Gần 30 năm trước, người dân thôn Tiên La, xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang phát hiện hàng trăm khúc gỗ lim nằm sâu dưới lòng đất ở giáp đê sông Thương. Đến nay bãi cọc gỗ này vẫn là một bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu.
Ngày 19/3, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Quang Thôn, một trong những người đầu tiên phát hiện ra bãi cọc gỗ (hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Giang) cho biết: "Năm 1993, thôn Tiên La làm trạm bơm cục bộ đã lấy đất dưới lòng hồ để lấp bể bơm. Khi đào đất thấy hiện vật là gỗ lim ở sâu dưới lòng hồ. Tháng 11/1994, 10 lao động đã "khai thác vụng ban đêm", trong thời gian ngắn đã đào được 110 khúc gỗ lim và họ đã chia nhau sử dụng hết…", ông Thôn kể lại.
Ông Nguyễn Quang Thôn cho biết thêm, chính quyền và nhân dân địa phương mong muốn cấp trên, ngành chức năng tiếp tục quan tâm tổ chức các chương trình nghiên cứu, khai quật khảo cổ học để có đánh giá cụ thể, chính xác hơn về những hiện vật gỗ lim tìm thấy ven sông Thương, từ đó làm căn cứ khoa học để bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Cùng ngày 19/3, chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Đào Văn Hà ở thôn Tiên La cho biết, năm 2017, gia đình cải tạo ao và phát hiện được 30 khúc gỗ. Quá trình cải tạo ao vẫn phát hiện thêm nhiều khúc gỗ nữa nhưng gia đình dừng lại vì các khúc gỗ nằm bên trong phần đất thổ cư của gia đình.
Điều đặc biệt là khi mới được đưa lên, tình trạng gỗ khá mềm, mủn, nhưng để một thời gian sau chúng rắn chắc lại. Những tấm gỗ sau khi được chế tác thành bàn ghế, sập, tủ, lan can cầu thang… để càng lâu gỗ càng đen bóng, cho đến nay các vật dụng này vẫn còn rất chắc chắn.
"Nhiều khả năng dưới lòng đất thuộc khu vực này vẫn còn khối lượng lớn các tấm gỗ lim nữa", ông Hà nhận định.
Dưới đây là một số hình ảnh về các cọc gỗ được khai thác lên từ dưới lòng đất 28 năm trước và các sản phẩm chế tác từ số gỗ đó vẫn bền đẹp cho tới ngày nay (Ảnh do Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và người dân cung cấp cho Dân trí):