Những ngày đầu của Chợ Lớn
Năm 1644 tại Trung Hoa, nhà Thanh lật đổ hoàn toàn nhà Minh. Một số người nhà Minh đã rời bỏ quê hương xuôi về phương Nam...
Tháng giêng năm 1679, hai tướng cũ của nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đã đem 3.000 quân cùng 50 chiến thuyền cập bến Đà Nẵng, xin thần phục nhà Nguyễn.
Một đoạn phố sầm uất vẫn còn mang dáng dấp người Hoa trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM)
Chúa Nguyễn lúc bấy giờ là Nguyễn Phúc Tần không nỡ cự tuyệt, đã đưa họ đến vùng Đông Phố để cư trú, khai khẩn và làm ăn.
Dương Ngạn Địch tiến quân vào cửa Soài Rạp, đến đóng quân ở Mỹ Tho. Trong khi đó, Trần Thượng Xuyên đi theo cửa Cần Giờ để đến Biên Hòa. 2 đạo binh người Hoa này vỡ đất hoang, dựng phố xá, tạo nên một vùng đất trù phú.
Cánh quân của Trần Thượng Xuyên trú ở Cù lao Phố (Biên Hòa) đã tiến hành khai khẩn vơi quy mô lớn. Chẳng bao lâu, vùng đất hoang sơ này đã trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định, tức Nam bộ ngày nay.
Sự phồn thịnh của Cù lao Phố kéo dài không lâu. Năm 1776, dưới ảnh hưởng của chính sách mới của nhà Tây Sơn, người Hoa bỏ đi rất nhiều.
Bưu điện Chợ Lớn, nơi ngày xưa là Chợ Lớn cũ
Những người còn lại tìm đến vùng Chợ Lớn sinh sống, lập cơ sở mới làm ăn, buôn bán. Kể từ đó, Cù lao Phố đánh mất vai trò là trung tâm thương mại, thay vào đó là Chợ Lớn. Tại Chợ Lớn, lúc bấy giờ có tên là Đề Ngạn, đã có một làng Minh Hương nhưng chưa được sôi động lắm. Chỉ khi số người từ Cù lao Phố chạy về, khu vực Đề Ngạn mới trở nên đông đúc.
Người Hoa bắt đầu lập chợ tại nơi họ cư ngụ để trao đổi hàng hóa. Chợ của người Hoa lúc bấy giờ (khu vực bưu điện Chợ Lớn ngày nay) so với chợ người Việt mà điển hình là chợ Tân Kiểng có lớn hơn nên được gọi là Chợ Lớn. Từ đó, cả khu vực có người Hoa sinh sống đều được gọi là Chợ Lớn. Người Hoa sống không thể tách rời nhau. Họ quây quần thành một quần thể để có điều kiện giúp đỡ, nương tựa nhau.
Chợ Lớn hôm nay
Năm 1865, thành phố Chợ Lớn được thành lập bao gồm quận 5, quận 6 ngày nay và vùng đất dọc theo kênh Tẻ nơi có đông người Hoa sinh sống. Đến năm 1879, Le Myre de Vilers, Thống đốc Nam Kỳ, ra nghị định công nhận thành phố Chợ Lớn (ville de Cho Lon) là đô thị loại 2 (municipalité de 2è classe), ngang cấp tỉnh. Thành phố Chợ Lớn này lại nằm trong tỉnh Chợ Lớn nhưng là đơn vị hành chánh độc lập không phụ thuộc tỉnh.
Hội quán Hà Chương trên đường Nguyễn Trãi là một trong nhiều hội quán của người Hoa tại Chợ Lớn
Thuở ấy, giữa Sài Gòn và Chợ Lớn vẫn "đò ngang cách trở". Giữa 2 nơi là ruộng lúa, ao nuôi vịt... Năm 1882, tuyến đường xe điện đầu tiên ở Việt Nam nối Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu hoạt động, năm 1916 người dân trải đá ong xây dựng đường Galliéni, nay là Trần Hưng Đạo, 2 vùng mới giao thương nhiều hơn. Năm 1930, Sài Gòn và Chợ Lớn chính thức "gặp" nhau tại điểm nay là đường Nguyễn Văn Cừ. Một năm sau, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Sau 1954, tỉnh Chợ Lớn bị nhập vào Gia Định và Long An, riêng thành phố Chợ Lớn nhập với Sài Gòn cho đến ngày nay. Người Hoa có mặt tại Chợ Lớn ngay từ lúc vùng đất này còn hoang sơ. Họ miệt mài lao động, đổ mồ hôi đổi lấy bát cơm. Trong số đó, có những người từ đôi bàn tay trắng tạo nên sự nghiệp to lớn. Họ góp phần tạo cho Chợ Lớn có diện mạo trù phú, sầm uất như hôm nay.
Một trong những bí quyết thành công của người Hoa là họ sống thành những cộng đồng, chung tay giúp nhau những lúc cần thiết. Những hội quán của người Hoa như Hà Chương, Ôn Lăng, Nghĩa An, Nhị Phủ, Sùng Chính là nơi tập hợp những người có cùng quê quán. Họ thường xuyên gặp nhau để thăm hỏi, đỡ đần nhau...
Những nhân vật người Hoa đã thành công một cách nổi bật sẽ được chúng tôi đề cập ở bài viết sau.
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 10/02/2017
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/bi-quyet-giau-nut-vach-cua-nguoi-hoa-o-sai-gon-355567.html#inner-article