Bài 5: Những ngày cuối đời của công tử hào hoa nhất xứ Nam kỳ

Trần Chánh Nghĩa| 29/12/2022 07:30

Sau nhiều năm ăn chơi, năm 1973 sức khỏe của công tử Bạc Liêu ngày càng yếu đi. Những ngày cuối đời ông sống trong sự cô đơn buồn thảm. 4 - 5 dòng con, hàng tá bà vợ, hàng trăm nhân tình nhưng ông ra đi trong trống vắng đến rợn người...

Đám tang công tử Bạc Liêu

Chinh phục cô ca sĩ trẻ thất bại đã tạo cho công tử Bạc Liêu cú "sốc" nặng về tinh thần. Trước đây khi thích một cô gái nào công tử tìm mọi cách thu phục cho bằng được. Vũ khí chính của công tử là tiền vậy mà giờ đây, tiền không làm cô ca sĩ lóa mắt khiến cho công tử rơi vào trạng thái trầm uất. Bệnh thận lâu nay trong người có cơ hội vùng lên tái phát dữ dội.

Dãy nhà công tử Bạc Liêu

Cùng lúc đó, đứa con gái đầu Trần Thị Lưỡng đưa quan tài mẹ là bà Ngô Thị Đen từ Pháp về Bạc Liêu chôn cất. Ông phải trở về làm chủ tang. Sau khi chôn cất vợ xong ông nhanh chóng lên Sài Gòn tiếp tục nhập viện...

Từ lúc ấy cho đến khi qua đời hơn 1 năm trời công tử Bạc Liêu sống trong bệnh viện. Bà vợ trẻ phải chăm lo những đứa con Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ còn quá nhỏ ít có thời gian chăm sóc ông. Trong khi đó, những con cháu ông tiếp tục truyền thống của ông đắm chìm trong ăn chơi sa đọa. Gia sản ông ngày càng cạn kiệt.

Ngày 13/1/1974 công tử Bạc Liêu trút hơi thở cuối cùng chấm dứt chuỗi ngày rong chơi của một công tử hào hoa nhất vùng nam kỳ lục tỉnh.

Nhà mồ dòng họ Trần Trinh. Nơi đây có mộ hội đồng Trạch và cậu Ba Huy (ảnh internet).

Thi thể cậu ba Huy được tẩn liệm trong chiếc áo quan màu trắng. Theo ước nguyện của công tử để lại trước lúc mất, ông muốn được dạo quanh Sài Gòn trên chiếc xe song mã màu trắng với 2 con ngựa trắng. Cuộc dạo chơi cuối cùng của công tử Bạc Liêu trên đất Sài Gòn đã gây một tiếng vang lớn trong dư luận.

Sau đó từ xe song mã, quan tài công tử được chuyển lên xe trực chỉ Bạc Liêu. Sau khi vượt hơn 200km qua 2 bắc Mỹ Thuận và Cần Thơ, chiếc xe tang dừng lại trước căn nhà mà bây giờ là nhà trưng bày công tử Bạc Liêu.

Linh cữu công tử được đưa vào vị trí trang trọng trong nhà. Nhiều quan khách, người thân, bạn bè đến viếng chỉ trong vài giờ rồi tiếp tục đến Cái Dầy để vĩnh viễn yên nghỉ trong nghĩa trang gia tộc.

Công tử Bạc Liêu mất đi, không lâu sau đó căn nhà thuộc nhà nước quản lý. Gia sản của dòng họ Trần Trinh chỉ còn lại một ít ruộng ở Cái Dầy, vài ngôi nhà ở Bạc Liêu và khoảng chục căn phố lầu ở Sài Gòn. Tất cả đã nhanh chóng tiêu tan trong tay con cháu Trần Trinh.

Thừa hưởng một gia tài quá lớn nhưng không làm mà chỉ có phá thì đến núi cũng lở. Bài học của Hắc - Bạch công tử vẫn còn mãi để lưu truyền đến các thế hệ đời sau xem đây là một kinh nghiệm sống quí báu nhất.

Nát tan một dòng tộc lớn

Chúng tôi đến Bạc Liêu vào thăm khách sạn và khu trưng bày Công tử Bạc Liêu - nơi trước đây là nhà ở của dòng họ Trần Trinh. Tất cả còn nguyên vẹn. Tòa nhà vẫn sừng sững dưới nắng mưa. Những cổ vật, kỷ vật của gia đình còn đầy ắp. Người ra vào tấp nập nhưng tất cả đều là người xa lạ. Một dòng họ vang danh một thuở giờ đây chỉ còn lại những dấu vết vô hồn...

Bên trong nhà trưng bày công tử Bạc Liêu

Chúng tôi rảo bước trong căn nhà. Những phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn rất cũ kỹ nhưng sang trọng. Ở tầng trệt, có phòng ngủ của cậu ba Huy. Bước lên tầng trên là nơi ông bà hội đồng nghỉ ngơi sau một ngày làm việc.

Ở một nơi trang trọng nhất của căn nhà, bàn thờ ông bà hội đồng Trạch uy nghi với đôi tượng đồng. Qua phòng gần đó, di ảnh công tử Bạc Liêu và phu nhân Ngô Thị Đen. Chiếc gậy và mũ, vật trang điểm cho tính chất phong lưu của công tử được treo gần đó.

Bàn thờ với 2 bức tượng đồng ông bà hội đồng Trạch

Ở một góc của tầng trệt trên chiếc bàn nhỏ có ghi tên ông Trần Trinh Đức, con trai công tử Bạc Liêu. Ghế ngồi bỏ trống. Hỏi thăm những người làm việc tại đây được biết hôm nay trong người không khỏe nên ông không đến. Thường ngày ông có mặt đế bán sách, để giao lưu với khách tham quan kiếm tiền độ nhật.

Ngay sát cửa ra vào, chiếc xe của công tử được đặt trên bục cao. Tôi bước ra ngoài. Khuôn viên nhà quá rộng được trưng dụng cho nhiều công việc. Chúng tôi làm một vòng quanh sân. Bước chân trĩu nặng. Quanh đây dường như còn văng vẳng tiếng cười nói râm ran của những gia nhân ông hội đồng. Có tiếng hát của chiếc máy hát xưa từ phòng công tử vẳng ra. Có tiếng của trẻ con, của phụ nữ. Hoạt cảnh một gia đình phong lưu quyền qúi thuở xưa như tái hiện trước mắt tôi. Buồn hiu hắt ...

Thuở ấy, không ai dám nghĩ sẽ có một ngày gia tộc Trần Trinh lâm vào hoàn cảnh bi đát. Diện tích ruộng của ông hội đồng được so sánh rộng hơn Singapore. Tài sản, tiền của ông hội đồng chất cao như núi. Thế mà sau vai chục năm kế nghiệp, đứa con thân yêu của ông đã làm tan hoang cả cơ nghiệp.

Dòng họ Trần Trinh là một dòng họ lớn ở Bạc Liêu. Vậy mà hiện nay chỉ còn duy nhất ông Trần Trinh Đức lui về cố xứ. 8 người con chính thức và vô số những đứa con rơi vẫn được thừa nhận đang tứ tán khắp nơi.

Ông Đức kể cho chúng tôi: "Anh Hiếu sống bên Áo nhưng không tin tức gì. Chị Thảo mất bên Anh. Anh Nhơn ở Sài Gòn nhưng đang bệnh rất nặng. Hoàn và Toàn vẫn ở Sài Gòn nhưng không liên lạc được. Trinh và Nữ bặt vô âm tín".

Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy và phu nhân Ngô Thị Đen

Cuộc sống của những người con của công tử Bạc Liêu thật vất vả. Theo lời ông Đức, sau khi bán căn nhà cuối cùng ở đường Nguyễn Huy Tưởng chia cho anh em mỗi người một ít thì mạnh ai nấy sống trôi dạt khắp nơi. Niềm hi vọng gặp lại chỉ còn chờ đến ngày thanh minh anh em tụ tập về viếng mộ cha mẹ ông bà nhưng rồi mấy năm nay chẳng còn ai đoái hoài tới.

Riêng với ông Đức, hai người con với người vợ trước mang họ mẹ một ở Đồng Tháp, một ở Đồng Nai cả chục năm rồi không liên lạc gì với ông. Đứa con trai với bà vợ hiện nay đang ở Sài Gòn cũng không về lại Bạc Liêu một lần nào. Gia tộc Trần Trinh bây giờ chỉ còn ông Đức kế thừa chăm sóc mồ mả ông bà và mai sau sẽ là người con gái Trần Thị Phượng nửa tỉnh nửa mê ...

(còn tiếp)

Xem thêm: Bài 1: Vua Bảo Đại có gì, Hắc công tử có nấy

Xem thêm: Bài 2: Công tử Bạc Liêu chơi ngông đốt tiền để nấu chín trứng

Xem thêm: Bài 3: Những cuộc tình xa hoa của Hắc công tử

Xem thêm: Bài 4: Ly rượu giá nửa kg vàng của Hắc công tử mời nữ ca sỹ

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 23/05/2016
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/nhung-ngay-cuoi-doi-cua-hac-cong-tu-304672.html

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bài 5: Những ngày cuối đời của công tử hào hoa nhất xứ Nam kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO