Bài 1: Cái chết bi thương của 'nữ hoàng vũ trường' nức tiếng Sài Gòn

Trần Chánh Nghĩa| 05/05/2023 07:00

Sở hữu nhan sắc quyến rũ làm say đắm biết bao chàng trai, sống cuộc đời nhung lụa nhưng cuối đời, mỹ nữ nổi tiếng này lại bỏ thân nơi đất khách quê người trong tình trạng nghèo khổ, bệnh tật.

Tôi gặp ông ngay trước cổng chùa Tam Bảo (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) vào một buổi sáng. Trên tay ông, một xấp vé số khá dày. Trước mong muốn được biết về câu chuyện về một người phụ nữ mù bán vé số của tôi, ông gật đầu và nói: "Anh có đủ kiên nhẫn chờ tôi bán hết xấp vé số này không? Nếu được tôi sẽ kể cho nghe...".

Đám ma ở xóm nghèo

Quá trưa, tờ vé số cuối cùng trên tay ông không còn nữa. Ông nở nụ cười bước vào quán - nơi tôi đang ngồi đợi ông. 

Ông bắt đầu kể: "Cách nay khá lâu, tôi không còn nhớ rõ là năm nào, trong xóm xuất hiện người phụ nữ đứng tuổi, mù lòa. Với cây gậy trong tay, bà mò mẫm từng bước hàng ngày cùng chúng tôi bán vé số chung quanh các ngôi chùa, nhưng điểm chính vẫn là chùa Tam Bảo này. Thú thật với anh, tôi chưa từng một lần dám nhìn thẳng vào mặt bà. Bà có vóc dáng cao ráo nhưng gương mặt bà đầy những vết sẹo lồi lõm. Đôi mắt bà đã mù, có một bên bị lồi ra. Lúc mới đến, bà đắt theo một đứa con trai nhưng khoảng vài năm sau không ai thấy nó nữa...

Bà sống khép kín. Có lần trò chuyện với bà, nghe giọng nói lơ lớ, tôi mới biết bà người Bắc vào miền Nam đã lâu. Bà cứ sống như thế, một thân một mình. Ban ngày đi bán vé số, tối về nhốt kín trong phòng và ít ai biết được bà sống ra sao trong đó. Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua. Bà vẫn lam lũ và sống lủi thủi một mình. Những lúc trái gió trở trời không đi bán được thì nằm vùi ở nhà. Có lần, những người cùng cảnh ngộ thấy vậy lo lắng không biết bà thế nào. Họ vào phòng thấy bà nằm im, người sốt cao nên vội vàng hô hoán mọi người vào giúp bà. Sau nhiều lần như vậy, cho đến một hôm vào đầu năm 2013 bà trở bệnh rất nặng. Sự giúp đỡ của những người chung quanh chỉ có giới hạn vì ai cũng nghèo. Bà trút hơi thở cuối cùng. Chung quanh bà, không một người thân thích...".

Ông kể tiếp: "Bà mất. Những người bạn đồng cảnh ngộ như bà đã vận động quyên góp mua cho bà một chiếc áo quan rẻ tiền để tẩm liệm. Trong lúc lục lọi trong mớ hành lý của bà để lại, mọi người phát hiện một tấm hình khổ lớn đã cũ có chỗ bong tróc. Trong hình, một cô gái đôi mươi rất đẹp cạnh người đàn ông lịch lãm.

Vũ nữ Cẩm Nhung sau khi bị tạt axit phải sống cuộc đời nghèo khổ, lang thang bán vé số. (Ảnh Internet).

Tấm hình đã gợi cho tôi nhớ lại câu chuyện ngày xưa. Đã hơn 50 năm trôi qua, không ngờ con người ấy bây giờ lại ở cạnh chúng tôi và khi từ giã còi đời cũng chính chúng tôi tiễn bà đi. Bà là vũ nữ Cẩm Nhung, nạn nhân vụ tạt axit vì ghen tuông trong đêm 17/7/1963 tại Sài Gòn.

Bà ra đi, tài sản không còn gì. Không một người thân nào tiễn bà mà chỉ có những mảnh đời bất hạnh, vất vưởng đưa bà về nơi chín suối. Mộ phần của bà hiện nay chắc không còn vì khi chôn chỉ là một nấm mồ đất. Năm tháng trôi qua không người thăm viếng, khói nhang, nấm mồ đất kia có lẽ đã sụt dần và không còn ai nhớ đến nữa....

Một kiếp hồng nhan

Vụ việc xảy ra đã lâu và hậu quả cuối cùng thật thê thảm. Những người có liên quan trong vụ việc không biết bây giờ họ sống ra sao, lương tâm có cắn rứt không? Đến giờ phút này vẫn chưa ai biết được điều này vì không còn ai nhắc đến nữa. Chỉ biết rằng người gây ra thảm họa cho bà Cẩm Nhung đã lui về nương chốn thiền môn để sám hối tội lỗi do mình gây ra...".

Chùa Tam Bảo, nơi Cẩm Nhung thường lui tới vào lúc cuối đời để bán vé số. (Ảnh Internet).

Dứt lời ông già bán vé số uống cạn ly bia, tất tả đi lấy vé bán cho ngày mai. Bên ngoài, trời đang về chiều. Câu chuyện về cô vũ nữ Cẩm Nhung cứ làm tôi day dứt.

Cẩm Nhung sinh năm 1940, người Hà Nội. Bỏ quê hương theo gia đình di cư vào Nam năm cô vừa lên tuổi 15. Cuộc sống nơi miền đất lạ chưa kịp quen thì cha cô qua đời. Gia đình giờ đây chỉ còn lại 3 phụ nữ: mẹ, bà vú và Cẩm Nhung, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. 

Mẹ Cẩm Nhung một mình bươn chải để cho con có điều kiện tiếp tục việc học. Thế nhưng, lúc này Cẩm Nhung đã trổ mã như một thiếu nữ, tự thấy mình cần góp một chút công sức để mẹ vơi đi nhọc nhằn. Cẩm Nhung bỏ học xin một chân phục vụ bưng bê cho một nhà hàng ca nhạc. Chính nhờ môi trường này, cô có dịp tiếp xúc với những điệu nhạc, điệu nhảy. Chẳng mấy chốc sau đó, cô trở thành gái nhảy chuyên nghiệp vừa kịp với cao trào nhảy đầm đang bộc phát mãnh liệt tại miền Nam. Lúc này Cẩm Nhung bước vào tuổi 19. Sở hữu nhan sắc quyến rũ, cô làm say đắm biết bao chàng trai hàng đêm đến vũ trường. Nhờ vào nhan sắc trời cho, Cẩm Nhung mạnh dạn bước chân vào thế giới đèn màu mà không cần dựa vào sự quen biết nào. Vũ trường đầu tiên Cẩm Nhung hoạt động là Grand Mond cạnh sòng bài Đại Thế Giới tại Chợ Lớn. Sau đó, sòng bài bị xóa sổ, chỉ còn lại vũ trường Grand Mond.

Khu vực Đại Thế Giới nơi trước đây có vũ trường Grand Mond

Grand Mond là một vũ trường lớn nhưng không thể cạnh tranh nổi với vũ trường Kim Sơn ngay trung tâm Sài Gòn. Vì thế, tháng 7/1958, Cẩm Nhung đã về đầu quân nơi đây.

Vũ Trường Kim Sơn nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Khu vực này ngoài Kim Sơn còn có nhiều vũ trường khác nhưng khách nhảy vẫn chuộng Kim Sơn hơn, bởi nơi đây qui tụ khá nhiều vũ nữ trẻ trung, xinh đẹp.

Theo một vài tài liệu còn lưu truyền tại Kim Sơn, trước khi Cẩm Nhung về đầu quân, nơi đây đã có một gái nhảy khá xinh. Sắc đẹp của cô làm xiêu lòng nhiều chàng trai và lượng khách đeo bám không phải ít. Vậy mà khi có sự xuất hiện của Cẩm Nhung, vị trí độc tôn của cô này lập tức bị lu mờ. Chính cô gái nhảy này đã cảnh giác Cẩm Nhung bằng một câu nói: "Nhan sắc quá đẹp, quá ăn khách đối với gái nhảy là con dao 2 lưỡi. Em phải cẩn thận trong các mối quan hệ để đề phòng những tình huống không hay".

Lời cảnh tỉnh đó đã không làm cho Cẩm Nhung chùn bước, để rồi không lâu sau đó, hậu quả thê thảm đã xảy ra. Cô bị đánh ghen bằng một ca axit sunfuric đậm đặc tàn phá nhan sắc và sức khỏe của cô.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 07/10/2016   

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/vu-nu-cam-nhung-nu-hoang-vu-truong-nuc-tieng-sai-gon-332587.html

Bài liên quan
  • Về xóm lồng đèn nhớ. . . những "người muôn năm cũ"
    Hàng năm, cứ sau rằm tháng 7, xóm đạo ấy trở nên nhộn nhịp. Kẻ bán người mua tấp nập tạo nên một hoạt cảnh huyên náo đến lạ thường. Chúng tôi muốn nói đến khu vực giáo xứ Phú Bình (P.5 Q. 11 TP.HCM), một nơi chuyên sản xuất lồng đèn thủ công vào mỗi dịp Trung thu. Nhưng rồi thì . . . mỗi năm mỗi vắng.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Cái chết bi thương của 'nữ hoàng vũ trường' nức tiếng Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO