Bài 4: Nhận diện đúng giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”

Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, thành viên Ban | 21/04/2022 11:15

Thờ Mẫu Tam phủ là một tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa, do cộng đồng người Việt sáng tạo, có quá trình hình thành phát triển lâu đời, bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, và cầu mong sự phồn thực, các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp trồng lúa nước như: sấm, sét, đất, nước... đều được người Việt xưa đồng nhất với yếu tố âm và được nhân hóa thành nữ tính (mẹ) với quyền năng sáng tạo, sinh sôi nảy nở, bảo trợ đ

Tín ngưỡng thiêng của người Việt

Từ một tín ngưỡng sơ khai, đến thế kỷ XV-XVI với sự ảnh hưởng của Đạo giáo và xuất hiện huyền thoại về Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Bà là tiên nữ giáng trần, làm người rồi quy y Phật giáo, được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, và là một trong bốn vị Thánh bất tử của người Việt).

Bài 4: Nhận diện đúng giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”
Con nhang, đệ tử và... (ảnh: Nhất Nam)

Sự tích hợp văn hóa và mô thức thần điện mang tính cung đình, đã quy nạp toàn bộ hệ thống thờ Nữ/Mẫu thần của người Việt thành một thể thống nhất để hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ/Tứ phủ. Trong đó, ở nhiều điện thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh là thần chủ. Trong thời kỳ khởi nguyên, Tam phủ vốn là để chỉ ba miền: Thiên phủ, Địa phủ và Thoải phủ. Theo đó quan niệm về vũ trụ âm dương được chia thành 3 miền gồm: miền Trời gọi là Thượng thiên tương ứng với màu đỏ; miền Đất gọi là Địa phủ tương ứng với màu vàng; miền Nước gọi là Thoải phủ tương ứng với màu trắng, (trong thờ Mẫu Tứ phủ, ngoài ba miền trên có thêm miền Rừng núi gọi là Nhạc phủ tương ứng với màu xanh), mỗi miền đều do một Thánh Mẫu đứng chủ. Trong điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ còn có các nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại là những người có công với dân với nước được cộng đồng tôn vinh.

Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã có sức lan tỏa mạnh mẽ khắp các địa phương trong và ngoài nước với nhiều địa điểm thờ tự có quy mô lớn như: Phủ Tây Hồ (TP. Hà Nội), đền Sòng (tỉnh Thanh Hóa), đền Bắc Lệ (tỉnh Lạng Sơn)… Trong đó, riêng Nam Định đã có hơn 400 địa điểm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Bài 4: Nhận diện đúng giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”
... cung văn chuẩn bị lễ hầu đồng tại chùa Bàn Long, Ninh Bình. (ảnh: Nhất Nam)

Các thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bao gồm các nghi thức cúng lễ, nghi lễ chầu văn hầu đồng và lễ hội v.v. Trong đó, nghi lễ chầu văn hầu đồng và lễ hội là những thực hành cơ bản nhất, thu hút đông đảo cộng đồng tham dự. Đặc biệt, nghi lễ chầu văn hầu đồng là điểm nhấn với yếu tố âm nhạc (các cung văn thực hành), múa, đạo cụ và trang phục, trang sức (thanh đồng thực hành). Tiêu biểu về lễ hội phải kể đến Nam Định với lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), lễ hội Phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên) diễn ra từ ngày mồng 3 đến ngày 10 tháng 3 Âm lịch (ngày giỗ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh), với những nghi lễ, diễn xướng dân gian như: xếp chữ; lễ rước thỉnh kinh và nhiều hoạt động văn hóa dân gian khác. Tại phủ Tiên Hương (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) những năm gần đây còn có lễ Rước đuốc, đại lễ Kiều thỉnh năm quan, Kiều thỉnh Thánh Bà được tổ chức rất quy mô, trang trọng với sự tham gia của các vị Đại đức, tăng ni cùng đông đảo các tín đồ thờ Mẫu ở nhiều địa phương. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong hầu đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt, mong ước đất nước thái bình…

Ca ngợi người mẹ

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang đậm bản sắc và giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, nó phản ánh thái độ ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người Mẹ, lấy hình tượng Mẹ (Mẫu) để tôn vinh, gửi gắm những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung, che chở trong cuộc sống.

Các thực hành trong tín ngưỡng đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội. Tình yêu mẹ trở thành nguồn cội gắn liền với tình yêu quê hương đất nước, thiên nhiên, góp phần cố kết nhân tâm, ổn định và phát triển xã hội. Qua các thực hành nghi lễ của tín ngưỡng giúp ta nhận thức về Mẫu (Mẹ), đó là biểu tượng về người phụ nữ Việt Nam điển hình với các phẩm chất tốt đẹp, được linh thiêng hóa thành Tiên, Phật, Thánh. “Là Tiên, là Phật, là Ta/Sinh sinh, hóa hóa, cũng là Bà đây” (câu đối tại lăng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thuộc Quần thể di tích phủ Dầy).

Bài 4: Nhận diện đúng giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”
Trước khi diễn xướng hầu đồng là lễ cúng do Pháp sư đảm nhiệm. (ảnh: Nhất Nam)

Tín ngưỡng này chứa đựng giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc. Các vị thần trong điện thờ Mẫu là những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại được lịch sử hóa thành những người có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí, Phùng Khắc Khoan, Lê Chân... Tri ân những người có công với dân với nước là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện ý thức về nguồn cội dân tộc. Điều này có ý nghĩa trong việc giáo dục nhân cách, cổ vũ, ca ngợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Tín ngưỡng còn thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, với tính cởi mở của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp. Tín ngưỡng còn thể hiện khả năng tiếp thu, tích hợp và bản địa hóa nhiều yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo khác như thờ cúng Tổ tiên, Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo và văn hóa các dân tộc thiểu số, như: Mường, Dao, Tày, Nùng... thể hiện sự giao lưu, dung hòa, khoan dung văn hóa, mối quan hệ bình đẳng gắn bó mật thiết giữa các tộc người ở Việt Nam, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nó trở thành biểu tượng đa dạng văn hóa trong sự thống nhất, góp phần vào sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của nhân loại.

Bài 4: Nhận diện đúng giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”
Thanh đồng Trịnh Thị Thuận, giá hầu Quan lớn Đệ Tam tại chùa Bàn Long, Ninh Bình. (ảnh: Nhất Nam)

Giá trị của tín ngưỡng còn thể hiện ở những sáng tạo văn hóa dân gian. Các thực hành của Tín ngưỡng là điều kiện để tích hợp và bảo tồn nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống như: âm nhạc, trang phục, nghề thủ công truyền thống, trình diễn, ẩm thực... đó cũng là phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Đặc biệt Tín ngưỡng còn sản sinh ra một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo là Chầu văn, đó là một loại hình dân ca tiêu biểu của người Việt, đóng góp vào kho tàng âm nhạc của dân tộc và nhân loại.

Cần hiểu đúng di sản được UNESCO vinh danh

Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đều đáp ứng các tiêu chí của UNESCO và đã được biết đến ở tầm quốc tế. Tuy nhiên cũng cần nhận thức rõ, UNESCO vinh danh di sản này không ở góc độ tôn giáo, tín ngưỡng mà ở những thực hành liên quan đến di sản. Đó là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng, có giá trị nhân văn, tiến bộ thể hiện bản sắc của cộng đồng.

Vì vậy, cần hiểu đúng tên di sản được UNESCO vinh danh là “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, không phải toàn bộ tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời cũng hiểu cho đúng không phải UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà là ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bài 4: Nhận diện đúng giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”
Thanh đồng Lê Thị Đài, giá hầu Quan lớn Tuần Tranh tại đền Cô Bơ, Hà Trung, Thanh Hóa. (ảnh: Nhất Nam)

Sau khi di sản được UNESCO vinh danh, nhiều cơ quan đơn vị đã phối hợp với các tổ chức cộng đồng, chủ thể của di sản tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học và “diễn xướng hầu đồng”. Không thể phủ nhận các hoạt động đó đã huy động nguồn lực xã hội hóa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Tuy nhiên cũng có cơ quan, đơn vị không có chức năng quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa cũng tổ chức các hoạt động trên theo kiểu “trăm hoa đua nở” nên không hiểu đầy đủ về di sản và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về di sản không cao. Có đơn vị còn đứng ra tổ chức “liên hoan hầu đồng” hoặc phát các bằng chứng nhận, bằng vinh danh cho tổ chức cá nhân không đúng thẩm quyền và quy định của Luật thi đua khen thưởng.

Đáng trách là có những hoạt động tổ chức cho các ông/bà đồng thực hành nghi lễ chầu văn diễn ra trên sân khấu của các thiết chế văn hóa công cộng làm mất tính “thiêng” của di sản, làm trần tục hóa tín ngưỡng. Nghi lễ chầu văn hầu đồng chỉ có thể do các ông/bà đồng (những người được coi là có căn quả) thực hành trong không gian nơi thờ Mẫu Tam phủ/Tứ phủ mà thôi.

Hiện nay một bộ phận công chúng hiểu chưa đúng, đánh đồng hoặc coi di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh chỉ là hầu đồng. Hiểu như vậy là phiến diện, hầu đồng hay lên đồng chỉ là một thành tố của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Bên cạnh đó còn có các thực hành khác như nghi lễ thờ cúng, hoạt động lễ hội với các nghi lễ rước Thỉnh kinh, Xếp chữ, các hoạt động văn hóa truyền thống trong lễ hội, sự tham gia sinh hoạt cộng đồng tìm hiểu và thực hành, sáng tạo các giá trị văn hóa liên quan đến di sản, đó là sự tích hợp rất nhiều biểu hiện và giá trị văn hóa.

Gần đây khi minh họa di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nhiều tác giả thường chỉ lấy hình ảnh hầu đồng mà quên đi các thực hành khác. Một số người còn lầm tưởng vinh danh Di sản này là vinh danh các ông/bà đồng. Hiểu như vậy là sai lệch, chưa toàn diện đầy đủ về Di sản. Trong thực hành nghi lễ chầu văn hầu đồng, vai trò của các ông/bà đồng rất quan trọng. Tuy nhiên để thực hành một vấn hầu, một giá đồng đòi hỏi có sự kết hợp của nhiều người thực hành như: pháp sư, hầu dâng, cung văn, người tham dự nghi lễ đó là chủ thể của di sản và các yếu tố trang trí trong không gian thiêng, đồ lễ, trang phục, đạo cụ...

Bài 4: Nhận diện đúng giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”
Thanh đồng Trần Thị Duyên - Thủ nhang phủ chính Tiên Hương, giá hầu Quan lớn Đệ Nhất. (ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng)

Hầu đồng hay lên đồng là một thành tố quan trọng, một thực hành cơ bản và nhạy cảm trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Nhưng nếu đánh đồng hoặc coi di sản này chỉ có hầu đồng là thiếu chính xác, phiến diện chưa thấy hết được giá trị của di sản. Vì thế, để bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trong xã hội đương đại, trước hết là cần nhận diện đúng, đầy đủ bản chất và giá trị cốt lõi của di sản. Đó còn là cơ sở để chúng ta ngăn chặn sự lạm dụng, biến tướng làm sai lệch thực chất của di sản, để “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” luôn xứng đáng là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại.

Tại Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Addis Ababa (Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia) ngày 01/12/2016 đã chính thức ra Nghị quyết (Quyết định 11.com10.b.37) vinh danh thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tài liệu tham khảo:

- Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Nghi lễ Chầu Văn của người Việt” và “Lễ hội phủ Dầy”, Bảo tàng tỉnh Nam Định.

- Hồ sơ Di sản đề cử Quốc giaTín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” , Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định.

- Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Hành trình đến di sản nhân loại, NXB Thế giới, 2017.

Theo thoidai.com.vn
https://thoidai.com.vn/bai-4-nhan-dien-dung-gia-tri-di-san-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-166824.html
Copy Link
https://thoidai.com.vn/bai-4-nhan-dien-dung-gia-tri-di-san-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-166824.html
Bài liên quan
  • Bài 2: “Thỉnh Thánh”, “Nịnh đồng” và “Dẫn hồn”
    Nhạc và lời trong các giá đồng có hai nhiệm vụ chính là “thỉnh Thánh” là mời linh hồn vị Thánh về nhập vào thân xác thanh đồng và “nịnh đồng” là làm cho thanh đồng thêm hưng phấn, say sưa rồi thăng hoa với tiếng nhạc, lời văn. Tuy nhiên, trên thực tế, lời ca tiếng nhạc này còn có một sức hút, sự tác động mãnh liệt, vô hình dẫn dắt tâm tưởng, lời nói, hành động của người nghe một cách huyền bí.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Nhận diện đúng giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO