Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Đoàn kiểm tra 544 chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Đoàn kiểm tra 544 nêu rõ: Thực hiện Chương trình kiểm tra số 46 ngày 22/2/2022 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác kiểm tra năm 2022, Ban Bí thư đã có Quyết định số 544 ngày 13/6/2022 về kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và việc chấp hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và một số quy định như Quy định 37-QĐ/TW năm2021về những điều đảng viên không được làm, Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", cùng một số kế hoạch, chương trình tổ chức triển khai thực hiện.
Theo Quyết định số 544, Ban Bí thư giao cho Đoàn kiểm tra 3 tổ chức Đảng, gồm Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh, Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước và Đảng đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Kiểm tra, giám sát là để ghi nhận những thành tích, kết quả đạt được; khắc phục những tồn tại, hạn chế
Đồng chí Lê Minh Khái cho biết, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã được các tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc, gắn liền với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Thời gian qua, nhiều đoàn kiểm tra đã làm việc ở các tổ chức đảng trong phạm vi cả nước và Ban Chấp hành Trung ương đã có đánh giá tổng kết, ban hành Kết luận số 21. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng còn những tồn tại, hạn chế.
Các cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu đã tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW, nhưng đâu đó, việc nêu gương còn những vấn đề cần phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện đạt hiệu quả cao hơn.
"Trong 5 phương thức lãnh đạo, nêu gương cũng là một phương thức tạo sự đồng thuận thống nhất và lôi cuốn theo nguyên tắc quyền lực mềm. Việc nêu gương rất quan trọng", đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Để thực hiện các nghị quyết, chủ trương, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn trong việc kiểm tra, giám sát để đáp ứng yêu cầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm, coi trọng, xem đây là một công cụ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Hằng năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai một cách bài bản, đã thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong các lĩnh vực như xây dựng Đảng, thực hành pháp luật, lĩnh vực kinh tế và nhiều lĩnh vực khác trong hệ thống chính trị một cách toàn diện (thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp…).
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát để ghi nhận những thành tích, kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra tồn tại, hạn chế, tìm nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó kiến nghị giải pháp để thực hiện trong thời gian sắp tới.
Chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần rất quan trọng trong việc thực hiện công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kiểm tra là công việc thường xuyên của Đảng
Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh đây là công việc thường xuyên, từ đầu năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã triển khai nhiều đoàn tổ chức kiểm tra ở 30 tổ chức đảng trên phạm vi toàn quốc, Phó Thủ tướng cho biết, Đoàn kiểm tra 544 triển khai kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Quy định số 08-QĐi/TW. Đoàn đã xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, dự kiến các đơn vị kiểm tra.
Đồng chí Lê Minh Khái đề nghị, Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước có báo cáo tự kiểm tra, các tổ chức Đảng thuộc và trực thuộc phối hợp với Đoàn kiểm tra giải quyết những vướng mắc, đáp ứng được yêu cầu trong quá trình kiểm tra, xác minh đối chiếu với báo cáo để có những thông tin trung thực, chính xác nhất.
Về phía Đoàn kiểm tra, đồng chí Lê Minh Khái yêu cầu các thành viên cần tăng cường trách nhiệm, thực hiện nghiêm quyết định, phối hợp chặt chẽ cùng Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ.
Trong quá trình kiểm tra, các thành viên cần tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước, Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tại Hội nghị, đồng chí Mai Thị Thu Vân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Phó Trưởng Đoàn kiểm tra đã công bố quyết định thành lập đoàn kiểm tra của Ban Bí thư và kế hoạch của Đoàn kiểm tra 544.
Đồng chí Phó Trưởng đoàn cũng nêu một số yêu cầu về chuẩn bị tài liệu, quy trình kiểm tra, các nội dung kiểm tra, các mốc thời gian đặt ra đối với từng đơn vị, phần việc. Mốc thời gian kiểm tra từ 1/1/2019 đến nay.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định tuy là công việc kiểm tra thường xuyên nhưng rất quan trọng.
Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc kiểm tra, giám sát, là cơ hội để Ban cán sự thực hiện rà soát, đánh giá lại kết quả đạt được để tiếp tục phát huy, đồng thời thấy được những tồn tại, hạn chế để khắc phục trong công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới, thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng đối với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Quy định số 08-QĐi/TW và Kết luận số 21-KL/TW.
Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Đoàn kiểm tra, tổng hợp báo cáo theo đúng yêu cầu./.
Trần Mạnh