Bài 3: Nữ thợ rèn ở Sài Gòn và món quà ngày 8/3 của chồng

Trần Chánh Nghĩa| 14/09/2022 08:32

Lò đang rực lửa, chị cầm 3 khúc sắt tròn dúi vào than. Chỉ trong tích tắc, cả 3 đều nóng đỏ. Chị dùng kìm gắp ra một cây để đầu đỏ lên đe giữ thật chặt. Vinh, con trai đầu của chị, cầm búa tạ nện xuống...

Duyên nợ với nghề

Trong sự phát triển vượt bậc của công nghệ và kỹ thuật, nghề rèn dường như không còn đất sống. Đã có rất nhiều lò rèn đóng cửa, thợ rèn phải đổi nghề tìm kế sinh nhai khác. Hiện nay, lò rèn chỉ còn lác đác ở nông thôn. Thợ rèn chủ yếu làm ra những nông cụ đặc trưng và cần thiết. Nhưng ít ai biết ngay tại trung tâm Sài Gòn, cạnh chợ Nhật Tảo (phường 4, quận 10, TP.HCM) có một lò rèn vẫn thường xuyên đỏ lửa.

loren2-1.jpg
Công đoạn nướng sắt.

Điều đặc biệt hơn, tại lò rèn này, người đứng lò thường xuyên lại là một phụ nữ, chị Minh Nguyệt (57 tuổi). Chị Nguyệt thấp người, mảnh mai, yếu đưối nhưng công việc của chị lại là việc của những người đàn ông khỏe mạnh. Chị một tay cầm kìm kẹp chặt thanh sắt nóng rực, một tay chị cầm búa nện xuống. Thanh sắt dẫu có cứng đến đâu cũng phải khuất phục trước đôi tay của chị.

Chúng tôi gặp chị. Chị đang làm mẻ hàng đầu tiên của năm mới. Trong lò đang rực lửa, 3 khúc sắt loại 12mm đang được nướng đỏ một đầu.

"Tôi đứng lò đã hơn 20 năm rồi. Tôi gá nghĩa với ông xã vào năm 1990. Khi đó ông làm chủ và là thợ chính của một lò rèn đang đông khách. Hàng ngày, công việc của tôi là đi thăm dò thị trường và bán những sản phẩm làm ra...", chị kể.

Cầm chiếc kìm trong tay, chị gắp một thanh sắt đỏ hỏn ra để trên đe. Chị giữ chặt, Vinh, con trai chị, từ bên trong bước ra cầm chiếc búa tạ nện vào. Lửa văng tung tóe. Chỉ vài nhát búa, thanh sắt đã bẹp theo ý muốn của chị. Chị cho lại vào lò và gắp thanh khác ra.

loren2-2.jpg
Vinh, con trai chị Nguyệt, đang giúp mẹ.

Vinh đặt chiếc búa tạ xuống đất. Chị Nguyệt nhìn con và nói: "Chỉ còn hôm nay là lần cuối cháu giúp mẹ. Ngày mai cháu nhập ngũ thi hành nghĩa vụ quân sự. Chúng tôi chung sống với nhau được 2 con. Cháu Vinh lớn nhất đã 24 tuổi. Em gái nó hiện đang làm ở một công ty".

Chị Nguyệt nói về gia đình như một niềm tự hào. Hai đứa con đều ngoan. Chị kể tiếp: "Ở với nhau một thời gian thì công việc làm ăn bắt đầu có dấu hiệu chùng lại. Thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm mà trước đây phải rèn mới có. Thợ thuyền xin nghỉ. Thế là chồng tôi phải đứng lò trực tiếp sản xuất và thợ phụ không ai khác hơn chính là tôi.

Công việc càng ngày càng ít. Chúng tôi vẫn miệt mài làm việc. Ngày này qua tháng nọ, đứng bên cạnh chồng tôi chú ý quan sát và học được những bí quyết nghề nghiệp". Chị tập làm dần và chỉ trong thời gian hơn 1 năm chị Nguyệt có thể làm được nhiều món đồ khó. Rồi dần dần, những món hàng bình thường đều do chị đảm nhận. Chỉ khi nào gặp mặt hàng chị  không thể, người chồng mới "ra tay".

Món quà ngày 8/3

Thanh sắt chị vừa lấy ra. Một tay cầm kìm giữ chắt, một tay cầm búa, chị đập mạnh vào đầu sắt đang đỏ. Đầu sắt dẹp tạo hình thành chiếc đục. Chị cho biết: "Cũng may có người đặt 10 chiếc đục nên đầu năm có việc để làm. Công việc bây giờ không nhiều".

loren2-3.jpg
Hình thành chiếc đục.

Chị vừa làm vừa kể cho chúng tôi nghe về quãng đời đã qua. Lúc đầu mới học nghề chị cũng mỏi mệt và uể oải. Nhưng theo thời gian chị quen dần và có thể nói đến hôm nay công việc nặng nhọc của một thợ rèn đối với chị đã trở nên nhẹ nhõm.

"Nhẹ vì quen việc là điều dĩ nhiên nhưng bên cạnh đó còn vì chồng vì con. Mới đó mà đã gần 30 năm chúng tôi cùng chung sống. Quãng thời gian cũng tương đối dài để bây giờ chúng tôi hưởng những gì đã đạt được.

Của cải tiền bạc không nhiều nhưng bù lại chúng tôi có một quãng thời gian hạnh phúc. Hai đứa con nên người là điều chúng tôi mãn nguyện nhất... ", chị tiếp tục kể.

Nhiều thanh sắt được chị biến thành những chiếc đục đã xong. Chị gom lại đến nơi đặt máy mài. Bật điện. Đá quay nhiều vòng. Chị đưa thanh sắt vào. Tia lửa bắn ra. Trong thời gian ngắn chị đã mài xong 1 chiếc rồi 2, 3...

Chị đưa những chiếc đục ấy vào lửa một lần nữa. Đầu đục lại đỏ. Lần này, chị gắp từng chiếc nhúng vào nước một cách chậm rãi. Chị vừa nhúng vừa đưa lên xem cho đến khi đầu đục đã tái trơ nước thép.

Đây là công đoạn trui, không dùng đến sức nhưng lại vô cùng quan trọng của người thợ rèn. Chỉ người có nhiều kinh nghiệm mới có thể trui - để khi sử dụng thép không bị giòn có thể bể nếu quá già và cong vênh nếu còn non.

Mớ đục đã xong. Chị sắp thành hàng trên đe. Chúng tôi hỏi chị: "Sắp đến ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, anh có chuẩn bị gì để anh chị vui với nhau không?".

loren-2-4.jpg
Trui để đục được cứng và bén hơn

Chị nở nụ cười hiền hậu: "Năm nào cũng vậy cứ đến ngày này chúng tôi có dịp cùng các con vui bên nhau. Năm nay, cháu trai đi nghĩa vụ quân sự, cháu gái đi làm xa không về, chỉ còn 2 vợ chồng già có lẽ đi ăn một bữa rồi dẫn nhau đi xem phim".

Lò rèn trong xóm lao động nghèo với đôi vợ chồng hàng ngày đổi mồ hôi lấy bát cơm nhưng đầy ắp niềm vui và hạnh phúc.

Đó cũng là món quà anh Châu dành tặng cho chị Nguyệt, niềm vui bất tận của chị trong ngày 8/3 mỗi năm.

Xem thêm: Bài 1: Lò rèn 'kỳ lạ' giữa Sài Gòn

Xem thêm: Bài 2: Người thợ rèn sót lại giữa phố Sài Gòn

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 07/03/2018
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/mon-qua-dac-biet-ngay-8-3-cua-nu-tho-ren-o-sai-gon-434158.html

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Nữ thợ rèn ở Sài Gòn và món quà ngày 8/3 của chồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO