Bài 3: Chuyện cứu người ở xóm ven sông Sài Gòn

Trần Chánh Nghĩa| 19/09/2022 07:08

Sáng 28/12, xóm chài ven sông bờ sông Sài Gòn cạnh chân cầu Bình Lợi như rộn lên. Rất đông người đến để chứng kiến sự hồi sinh của một con người nhờ vào tấm lòng rộng mở của những người chài lưới ven sông.

Trên thuyền ông ba Chúc, một phụ nữ chừng 38 tuổi đang nằm trong khoang. Chị vừa từ cõi chết trở về sau khi lên cầu gieo mình xuống sông tìm cái chết.

bachuc-5.jpg
Người phụ nữ được vớt lên và sơ cứu tại chỗ

Ông ba Chúc kể lại: ''Lúc ấy là khoảng 10g sáng. Tôi đang nằm trong khoang nhìn ra ngoài chợt thấy một người đàn bà đang đi lên cầu. Bất thình lình chị leo lên lan can rồi rơi xuống nước. Phản xạ tự nhiên, tôi bật dậy, nổ máy ghe phóng thẳng đến. Không may, lúc này trên mặt sông lục bình dày đặc quấn chặt chân vịt khiến chiếc ghe không thể nào di chuyển được.

Người phụ nữ vẫn còn nổi trên mặt nước nhưng trồi lên sụp xuống. Cánh tay chị đưa lên cao dấu hiệu của bản năng sinh tồn đang cần người cứu giúp. Chiếc ghe tôi thì bị lục bình giữ chặt. Tôi quát to lên : ''Lấy xuồng ra cứu người, nhanh lên''.

2 đứa em tôi là Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Trứng, mỗi đứa một mái chèo, chèo thẳng đến vừa kịp lúc chị đang ''trồng chuối'' đợt cuối cùng trước khi chìm hẳn.

Chị được kéo lên xuồng nằm bất động. Chiếc xuồng chạy đến cập sát vào ghe tôi. Tôi lao đến làm những động tác hô hấp nhận tạo. Nước trong miệng chị ọc ra. Một lần vẫn chưa tỉnh. Tôi tiếp tục đến lần 2, lượng nước trào ra nhiều hơn nhưng phải đến lần tiếp theo, chị ói hết nước ra và tay chân bắt đầu cử động.

bachuc-6.jpg
Chuyển nạn nhân về ghe ông Ba Chúc

Chị được đưa vào bến chuyển về ghe chúng tôi. Đưa chị vào khoang, vợ tôi tiếp tục xoa dầu cho chị. Đôi mắt chị hé mở và đôi môi mấp máy . . .''

Người phụ nữ đã được cứu sống nhưng nằm im không nói. Chị ba Chúc lấy bộ quần áo của chị thay cho người phụ nữ này rồi đưa chị ra phía trước.

Chồng của chị cũng vừa kịp đến. Anh ôm chầm lấy vợ một hồi lâu rồi quay ra nói với mọi người : ''Xin được cám ơn các cô, các chú đã cứu được vợ cháu''.

Qua câu chuyện nhanh với những người có mặt trên ghe, thì ra người phụ nữ này có bệnh tâm thần thể trạng nhẹ. Không có mâu thuẫn gì trong quan hệ gia đình, sáng nay hai vợ chồng đưa nhau đi chợ. Sau đó, anh bảo chị đứng đợi ở một nơi rồi đi mua 2 bó hoa để cùng nhau lễ chùa. Lúc trở ra không thấy vợ, anh dáo dác tìm khắp nơi và khi nghe tin có người tự tử anh tìm đến…

bachuc-7.jpg
Niềm vui của vợ chồng ông ba Chúc sau khi cứu được người

Hai vợ chồng chào từ biệt vợ chồng ông ba Chúc và những người có mặt rồi rời ghe. Không một ai vướng bận gì và cũng chẳng ai màng đến một động thái đền ơn.

Tính nhân văn của xóm chài Bình Lợi này đã thể hiện từ hàng chục năm nay. Hàng trăm người được cứu sống cộng thêm hàng trăm thi thể nổi trên sông được ông ba Chúc và anh em thuyền chài vớt lên.

Làm nhiều việc thiện mà sao không giàu? Nhiều người hiểu chuyện đã đưa ra câu hỏi đó? Thế nhưng, ông ba Chúc và anh em cười vang lên và cho biết: chúng tôi rất giàu nhưng không phải là giàu tiền giàu bạc. Cái giàu của chúng tôi là niềm hạnh phúc vô biên đã cứu giúp được nhiều người và đem lại tiếng cười cho bao gia đình tưởng chừng như tắt lịm.

Xem thêm: Bài 1: Người tử tế ở Saigon

Xem thêm: Bài 2: Nỗi đau người mẹ nhảy cầu tự vẫn được cứu sống

Xem thêm: Bài 4: Người tử tế ở Sài Gòn: Thùng trà đá và chiếc quan tài từ thiện

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 28/12/2014
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chuyen-cuu-nguoi-o-xom-ven-song-sai-gon-214145.html

Bài liên quan
  • Bài 1: Người tử tế ở Saigon
    36 năm neo ghe trên dòng sông Sài Gòn, ông Ba Chúc là khắc tinh của thần chết. Ông đã đem lại sự sống cho gần 200 con người.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Chuyện cứu người ở xóm ven sông Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO