Bài 1: Tết Trung thu của các học sinh vùng biên giới

Trần Chánh Nghĩa| 04/09/2019 07:00

Một nhóm thiện nguyện với hơn 30 người từ TP.HCM mang theo rất nhiều quà Trung thu đến chơi và vui với các bé thiếu nhi ở vùng biên giới giáp với Campuchia.

'Các bé nói cho chú Cuội nghe, công việc đầu tiên mỗi buổi sáng thức dậy là phải làm gì? Bé nào nói đúng sẽ được một phần quà'. Hàng chục cánh tay giơ lên kèm theo nhiều câu trả lời khiến chị Hằng và chú Cuội phát quà không kịp.

Hình ảnh đáng yêu này chúng tôi ghi nhận được tại sân trường Tiểu học Nguyễn Văn Bửu (ấp 2, xã Mỹ Quí Tây, H. Đức Huệ, Long An) vào buổi sáng Chủ nhật 8/9 khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung thu.

Một nhóm thiện nguyện với hơn 30 người từ TP.HCM mang theo rất nhiều quà đến chơi và vui với các bé thiếu nhi ở vùng biên giới giáp với Campuchia.

Phát quà.

Có khoảng hơn 200 bé là học sinh các lớp của trường tập trung từ rất sớm. Bé nào cũng trong tâm trạng rất vui, náo nức chờ đợi. 9h30, đoàn đến. Quà được chuyển vào bên trong sân trường và các bé xếp hàng ổn định chỗ ngồi.

Mỹ Quí Tây là một xã có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia. Điều kiện kinh tế xã hội của xã còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 2885 hộ trong đó có 410 hộ nghèo và 119 hộ cận nghèo. Đa số người dân Mỹ Quí Tây sống nhờ vào nông nghiệp nên cuộc sống còn nhiều bấp bênh. Điều đáng ghi nhận, học sinh các hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo đa số hiếu học, mong muốn có được điều kiện học tập tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Lập hiệu trưởng nhà trường cho biết: 'Toàn trường có khoảng 400 học sinh nhưng do chiều hôm trước xảy ra mưa to, một số vùng ngập nặng khiến cho việc đi lại gặp khó khăn nên nhiều em vắng mặt. Tuy nhiên, việc tổ chức Trung thu cho các em là một việc làm rất cần thiết bởi lứa tuổi của các em cần vui chơi thỏa thích

Thành viên trong đoàn tham gia góp vui với các bạn nhỏ.

Trong lúc chờ đợi sắp xếp quà, các em học sinh vùng sâu này lần đầu tiên được các anh chị hướng dẫn làm tranh cát. Lúc đầu còn bỡ ngỡ nhưng khi đã quen, các em rất thích thú.

Các em đã vào hàng thẳng tắp. Những đứa trẻ thơ ngây với đôi mắt háo hức đã khiến cho đoàn thiện nguyện hết sức thương yêu. Sau phần thủ tục giới thiệu ngắn gọn, chú Cuội và chị Hằng xuất hiện đưa các em vào đúng với tuổi thơ của mình.

Âm nhạc nổi lên những bài hát của trẻ thơ. Các bé con của những thành viên trong đoàn tham gia múa biểu diễn cho các em thưởng thức. Những ánh mắt thèm thuồng, những huơ tay huơ chân theo nhịp của bài hát, các em đã làm cho người lớn xúc động.

Chú Cuội, chị Hằng đã đưa ra nhiều câu hỏi cho các em. Nhiều em đưa tay xin trả lời. Em nào cũng được mời và em nào cũng có quà dù đúng hay sai. Những chiếc lồng đèn, những con cá, những chiếc xe đồ chơi, những tập vở bút mực được trao tận tay các em.

Các em nâng niu từng món quà. Rồi những câu hỏi được đặt ra. Chú Cuội hỏi công việc đầu tiên trong ngày khi thức dậy các em làm gì. Hàng chục cánh tay giơ lên. Chị Hằng chỉ vào một em trai. Em trả lời, công việc đầu tiên là... mở mắt. Cả sân rộ lên tiếng cười. Chị Hằng nói, 'đúng rồi'. Em được một phần quà. Một gói quà nhỏ đến tay em. Rồi lần lượt những câu trả lời khác. Em súc miệng, em rửa mặt, em ăn sáng v.v... câu nào cũng đúng và đều có quà.

Nào, các em làm theo chị nhé.

Cuộc vui chơi của các em chưa dừng lại. Nhiều trò chơi khác được tiếp tục. 57 phần quà dành cho các trường hợp đặc biệt đã được trao tận tay các em cơ nhỡ. Một phụ huynh bày tỏ nuối tiếc, 'giá như được có múa lân, nghe tiếng trống thì hay quá. Lâu lắm rồi các em ở đây chưa chơi múa lân'. Nhưng rồi cũng chính vị này 'bào chữa': 'Thì thôi, như vậy cũng vui rồi. Trên đời có gì mà hoàn hảo đâu, phải có một chút thiếu sót mới là cuộc đời chứ?'.

11h30, chị Hằng chú Cuội yêu cầu các em đứng lên. Các em cùng nhau đưa tay lên đầu làm theo hình trái tim như muốn bày tỏ lòng thương yêu và sự biết ơn đến những tấm lòng thiện nguyện. Các em ra về. Trên tay, em nào cũng có quà. Gương mặt nào cũng tươi vui và mãn nguyện.

Trái tim thương yêu chia tay các cô bác hảo tâm.

Chị Trần Lâm Ngọc Việt, người tổ chức chương trình cho biết, ban đầu chị không nghĩ sẽ có được thành công vượt mức. Được như vậy là nhờ vào những tấm lòng thương yêu trẻ của các anh chị, cô bác hảo tâm. Chi phí cho buổi Trung thu vùng biên giới này lên đến 30 triệu đồng đều do sự đóng góp của những người thiện nguyện.

Trong bức thư gửi cho nhóm thiện nguyện, bà Phan Thị Như Băng, chủ tịch UBND xã Mỹ Quí Tây đã biểu dương và cám ơn tấm lòng yêu trẻ của các nhà hảo tâm tạo cho các em có buổi vui Trung thu thú vị này.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên Vietnamnet ngày 10/09/2019   

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/trung-thu-ron-tieng-cuoi-cua-cac-hoc-sinh-vung-bien-gioi-565982.html?fbclid=%20%20%2010/09/2019

Bài liên quan
  • Đêm Trung thu trên đất khách
    Năm nào cũng thế, cứ đến tháng 8 âm lịch, những người Việt xa xứ trên đất Australia lại quây quần bên nhau tổ chức đêm Trung thu.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Tết Trung thu của các học sinh vùng biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO