Bài 2: Cần khôi phục nghĩa trang vô chủ

Trần Chánh Nghĩa| 13/08/2022 07:43

Tai nạn xảy ra đã 33 năm. Người chết đã về với cát bụi. Thế nhưng, người sống vẫn chưa nguôi ngoai trước nỗi đau mất người thân này. Nguyện vọng của bà con là chỉ mong xác định được người nằm dưới huyệt mộ là ai để có thể làm tấm bia, xây ngôi mộ an ủi linh hồn người chết. Vậy mà hàng chục năm trôi qua vẫn chưa có tín hiệu nào.

Nghĩa trang vô chủ của người chết vô thừa nhận

Ở giữa nghĩa trang, dưới một tán cây lớn một tấm bia nhô lên. Nhìn kỹ trên tấm bia có ghi rõ tên người chết: "Nguyễn Thị Minh Võ, sinh năm 1945 chết ngày 17/3/1982". Ngoài ra, ờ một góc phía trước của nghĩa trang còn lại 2 tấm bia có đủ tên họ nằm lăn lóc . . .

Giải thích về điều này, ông Hoạt cho biết theo lời một số anh em đi nhặt xác năm ấy kể lại trong số các thi thể vô thừa nhận có một số ghi tên tuổi trên áo. Do chỉ biết tên mà không có địa chỉ nên không báo cho thân nhân được. Những người có tên, ngành đường sắt đã làm bia với tên họ cắm trước mộ phần.

Xem thêm: Bí ẩn tai nạn thảm khốc nhất lịch sử đường sắt Việt Nam

mo-1.jpg
Ngôi mộ đôi với dòng chữ trên bia

Đi dọc theo các hàng bia "mộ VD", chúng tôi ghi nhận có nhiều hố đào. Có hố cạn có hố sâu. "Hố sâu là mới lấy cốt. Hố cạn là một đã lấy cốt từ nhiều năm trước". Chị Cẩm giải thích cho chúng tôi như thế. Chị cho biết thêm, có tất cả 17 người có tên đã được lấy cốt.

Như vậy, trong nghĩa trang này ngoài ngôi mộ của chị Minh Võ ra còn có 16 mộ khác có bia. Thân nhân của những ngôi mộ này đã tìm đến lấy cốt. Có người mang bia đi và cũng có người bỏ lại. Có 3 tấm bia bỏ lại ngoài 2 bia bằng đá có một bia bằng xi măng đã bị những người mua ve chai đập vỡ lấy sắt.

Trong suốt 33 năm, chỉ có 20 năm đầu nghĩa trang được chăm sóc bởi các nhóm thiện nguyện. Hơn 10 năm gần đây, nghĩa trang gần như bỏ hoang. Đến khi phát hoang thì xuất hiện thêm 3 ngôi mộ mới có bia, chỉ ghi tên thánh ngay sát cổng.

Theo lời chị Cẩm, trong suốt thời gian đã qua nghĩa trang gần như vô chủ. Ngoài 3 mộ mới, một ngôi mộ khác đã nằm chen với một ngôi mộ khác đã được thân nhân đánh dấu. Chị Cẩm kể tiếp, ngôi mộ được đánh dấu có thân nhân ở Phan Rang. Khi tai nạn xảy ra, người nhà đã đi tìm kiếm nhiều bệnh viện nhưng không thấy tung tích.

mo-2.jpg
Ông Hoạt đang trông coi phần mộ (ảnh bạn đọc cung cấp)

Nhiều người khuyên họ nên đến cơ quan đường sắt ở Sài Gòn dò hỏi. Nhờ vậy, khi đến ga Saigon (lúc còn ở đường Lê Lai) hỏi thăm thì nơi đây đưa ra một số hình ảnh và sơ đồ nghĩa trang để thân nhân xác minh.

Nhờ hình ảnh và sơ đồ, người nhà của nạn nhân xác định ngôi mộ mang số B17 là của mẹ mình nên đã được ngành đường sắt đưa đến tận nghĩa trang để xác nhận vị trí.

Sau khi đã đánh dấu, thân nhân của nạn nhân này trở về quê quán. Mãi đến hơn 10 năm sau, khi trở lại thì bên cạnh ngôi mộ của mẹ mình, thân nhân người xấu số phát hiện có một ngôi mộ tương tự.

mo-3.jpg
Lễ cầu siêu (ảnh ban đọc cung cấp)

Quá phân vân vân không thể khẳng định được nên họ đã xây ngôi mộ đôi với dòng chữ: " "Phần mộ - trong 2 ngôi mộ này có phần mộ mẹ chúng tôi. . . kèm theo số điện thoại.

Nhiều người dân địa phương am hiểu đều xác định ngôi mộ này là mộ mới của một người lang thang trong vùng. Giá như, nghĩa trang có người quản lý tình trạng này không thể xảy ra và người chết được trở về quê quán dễ dàng hơn.

Nguyện vọng nhỏ nhoi

"Năm ấy, khi nghe tin tàu lật tôi đã đến tận nơi tìm thi thể mẹ. Phải khó khăn lắm và cũng thật may mắn tôi đã đưa được mẹ tôi về và tổ chức an táng trong tình thương yêu của gia đình.

Anh Lý Thoại Phương (53 tuổi ngụ Gò Vấp) thuật lại diễn biến tai nạn mà anh đã có mặt. Anh kể tiếp: Sau khi chôn cất mẹ được vài hôm, ngày 25/3/1982 tôi nhận được giấy báo của Tổng cục đường sắt thông báo sẽ có đoàn cán bộ đến thăm và chuyển tiền bồi thường theo bảo hiểm.

mo-4.jpg
Chị Cẩm (mũi tên) và ông Hoạt (ngồi trước chị Cẩm) đề đạt nguyện vọng lên lãnh đạo ngành đường sắt. (ảnh bạn đọc cung cấp)

Tôi đến trụ sở văn phòng phía nam của Tổng cục đường sắt thì thấy tại đây rất đông thân nhân nạn nhân. Một giới chức của tổng cục xác nhận tai nạn do tàu bị mất thắng và tài xế không làm chủ tốc độ, chạy quá nhanh đã bị lật khi đến khúc cua Bàu Cá. Tôi còn nhớ, khi đó ở trên 3 chiếc bàn có vô số hình ảnh những nạn nhân thiệt mạng và được bà con nhận dạng . . .

Như vậy, theo như người nhà nạn nhân ở Phan Rang xác nhận vị trí ngôi mộ B17 nhờ vào hình ảnh và sơ đồ nghĩa trang và lời kể của anh Phương thì ngành đường sắt có lưu trữ tài liệu này.

Trong lễ cầu siêu ngày 10/10/2015 vừa qua được tổ chức tại nghĩa trang, những thân nhân nạn nhân như chị Cẩm, anh Phương và nhiều người khác cùng với ông Hoạt là người đã gắn bó nhiều năm với vui buồn của nghĩa trang ĐS đã đến dự và đề đạt nguyện vọng lên lãnh đạo ngành đường sắt có mặt trong buổi lễ.

Bà con chỉ mong muốn ngành đường sắt "khôi phục" lại hình ảnh và sơ đồ mộ để có người còn có thể tìm lại được thân nhân của mình. Đối với những mộ vô danh nằm lại nơi đây cũng cần xác nhận lại vị trí vì khi cắm lại bia, ông Hoạt chỉ căn cứ theo quán tính độ chính xác không cao.

Sau khi có vị trí chính xác, nên đắp cao ngôi mộ để không xảy ra tinh trạng dẫm đạp lên mộ phần. Cuối cùng, bà con mong muốn được ngành đường sắt xây lại tường rào đã đổ sập.

mo-5.jpg
Công nhân công ty đường sắt Sài Gòn xây dựng lại tường rào

Chúng tôi trở lại nghĩa trang vào những ngày đầu tháng 12. Ở đây, công nhân của công ty đường sắt Sài Gòn đang xây dựng lại tường rào, cổng vào và bàn thiên cúng tế.

Như vậy, một phần nguyện vọng của bà con đã được ngành đường sắt quan tâm. Chị Cẩm nói trong niềm vui: "mặc dù chưa biết ngôi mộ nào là của anh chị mình nhưng chắc chắn có trong số các mộ vô danh này. Không mong gì hơn, những ngôi mộ này sẽ được xây dựng lại để những lần thăm viếng tiếp đi giữa những hàng mộ sẽ nhìn thấy được nụ cười của những người xấu số. . .

Gần 100 người gởi tấm thân nơi đất khách. Theo tâm linh, họ là những oan hồn vất vưởng. Cho họ một nấm mồ - sống có nhà thác có mồ - thiết tưởng là việc nên làm.
Không cần to lớn sang trọng, chỉ cần một đôi hàng gạch nhô lên khỏi mặt đất để không còn ai dẫm đạp, có lẽ nơi chín suối họ sẽ mỉm cười . . .

“Cả đoàn tàu từ Nha Trang vào TP. Hồ Chí Minh bị mất kiểm soát... trôi tự do với tốc độ hơn 100km/giờ đến đoạn cua Bàu Cá thì lật. 12 toa xe chở đầy người và hàng hóa văng tung tóe, riêng toa đầu máy văng lên nằm ngửa bụng trên đồi. Cả lái tàu Đậu Trường Tỏa, phó lái Phạm Duy Hanh, thực tập viên Trần Giao Chi lẫn nhân viên đoàn và hành khách chết hơn 200 người.

Mấy ngày trôi qua, nhiều nạn nhân không có giấy tờ, không được người thân nhận xác đành phải nằm lại đây vĩnh viễn thành cả một nghĩa trang bên đường. Từ đó, các chuyến tàu đi qua nơi này đều kéo một hồi còi như lời mặc niệm…".

Chia sẻ của nhân viên sống sót được ông Trần Đình Bá - Hội Kinh tế vận tải Việt Nam kể lại trong một hội thảo
Thảm họa quốc gia này là tồi tệ nhất trong lịch sử giao thông nước nhà, trên tất cả các vụ tai nạn hàng hải như Vinalines Queen năm 2011 mới đây, các vụ thảm họa hàng không 1988, 1996 vượt qua thảm họa quốc gia vụ E1 tại Lăng Cô – Thừa Thiên Huế làm 11 người chết và 80 người bị thương.

Về phương diện quốc tế nó còn vượt xa thảm họa ĐS tại Nhật Bản ngày 25.4.2005 làm 150 người chết và làm bị thương trên 550 người gây chấn động dư luận Nhật Bản và thế giới.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày13/12/2015
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/ngoi-mo-ky-la-trong-tai-nan-tham-khoc-nhat-lich-su-duong-sat-277792.html

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Cần khôi phục nghĩa trang vô chủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO