Hạnh phúc từ điều đơn giản nhất
Nhìn rổ thịt gà trên tay vợ ông chúng tôi ước chừng khoảng 2kg. Mấy cái đùi, vài miếng ức. “Một ngày anh kiếm được bao nhiêu mà anh chị ăn sang thế?”. Vợ ông Hoàng nhoẻn miệng cười: “Của cho đấy. Làm gì chúng tôi ăn nổi thịt gà? Bà bán gà ngoài chợ bán từ sáng đến chiều bị ế mới cho đó”.
Quả thật là hàng ế. Miếng thịt không còn màu sắc tươi ngon mà đã chuyển sang tai tái, thế mà chị vẫn chế biến cho cả gia đình cùng ăn. Chị cho biết, nhiều năm nay như thế rồi, cứ hàng ngoài chợ ai bị ế đều đem cho gia đình chị. Trong cái xóm lao động nghèo này chỉ có mỗi gia đình chị sống bằng nghề nhặt rác.
Chị nói: “Chắc là quen rồi nên mặc dù có ươn, có hỏng cũng không sao. Chê không ăn thì làm gì có dịp để ăn những thứ đắt tiền như thế?”.
Ông Hoàng ngồi giữa nhà. Ông vừa tắm rửa sau một ngày lăn lộn dưới kênh. Ở một góc, mẹ ông, bà cụ gần 80 tuổi nhưng vẫn còn khỏe khoắn. Thêm một đứa cháu ngoại lên ba lăng xăng chạy nhảy. Bấy nhiêu thôi căn nhà đã chật kín.
Ông Hoàng kể, 20 năm trước nơi đây là đồng ruộng. Dành dụm chắt chiu mãi mới có được 2.050.000 đồng để mua 9m2 đất này dựng lên căn nhà nhỏ, nhờ vậy mà không phải ở thuê. Thu nhập hàng ngày của ông hiện giờ chỉ khoảng từ 100 – 150 ngàn đồng mà phải nuôi 5 miệng ăn.
Ông Hoàng cho biết cũng may trời thương cả nhà ít khi đau bệnh. Hàng ngày lội dưới kênh, tiếp xúc trực tiếp với ô nhiễm, bẩn thỉu nhưng 30 năm nay ngoài những cảm cúm thông thường ông chưa hề có một triệu chứng bệnh tật nào. Có lẽ trời thương người nghèo. Tuy nhiên, ông sợ nhất là vật nhọn. Ông cho tôi xem vết thương phải khâu mấy mũi vừa lành miệng.
Ông nói những vết trầy xước thông thường thì ông vùi vào lớp bùn non, chỉ vài hôm là lành (?). Sợ nhất là nước thải của các nhà máy gần đó nhiều lần làm ông bị nóng, không thể tiếp tục công việc mà phải di chuyển sang dòng kênh khác.
Buổi chiều ở trong căn nhà ông, chúng tôi chứng kiến cái hạnh phúc đơn giản của một gia đình nghèo. Có mẹ già, có vợ có con có cháu. Thả một làn khói thuốc ông nở nụ cười mãn nguyện. Cả cuộc đời ông ngụp lăn dưới dòng kênh hôi thối, không bon chen không mưu cầu danh lợi, chỉ mong sao có cái ăn cho gia đình. Không có thú vui bù khú nhậu nhẹt hay cờ bạc đỏ đen, ông đã có được một mái ấm. Cái hạnh phúc đơn sơ đó tưởng chừng như quá dễ đối với nhiều người thế nhưng mấy ai có được?
Trôi theo dòng đời
Những dòng kênh đen trong thành phố sẽ dần dần được thay bằng cống hộp. Rác sẽ không còn được tuôn xuống dòng kênh. Những căn nhà dọc theo bờ kênh sẽ vĩnh viễn xóa sổ. Thành phố ngày một đẹp hơn...
Thế nhưng trong căn nhà nhỏ, ông Hoàng cũng có đôi lúc trầm ngâm. Sẽ phải làm gì để có miếng ăn đây? Trước đây, cứ mỗi ngày tôi đi một kênh, sau một tuần quay lại giáp vòng. Thế mà bây giờ sáng ra không biết phải làm ở đâu. Chỗ nào cũng quang đãng.
Ông Hoàng kể, có đôi lần may mắn, ông nhặt được vài phân vàng. Bây giờ thì đứng nói đến vàng, sắt và nhựa cũng không còn mấy để ông gom.
Tuổi tác đã không còn nhiều để chuyển đổi một nghề làm ăn khác, con cái ông thì may lắm tự lo được cho bản thân. Cả nhà không ai có một nghề nghiệp ổn định, còn đứa cháu ngoại lên ba, chúng tôi nghĩ đến một tương lai không mấy sáng sủa cho cháu.
Thôi thì cũng đành phó mặc cho dòng đời đẩy đưa. Không có một lời khuyên cho ông trong lúc này thì quả là thiếu sót nhưng biết phải khuyên ông điều gì bây giờ?
Rời nhà ông, trên đường về, chúng tôi cứ cắn đắng mãi trong lòng.
Xem thêm: Bài 1: Kiếm đồng tiền sạch từ nơi bẩn nhất
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 06/11/2012
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/hanh-phuc-va-noi-lo-kiem-tien-sach-tu-noi-ban-nhat-95567.html