QĐND Online - Với vai trò là lực lượng nòng cốt, lực lượng quân sự cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai nhiều năm qua đã tham gia tích cực vào việc ngăn chặn hoạt động của “Tin lành Đề-ga”, FULRO và tà đạo Hà Mòn. Giúp cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, nhạy cảm về an ninh chính trị sớm trở lại ổn định. Chia sẻ kinh nghiệm của Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, Đại tá Phạm Mạnh Hùng, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Gia Lai cho biết: "Các chi bộ quân sự ở Gia Lai đang thể hiện tốt vai trò tiền phong, xung kích trên tuyến đầu".
Ở mỗi Ban CHQS xã đều thành lập chi bộ quân sự, hoạt động hiệu quả suốt những năm qua đã giúp tăng cường vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của cấp ủy Đảng đối với lực lượng vũ trang ở cơ sở, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở lãnh đạo điều hành thực hiện tốt nhiều công việc ở địa phương. Các chi bộ quân sự là lực lượng nòng cốt đi đầu trong công tác nắm tình hình, công tác dân vận ngay tại địa bàn, kịp thời đấu tranh với các thế lực phản động cũng như tham mưu các đối sách cho địa phương.
Lấy ví dụ về quá trình các lực lượng tiến hành công tác tuyên truyền đặc biệt và đấu tranh bóc gỡ tà đạo Hà Mòn trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Đại tá Phạm Mạnh Hùng cho biết: "Tà đạo Hà Mòn xuất hiện cuối năm 1999, tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, rồi nhanh chóng xâm nhập vào Gia Lai thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt phát triển ở Đăk Đoa, Chư Păh, Mang Yang. Năm 2008, các nhóm theo tà đạo Hà Mòn đã phát triển và hoạt động cực kỳ phức tạp tại Gia Lai. Điều đặc biệt nguy hiểm là các đối tượng theo tà đạo này luôn kích động chia rẽ giữa người Kinh với đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài ra chúng còn móc nối với các đối tượng FULRO trong và ngoài nước để tuyên truyền chống phá chính quyền. Đỉnh điểm, tà đạo này nhận lệnh của các đối tượng FULRO ở Mỹ mưu đồ thành lập cái gọi là "nhà nước riêng" của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tính tới tháng 3-2010, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 1.122 đối tượng theo tà đạo Hà Mòn. Số đối tượng này dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, đe dọa, dọa nạt... gây ra tâm lý hoang mang, dao động cho không ít người dân, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Nhiều người dân, một số thanh niên nghe theo tà đạo đã bỏ bê công việc không chịu làm ăn... ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; tới sản xuất; tinh thần, tư tưởng của nhân dân; phá hoại sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, gieo rắc mê tín dị đoan...
Thấy rõ tính chất phản động nguy hiểm của tà đạo này, để ổn định tình hình an ninh trật tự và giải tỏa quần chúng nhân dân trên địa bàn khỏi sự o ép, khống chế của số cầm đầu FULRO lợi dụng tà đạo Hà Mòn, mở đường cho các biện pháp chính trị, vận động quần chúng, củng cố lực lượng chính trị cơ sở, nhiều biện pháp quyết liệt như tuyên truyền, vận động, xử lý các đối tượng... đã được đưa ra, với vai trò nòng cốt là lực lượng quân đội và công an tỉnh Gia Lai".
Lực lượng quân đội và công an tỉnh Gia Lai với vai trò nòng cốt, giúp nhân dân phát triển đời sống, kinh tế, xã hội. |
Đại tá Phạm Mạnh Hùng cho biết thêm, vào thời điểm tà đạo Hà Mòn phát triển mạnh, Bộ CHQS tỉnh cử nhiều đội công tác, tổ chức thành nhiều đợt, hành quân xuống các xã trọng điểm, cán bộ sĩ quan trực tiếp tới ăn ở với dân để vận động. Khi đó, Bộ CHQS tỉnh đã lựa chọn các đồng chí là người Jrai hoặc người Ba Na, giỏi tiếng dân tộc Jrai để tuyên truyền, vận động. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, công tác tuyên truyền được tiến hành thường xuyên liên tục, tà đạo Hà Mòn đã giảm dần, tới thời điểm hiện tại tà đạo Hà Mòn đã không còn trên đất Gia Lai.
Chia sẻ kinh nghiệm dân vận, tuyên truyền, Đại tá Phạm Mạnh Hùng cho biết, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị phải gương mẫu; phải làm giúp nhân dân bằng cả tấm lòng chân thật thì dân mới tin. Ngoài thành lập tổ công tác mình còn tổ chức cho bộ đội giúp dân chỉnh trang nhà cửa, đường sá kết hợp với tuyên truyền, cảm hóa họ. Đặc biệt Tết cổ truyền thì đưa bộ đội ăn Tết ngay trong làng. Bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai không ăn Tết như người Kinh, mà có Lễ mừng lúa mới vào tháng 4 dương lịch, người dân cũng không thờ cúng gia tiên như người Kinh, vì vậy khi bộ đội tổ chức đón Tết cổ truyền, bà con rất vui, có cơ hội gần gũi, chia sẻ thiện cảm với anh em trong tổ, đội công tác.
Ngoài ra, trong quá trình công tác, các đội dân vận còn luôn bám sát, gần gũi với các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong dòng họ, làm cho họ hiểu được cái đúng, cái sai, từ đó họ có tiếng nói với người dân. Với đặc thù ở Gia Lai một số dân tộc thiểu số vẫn theo chế độ mẫu hệ, việc cảm hóa phụ nữ là rất quan trọng. Khi cảm hoá được người phụ nữ rồi thì sẽ cảm hóa được cả gia đình không nghe theo, đi theo tà đạo, “TLĐG” hay FULRO.
Với riêng những đối tượng từng lầm lỡ đã được cảm hóa, khi họ quay lại cuộc sống đời thường, họ thường bị xấu hổ, nhiều người bỏ làng đi vì sợ dân làng kỳ thị, tự ti, vì vậy khi triển khai công việc tại địa bàn, Bộ CHQS tỉnh còn phối hợp với các lực lượng khác để thành lập các tổ công tác liên ngành (lực lượng quân đội, công an, bộ ban ngành, chính quyền địa phương) tới những gia đình này động viên, thăm hỏi, tặng quà. Sau đó, tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt nguyện vọng, khả năng, rồi làm việc với ngân hàng chính sách để bảo lãnh giúp họ vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Với những hộ gia đình đặc biệt khó khăn thì kêu gọi các tổ chức hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, bò, dê, heo, gà,... để giúp các đối tượng này sớm ổn định cuộc sống.
Để nắm bắt thật chính xác tư tưởng các đối tượng từng lầm đường lạc lối và nhóm những đối tượng có biểu hiện phức tạp, đảng viên thuộc các chi bộ quân sự ở địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong những năm qua, cấp ủy, chi bộ quân sự đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương nói chung và xây dựng lực lượng dân quân nói riêng ở cơ sở, góp phần vào việc giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Hoạt động của chi bộ quân sự xã, thị trấn đã giúp cho cơ chế Đảng lãnh đạo nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được vận hành thông suốt và có hiệu quả hơn. Đồng thời, phối hợp với các ngành, mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại tá Phạm Mạnh Hùng cho biết, chi bộ này hoạt động cực kỳ hiệu quả và là lực lượng nòng cốt đi đầu trong công tác dân vận, bám sát mọi biến động tại địa bàn.
Là người trực tiếp bám nắm địa bàn khu vực các xã, huyện ở khu vực biên giới nhiều năm, Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết, tại các xã biên giới, việc triển khai mô hình chi bộ quân sự đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện mỗi chi bộ quân sự ở các xã biên giới thuộc tỉnh Gia Lai có từ 10 đến 15 đảng viên. Cán bộ thuộc lực lượng biên phòng cũng tham gia chi bộ quân sự, đồng thời tham gia vào cơ cấu đảng ủy của các xã khu vực biên giới. Hằng năm lực lượng biên phòng ở khu vực các huyện, xã biên giới đều có kế hoạch phối hợp để phát triển đảng viên ở các vùng biên giới. Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên mở các lớp phát triển đảng viên, cảm tình đảng với đối tượng là chiến sĩ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc hoàn chỉnh hồ sơ sau khi xuất ngũ thì chuyển về địa phương phát triển nguồn ở địa phương, đặc biệt là đối tượng đảng viên là người dân tộc thiểu số, sống ở các khu vực biên giới.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, lực lượng đảng viên này chính là lực lượng nòng cốt thường xuyên gần dân, đi sâu vào đời sống để hiểu dân, nắm chắc tình hình tư tưởng trong nhân dân, giúp đỡ nhân dân, có trách nhiệm với nhân dân. Họ là những người mà miệng nói, tay làm để dân hiểu, dân tin. Thiếu tá Nguyễn Văn Quang chia sẻ, do các địa bàn trực thuộc khu vực quản lý của các đồn biên phòng tỉnh Gia Lai luôn có tính chất nhạy cảm, phức tạp, là nơi trung chuyển, cho nên rất dễ để các đối tượng móc nối trung chuyển người qua biên giới. Để ngăn chặn từ xa các nguy cơ, BĐBP tỉnh đã tăng cường nhiều cán bộ xã xuống bám nắm tại các xã biên giới. Cụ thể, chọn những đồng chí có năng lực về làm bí thư đảng ủy 7 xã biên giới; triển khai 49 đồng chí đảng viên tham gia sinh hoạt ở 48 chi bộ thôn, làng; hàng trăm đồng chí khác chịu trách nhiệm nắm bắt thông tin đến từng gia đình.
Nhân dân luôn nhận được sự giúp đỡ, động viên và thăm hỏi của các lực lượng trên địa bàn. |
Ngoài việc bám sát địa bàn, bám sát mọi di, biến động ở khu vực biên giới, làm tốt công tác vận động tuyên truyền, thì điều quan trọng nhất làm cho nhân dân "tâm phục khẩu phục" mà tin theo đó là phải giúp được họ làm tốt công tác phát triển kinh tế; chia sẻ khó khăn với các gia đình ở khu vực biên giới như thông qua mô hình "Nâng bước em tới trường", chương trình “Bếp ăn tình thương” giúp hàng chục cháu học sinh nghèo có điều kiện tới trường (Đồn Biên phòng cửa khẩu Lệ Thanh); chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” đã có 8 đồn nhận nuôi 12 cháu ở địa bàn 7 xã biên giới; ngoài ra còn nhiều chương trình khác như “Nâng bước em tới trường”, chương trình “Mái ấm cho đồng bào nơi biên giới, hải đảo”, “Quân dân y kết hợp”, “Bò giống cho người nghèo”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... giúp gắn kết chặt chẽ nhân dân với Bộ đội Biên phòng. "Nhờ việc triển khai các chương trình, mô hình, việc đưa cán bộ đi các gia đình thôn bản cùng ăn, ở với người dân, mọi biến động, dù nhỏ nhất diễn ra Bộ đội Biên phòng đều nắm được, tích cực ngăn chặn nguy cơ từ xa".
Tất nhiên, trong quá trình triển khai phải biết lựa chọn những mô hình, cách làm cụ thể giúp đỡ nhân dân thiết thực, cụ thể, tập trung vào những điều nhân dân cần, nhân dân đang khó khăn... Mục đích cuối cùng là để giữ vững lòng dân, yêu thương nhân dân, biên giới của chúng ta mới bình yên, chính nhân dân sẽ là người đấu tranh để sàng lọc, tự loại những kẻ phản động, cơ hội muốn chống phá cuộc sống yên bình mảnh đất bazan giàu truyền thống như Gia Lai.
Kinh nghiệm được chia sẻ khi tập hợp lực lượng luôn ưu tiên hàng đầu là phối hợp với các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong họ và các chức sắc tôn giáo ở địa phương. Bởi, nói đến Tây Nguyên là nói đến vai trò của già làng, trưởng thôn và người có uy tín. Ở Tây Nguyên, già làng nói, già làng làm, nhân dân sẽ theo. Già làng là biểu tượng đạo đức của mỗi buôn làng. Trong những năm qua lực lượng vũ trang tỉnh luôn quan tâm tới việc phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn trong vận động tuyên truyền, đặc biệt là con em trong dòng họ phối hợp với Bộ đội Biên phòng, lực lượng quân sự, công an nhằm bảo đảm an ninh, trật tự ở biên giới cũng như nội địa.
Những mô hình, cách làm cụ thể giúp đỡ nhân dân thiết thực, tập trung vào những điều nhân dân cần. |
Như chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, vận dụng uy tín của già làng, trưởng thôn để giải quyết những mâu thuẫn ngay tại cơ sở; phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn trong việc phát triển kinh tế văn hóa xã hội và bảo tồn những điều tốt đẹp của các dân tộc. “Mối quan hệ giữa làng và Bộ đội Biên phòng rất là tốt. Mới đây Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức gặp mặt với 49 già làng và những người có uy tín tại khu vực biên giới để tri ân và lắng nghe ý kiến đóng góp. Còn đối với các chức sắc tôn giáo, lực lượng vũ trang tỉnh luôn có sự gần gũi, đồng hành.
Hiện nay đang có mô hình Tổ tự quản trong đồng bào có đạo nhằm triển khai tốt phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh biên giới trong tình hình mới. Ngoài ra, Tổ tự quản có thành viên theo đạo cũng chính là những hạt nhân cốt cán trong tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt tôn giáo. Khi có các vấn đề nảy sinh các thành viên là người có đạo sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang là các cán bộ tăng cường để giải quyết mọi vấn đề. Đồng thời họ là người tuyên truyền tốt nhất mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với tín đồ công giáo, nhằm thực hiện sống đời đẹp đạo. Hiện các mô hình này đang được nhân rộng tại khu vực các xã, huyện biên giới”, Thiếu tá Nguyễn Văn Quang cho biết.
Kể cho tôi nghe về rất nhiều những kỷ niệm, tình huống mình đã từng trải qua trong quá trình công tác tại nhiều địa bàn khó khăn ở Gia Lai, Thiếu tá Nguyễn Văn Quang chia sẻ: Để gần dân, muốn được dân tin, trước hết phải hiểu dân, con đường ngắn nhất là phải biết tiếng của dân tộc nơi mình đang công tác. Chúng tôi ra Nghị quyết về việc học tiếng nước ngoài và tiếng dân tộc. Hằng năm Bộ đội Biên phòng tỉnh đăng ký với Trường cao đẳng sư phạm ở Gia Lai để gửi từng cán bộ, chiến sĩ tham gia học tiếng. Tại các đồn xa, người biết sẽ dạy cho người chưa biết. Trước đây chỉ có cán bộ trinh sát làm công tác vận động quần chúng và phòng chống tội phạm ma túy biết tiếng, sau này mở rộng ra các đối tượng khác. Sau khi học xong, cơ bản cán bộ các đồn có thể trực tiếp giao tiếp, làm việc với đồng bào. Việc tuyên truyền, vận động bằng hai thứ tiếng tiếng Kinh và tiếng Jrai hay Bana có hiệu quả tốt hơn hẳn. Thấy rõ tầm quan trọng của học tiếng các dân tộc, hằng năm đơn vị đều có kiểm tra, phân loại, đánh giá, đưa vào trong tiêu chí để xét khen thưởng, đề bạt nâng lương, bổ nhiệm để nâng cao trách nhiệm, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ học tiếng dân tộc và tiếng nước ngoài để phục vụ thiết thực cho công việc.
Thác K50 nằm giữa rừng già thuộc Khu bảo tồn Kon Chư Răng – một khu rừng nguyên sinh trải trên đất của 4 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi, Bình Định. |