Bạn biết gì về tia cực tím?

08/06/2020 16:01

Chỉ số tia cực tím tại Hà Nội và TP HCM từ ngày 7 đến 9/6 có thể lên đến ngưỡng 10 - mức nguy hiểm với da và mắt của con người. Vậy bạn biết gì về tia cực tím hay còn gọi là tia UV?

Bạn biết gì về tia cực tím? - 1

Tia UV (từ tiếng Anh Ultraviolet) hay còn được gọi là tia cực tím hay tia tử ngoại, là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X. Phổ tia cực tím bao gồm thành tử ngoại gần (có bước sóng từ 380 đến 200 nm) và tử ngoại xạ hay tử ngoại chân không (có bước sóng từ 200 đến 10 nm).

Khi quan tâm đến tác hại của tia cực tím lên sức khỏe con người và môi trường, thì phổ của tia cực tím chia ra làm các phần: Nhóm UVA (tia cực tím bước sóng A) 95% tia nắng mặt trời là UVA. Tác hại của tia cực tím bước sóng A là khiến da của chúng ta nhăn nheo.

Nhóm UVB (tia cực tím bước sóng B) gây cháy nắng, làm giảm khả năng sản xuất collagen và elastin trên da.

Nhóm UVC: Tia UVC và một phần tia UVB không tới được trái đất vì bị lọc qua khí quyển. Tia sáng này có thể tiêu diệt acid nucleic trong các tế bào, phá hủy ADN tồn tại trong các cơ thể sống... UVC chính là thứ ánh sáng ma quái ám ảnh sự tồn tại và sự sống của loài người trên trái đất. Đây là loại tia gây hại nhất.

Tuy nhiên có hai loại tia cực tím cơ bản chiếu tới mặt đất là UVB và UVA.

Tia UVA được coi là kẻ “giết người thầm lặng” bởi vì không giống như tia UVB, bạn không hề cảm thấy những ảnh hưởng của nó, nhưng thực ra nó đang thâm nhập sâu vào da, tàn phá mọi tầng của da một cách âm thầm. Tác hại của tia UV được gây ra chủ yếu bởi tia UVA. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nếp nhăn và làm tăng phần lớn nguy cơ gây ung thư da.

Một điểm khác biệt nữa là tia cực tím UVA có khả năng xuyên qua kính gây nên những tác hại của tia cực tím cho da, trong khi tia UVB thì không. Trừ khi tấm kính cửa sổ hoặc trên xe ô tô được thiết kế đặc biệt để lọc tia UVA.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ số tia cực tím (UV) an toàn khi nằm trong ngưỡng 0-2 (mức gây hại thấp), tới mức 3 đã bắt đầu gây tổn thương cho da. Việc tiếp xúc với tia cực tím quá mức có thể gây đột biến gen có thể dẫn đến sự phát triển của ung thư da. Nếu mức UV 8-10, thời gian gây bỏng cho da là 25 phút. Đặc biệt, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10-16h.

Theo các chuyên gia, tiếp xúc lâu ngày với ánh nắng mặt trời cũng gây lão hóa da sớm. Theo thời gian, da có thể bị nhăn nheo, hình thành các vết nám, tàn nhang và đốm nâu. Lão hóa da sớm sẽ biểu hiện sau một thời gian phơi nhiễm âm thầm với tia UVA.

Nhìn hoặc tiếp xúc lâu dài với tia UV cường độ cao có thể hại cho các mô của mắt và gây ra một “đốt” trên bề mặt mắt, được gọi là “tuyết mù” (photokeratitis). Các hiệu ứng thường biến mất trong vài ngày nhưng cũng có thể dẫn đến biến chứng về sau.

Chính vì thế, việc sử dụng kem chống nắng là một điều vô cùng quan trọng để bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím này. Không nên hoặc hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất. Trong trường hợp bắt buộc phải đi ra ngoài, hay làm việc ngoài trời trong thời gian này hãy nhớ bôi kem chống nắng, mặc áo dài tay, mũ rộng vành, kính râm để ngăn ngừa tác hại của tia UV.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bạn biết gì về tia cực tím?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO