Bài 4: Cái chết ám ảnh của người mẹ trên chuyến tàu cuối cùng

Trần Chánh Nghĩa| 11/05/2023 07:00

Chúng tôi đứng trên cầu Phú Long dõi mắt về phía trước. Bên kia là Lái Thiêu với phố xá khang trang sầm uất. Hình ảnh về một cây cầu dành cho những chuyến tàu và một sân ga đã biến mất, chỉ còn trong trí nhớ của các bậc cao niên...

Cầu Phú Long và đường đến Lộc Ninh

Vào bên trong một con hẻm ở P. Lái Thiêu (TX Thuận An, Bình Dương), chúng tôi tìm gặp ông Hai Thành qua lời giới thiệu của một người bạn. Ông Hai nay đã già, tóc bạc trắng. 

Xem thêm: Bài 1: Sài Gòn thuở phải 'cõng' xe lửa trên sông

Cầu Phú Long

Ông kể lại: "Ngày xưa, cầu Phú Long có tên là cầu sắt Lái Thiêu. Cầu này dài khoảng 500 đến 600m bắc ngang sông Sài Gòn. Cầu dùng cho cả xe hơi, xe máy và xe lửa. Cầu này cũng giống như bao cầu sắt khác cũng gồm những giàn sắt của hãng Eiffel.

Năm 1953, cầu bị đánh sập mấy nhịp. Giao thông qua lại giữa Sài Gòn và Lái Thiêu phải chuyển hướng hoặc dùng phương tiện khác. 14 năm sau, năm 1967 cầu mới được sửa chữa nhưng lần này chỉ để dùng cho xe hơi. 

Những nhịp bị đánh sập được thay thế bằng dàn sắt Bailley kiểu Mỹ lót gỗ. Sàn gỗ này được duy trì cho đến sau 1975 được thay bằng sàn vỉ thép và trải nhựa đường trên mặt cầu.

Qua nhiều lần bị hư hỏng và sửa chữa lại, hiện nay cầu rất yếu. Tải trọng chỉ còn một tấn. Từ khi có cầu mới về phía hạ lưu thì cầu này chỉ dành cho xe 2 bánh. Sự hiện diện của cây cầu Phú Long cũ này cũng chỉ là để ghi lại một kỷ niệm của một thời đã qua.

Cách cầu Phú Long chừng 2km là nhà ga Lái Thiêu. Nơi đây bây giờ không còn một dấu vết gì để nhận ra. Sân ga và đường sắt đi ngang qua đã bị dỡ bỏ và thay vào đó là khu dân cư đông đúc, sầm uất...

Xem thêm: Bài 2: Chuyện chưa kể trên chuyến tàu đầu tiên của Đông Dương

Người Pháp sử dụng đường sắt để khai thác mủ cao su (Ảnh: Internet)

Ông Hai kể tiếp: "Ngày ấy xe lửa chạy chậm lắm. Tốc độ của xe lửa chỉ hơn xe đạp một chút. Vì khổ đường 1m chạy đầu máy hơi nước nên khó có tốc độ cao được. Tuy nhiên cũng nhờ có đoàn tàu này đã giúp nhiều người đi lại thuận tiện.

Đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh tiếp tục qua khỏi Lái Thiêu qua Bình Nhâm chạy theo hướng quốc lộ 13 cũ và giữ khoảng cách với đường bộ chừng 2km.

Rồi tới Búng đến Phú Văn, đường sắt trực chỉ vào ga Thủ Dầu Một. Nhà ga này mằm trước trường THCS Phú Cường ngày nay. Sân ga được biến thành bến xe Bình Dương rồi tiếp tục thành công viên. Khu vực này thay đổi khá nhiều để bây giờ chúng ta khó có thể tim thấy được dấu vết xưa của nó.

Tuyến đường xe lửa tiếp tục chạy theo hướng đường Võ Thành Long hiện nay rồi sau đó băng qua các cánh đồng mía, nương rẫy … thẳng đường lên Bến Cát, Bến Đồng Sổ, Bầu Bàng, Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh.

Tôi đã từng đi lại nhiều lần trên tuyến xe lửa này vào thời điểm gần kết thúc. Trên tàu, đa số là công nhân, thợ thuyền và người buôn chuyến. Có một câu chuyện rất thương tâm mà khi nhắc lại ai cũng thấy xót xa ..."

Câu chuyện trái gùi

Người đàn ông tiếp tục kể: "Hôm ấy là ngày 8/5/1960. Chuyến tàu cuối cùng của tuyến đường Sài Gòn - Lộc Ninh trước khi ngưng hoạt động, ghé vào ga Lái Thiêu. Một người phụ nữ tay xách nách mang lỉnh kỉnh hàng hóa lên tàu. Một đứa bé theo chị đứng dưới sân ga nói với lên : "Chiều về má nhớ mua trái gùi cho con nghe".

Xem thêm: Bài 3: Con đường huyền thoại dẫn 'vàng trắng' về Sài Gòn

Trái gùi (Ảnh: Internet)

Người phụ nữ ấy là chị Trương Thị Nhành người ở làng An Thạnh. Hàng ngày, chị chở đồ gốm lên tàu đi bán chợ Hớn Quản, Lộc Ninh. Nhà chị rất nghèo. Chồng bị bệnh không lao động được. 

Đã nhiều năm qua, chị miệt mài bán buôn kiếm đồng lời về nuôi gia đình. Sức khỏe của chị mỗi ngày một yếu nhưng chị vẫn phải đi. Mỗi lần đi như thế, đứa con thường dặn chị mua trái gùi - một loại trái rừng được bán ở Hớn Quản.

Tiếng xình xịch của máy tàu, tiếng còi tàu rời ga vang lên. Chị đứng trên tàu nhìn xuống đứa con đang đưa tay vẫy chào.

Rồi chị đến Hớn Quản vào chợ buôn bán cho đến chiều dọn hàng trở về. Trước khi đến ga chị không quên mua một xâu trái gùi.

Tiếng còi tàu báo tin xe vừa chuyển bánh. Chị Nhành cầm mấy xâu gùi vội vã bước lên tam cấp. Bất ngờ, chị trượt chân ngã trên đường ray. Bánh xe lửa cán qua người chị. Thi thể chị bị đứt làm hai ...

Tàu tiếp tục đi, về đến ga Lái Thiêu, những người đồng hành cùng chị đã trao cho đứa bé xâu gùi. Thằng bé nhìn thấy gùi mà không thấy mẹ khóc thét lên: "Má con đâu? Má con đâu?".

Biết nói làm sao cho nó hiểu bây giờ? Họ đành phải tìm cách báo cho cha nó để đi về Hớn Quản gom thi thể vợ về mai táng.

Người chồng tìm đến hiện trường, gom góp những mảnh thi thể của vợ cho vào quan tài chuyển về Lái Thiêu. Từ đó anh sống cuộc sống gà trống nuôi con.

Sau 3 năm mãn tang vợ, nhiều người gợi ý mai mối cho anh. Anh từ chối và kể lại rằng có những đêm anh nằm mơ thấy chị về đặt xâu gùi trong tay con. Chị nhắc anh đắp mền cho con vì trời trở gió. Chị cũng khuyên anh đợi con lớn hãy lấy vợ vì "Mẹ ghẻ con chồng sống khó lắm ..."

Ông Hai dừng lại. Dường như ông xúc động. Câu chuyện xảy ra cũng khá lâu nhưng là vì cùng địa phương nên ông thấu hiểu. 

Ông nói tiếp: "Cha thằng bé ở vậy nuôi con lớn khôn. Thằng bé nay cũng đã gần 60 tuổi rồi, cha nó cũng không còn. 

Mỗi lần gặp nó tôi hỏi có còn nhớ trái gùi không? Nó nói: "Xe lửa không còn, tiếng còi tàu đã tắt nhưng trái gùi là má con, con không nhớ sao được...".

Trần Cha1h Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 30/10/2016   

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/cai-chet-am-anh-cua-nguoi-me-tren-chuyen-tau-cuoi-cung-335746.html

Bài liên quan
  • Bài 1: Sài Gòn thuở phải 'cõng' xe lửa trên sông
    Ngày đó, xe lửa không qua được 2 con sông Vàm Cỏ. Vì thế, tới bờ sông, xe lửa dừng lại. Các toa xe được tách rời ra rồi theo đường ray nối với phà lần lượt lên phà để sang bên kia bờ.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Cái chết ám ảnh của người mẹ trên chuyến tàu cuối cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO