Bài 1: Gian nan bước đường lập nghiệp trên đất khách

Trần Chánh Nghĩa| 15/07/2023 07:00

Chị điều dưỡng đẩy chiếc xe thuốc đi giữa hành lang vắng lặng. Buổi sáng, viện dưỡng lão Carinity (Brisbane, Australia) thật yên tĩnh. Dường như những người già an dưỡng tại đây vẫn còn chìm trong giấc ngủ.

Dừng lại trước một phòng cửa khép hờ, chị gõ cửa. Bên trong có tiếng mời vào. Trên mỗi tay chị cầm một chiếc ly nhỏ đựng thuốc và nước. "Con mời bác uống thuốc", chị nói. Ông cụ nằm trên giường thều thào: "Con cứ để trên bàn, một lát bác uống... ".

Từ những khó khăn

Chị để 2 chiếc ly trên bàn rồi nhỏ nhẹ: "Bác nhớ uống nhé. Con xin phép ra ngoài". Từng cử chỉ, từng lời nói của chị đối với ông cụ lúc nào cũng nhẹ nhàng, đằm thắm yêu thương.

Điều dưỡng Phạm Thúy Duy trước nơi làm việc.

Chị là Phạm Thúy Duy, 35 tuổi. Chị là người Việt quê ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Chị có thâm niên làm việc tại viện dưỡng lão này. Hàng ngày chị giao tiếp, chăm sóc bệnh nhân. Chị cho họ uống thuốc, băng bó vết thương.

Chị cũng là cầu nối với bác sĩ, giúp chuyển viện những trường hợp khẩn cấp. Bệnh nhân của chị là những người già không còn khả năng lao động, những người từ 50 - 60 tuổi bị chứng hay quên. Họ thiếu những bàn tay chăm sóc, những lời nói ân cần.

Chúng tôi gặp chị sau ca làm việc đầu tiên trong ngày. Trời đã vào chiều. Chị cố gắng tiếp chuyện với chúng tôi trong sự tất bật sau một ngày làm việc. Khoảng 30 phút nữa, chị phải đón con ở nhà trẻ. Hai đứa con chị, bé trai 4 tuổi và bé gái 2 tuổi, rất ngoan và lễ phép. 

Năm 2001, Duy tốt nghiệp cấp 3 tại quê nhà Giồng Trôm. Không còn cha, Duy sống với mẹ và một người anh trong điều kiện hết sức chật vật. Mẹ Duy ngày ngày vất vả với mảnh vườn. Người anh chưa có việc làm ổn định. Con đường vào đại học của Duy mù mịt.

Duy nghỉ học lên TP.HCM tìm việc. Hàng ngày, Duy bán hàng cho gian hàng túi xách. Tối về Duy ghi danh học thêm Anh văn ở các trung tâm ngoại ngữ. Cứ thế được vài năm, có người giới thiệu cho Duy vào làm phục vụ ở nhà hàng. Làm nhà hàng không còn thời gian để học Anh văn nhưng Duy có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài, nhờ vậy trình độ ngoại ngữ ngày càng khá hơn.

Chị Thúy Duy cho bệnh nhân uống thuốc.

Cùng lúc này, người cậu ruột của Duy (ở Australia) biết chuyện động viên Duy cố gắng thi chứng chỉ ngoại ngữ IELTS với điểm số cao sẽ bảo lãnh cho Duy sang Australia tiếp tục học đại học. Hi vọng lóe sáng, con đường tương lai rộng mở, Duy cố gắng làm việc để có thu nhập nuôi bản thân, trang trải tiền nhà, tiền học. Không từ nan bất cứ một công việc gì, miễn đem lại cho mình nguồn thu nhập ổn định, Duy đã làm bất kể ngày đêm. Ngày thi đã đến, Duy hăm hở đi thi. Thúy Duy đạt điểm số 5.5, đủ tiêu chuẩn để xuất cảnh du học. Tháng 10/2006, Duy đến Australia...

Mồ hôi và nước mắt ở xứ người

Câu chuyện đến đây tạm dừng. Duy cùng tôi đi đón con. Vừa cầm lái, Duy vừa kể: "Ở Australia bằng lái xe rất quan trọng. Cháu phải thi mấy lần vừa lý thuyết vừa thực hành mới lấy được bằng lái. Có bằng lái mới nghĩ tới chuyện sắm xe". Duy đưa tôi qua những con đường rợp bóng hàng cây, những cụm rừng hoang sơ, những hồ nước trong xanh. Đường vắng, xe chạy chậm, Duy kể tiếp...

Duy (mũi tên) và nhóm bạn cùng học Anh văn (2007).

Ngày mới đến Australia, Duy được cậu cho ăn ở tại nhà và giúp cho tiền học. Duy phải học thêm tiếng Anh hoàn chỉnh mới có thể học đại học. Mỗi khóa học mất 3.000 đô Australia. Suốt thời gian ở nhà cậu, Duy chứng kiến cậu và mợ làm việc suốt ngày. Công việc của 2 người không trùng nhau, khi có cậu thì thiếu mợ và ngược lại. Chỉ có những ngày nghỉ cả gia đình mới sum họp. Cậu mợ làm việc rất vất vả nhưng thu nhập cũng chỉ vừa đủ cho cả nhà. Sự có mặt của Duy trong gia đình có thể là gánh nặng.

Trước tình cảnh đó, Duy suy tính mình phải tự lập mới có thể phát triển cuộc sống. Ở với cậu được 10 tháng, Duy xin phép được ra ngoài sinh sống như bao sinh viên xa nhà khác. Duy thuê một phòng trọ, tìm kiếm việc làm thêm trong những giờ rảnh rỗi.

Duy tiếp tục theo học khóa tiếng Anh. Tiền học đối với Duy lúc này là quá lớn. Giờ nào học thì học, thời gian rảnh rỗi, Duy lao vào công việc.

Ngay từ mờ sáng, Duy đến ngay địa điểm để đảm nhận một chân bán bánh mì. Công việc này được trả thù lao 11$/giờ. Duy rất siêng năng cần mẫn trong công việc.

Ngày tốt nghiệp của Thúy Duy.

Nghỉ hè, Duy xin một chân phục vụ tại nhà hàng. Ngoài bưng bê, dọn dẹp Duy còn đảm nhận nhiều công việc khác như pha chế cà phê. Vì thế thay vì 12$/giờ như những người khác, Duy được thanh toán đến 15$.

Trong giờ làm, người lao động ở Australia làm việc luôn tay. Hết việc này đến việc khác không có một khoảng thời gian nào để riêng tư. Những du học sinh không quen lao động khó tìm được một việc làm vừa sức. Nhờ quen lao động từ nhỏ, Duy không những không thấy vất vả mà ngược lại công việc làm cho Duy phấn chấn hơn.

Nhờ vậy, Duy thanh toán được tiền phòng trọ 95$/tuần, tiền học, tiền ăn hàng ngày và các chi phí khác.  

Tốt nghiệp khóa tiếng Anh với điểm số cao, Duy phấn đấu vào lớp dự bị đại học. Công việc để nuôi thân trước mắt và học hành đảm bảo tương lai đã làm cho Duy trở nên tất bật hơn.

Bằng tốt nghiệp Anh văn (Ảnh: NVCC)

Dường như Duy không có thời gian để nghỉ. Nhiều bạn đồng khóa, những du học sinh Việt Nam nhìn Duy thán phục. Từ con số không, từ 2 bàn tay trắng nơi đất khách quê người, Duy vẫn mạnh dạn đứng lên tiến về phía trước...Thời gian sau, Duy nghỉ việc tại nhà hàng, ký hợp đồng với một công ty chuyên về giúp việc gia đình. Duy lao vào công việc mới bằng tất cả những hăng say của mình để nhận khoảng thu lao cao hơn các công việc đã làm. Năm 2008, Duy vào học tại trường đại học QUT - một trong những trường đại học danh tiếng của Australia - với ngành học y tá. Chương trình học chỉ 3 năm tốt nghiệp nhưng với Duy phải 4 năm bởi những vất vả và gian khổ. Rồi Duy ra trường được nhận vào làm việc tại viện dưỡng lão như hiện nay.

Thành công của Duy rất xứng đáng bởi phải tốn khá nhiều mồ hôi lẫn nước mắt mới có được.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 28/07/2018   

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/nuoc-mat-va-nu-cuoi-cua-co-gai-mo-coi-viet-nam-tren-dat-uc-466386.html

Bài liên quan
  • Inala, chợ người Việt ở Brisbane (Úc)
    Tại một khu chợ ở Australia, giá cả được niêm yết, người mua không phải trả giá. Có lẽ nơi đây thành ngữ "hàng tôm hàng cá" như ở Việt Nam không còn giá trị bởi họ mua bán theo nhu cầu, không chèo kéo, không chặt chém.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Gian nan bước đường lập nghiệp trên đất khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO