với buổi sáng bạn có thể chỉnh nhiệt độ khoảng 24- 26 độ C, ban đêm bạn có thể chỉnh chênh lệch 5 độ so với nhiệt độ ngoài trời sẽ tốt cho sức khỏe và tiết kiệm điện hơn.
- Nếu không sử dụng máy lạnh trong thời gian dài thì hãy ngắt cầu dao điện điện của máy. Vì nếu cứ để máy ở trạng thái chờ và khởi động lại bằng remote thì cũng sẽ tốn một mức năng lượng kha khá.
- Nếu trên remote điều chỉnh có nút ECONO thì hãy bấm vào nhé. Đó là nút chỉnh chế độ tiết kiệm điện thông minh có ở các dòng máy lạnh cao cấp.
4. Bảo trì và vệ sinh
- Vệ sinh máy định kì 3-4 tháng/ lần sẽ giúp máy giảm công suất hoạt động, giúp tiết kiệm lên đến 45% điện năng.
- Bạn nên kiểm tra dàn nóng xem cánh tản nhiệt có bị bụi bám nhiều không. Nếu có hãy gọi thợ đến bảo dưỡng và đo kiểm tra gas. Vì dàn nóng bị bám bụi và gas không đủ sẽ dẫn đến hiệu suất làm lạnh bị giảm, thời gian làm lạnh cho phòng lâu hơn, dẫn đến tiêu thụ điện nhiều hơn.
Theo An Nhiên - Vietnamnet