Bác sĩ U23 Việt Nam và sự hy sinh thầm lặng nơi hậu phương

PHƯƠNG TRANG| 27/02/2022 15:00

Thành công của U23 Việt Nam ở vòng chung kết U23 Đông Nam Á có sự đóng góp và những hy sinh thầm lặng từ các bác sĩ, những người không ngại xông pha dù gặp những đối thủ vô hình như COVID-19.

Hành trình chưa từng có trong đời

Khi mà U23 Việt Nam đang ngập tràn trong "men say" chiến thắng, bác sĩ Dương Tiến Cần không giấu nổi hạnh phúc: "Tôi hơi buồn vì không được ra sân trong trận chung kết, nhưng tôi và các cầu thủ đang là F0 sẽ tổ chức liên hoan riêng, F0 liên hoan cùng F0. Thú thực, suốt cuộc đời làm nghề, tôi đi từ SEA Games, ASIAD rồi Olympic nhưng cũng chưa từng được trải nghiệm giải đấu kì lạ như thế này".

Anh Cần hồi tưởng những cột mốc đặc biệt ở giải đấu lần này. U23 Việt Nam thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch và toàn đội đã an toàn cho đến ngày 17.2. Một số ca rối loạn tiêu hoá và sốt dù có kết quả âm tính trước đó. Sau đó, đến ngày 18.2, có đến 6 người có kết quả dương tính và lập tức được cách ly nghiêm ngặt.

 
Bác sĩ Dương Tiến Cần đồng hành cùng U23 Việt Nam tại giải U23 Đông Nam Á 2022. Ảnh: VFF

"Tôi đưa ra dự đoán dịch COVID-19 có thể bùng phát nghiêm trọng hơn ở đội nên cố gắng làm chậm sự lây lan bằng việc cách ly. Đến ngày 20.2 trở đi, số ca nhiễm cứ thế tăng lên.

Bản thân tôi trước trận đấu gặp U23 Timor Leste cũng mắc COVID-19 sau nhiều ngày chăm sóc trực tiếp các F0. Tôi trực tiếp nhận việc điều trị cho các cầu thủ, làm sao để cầu thủ có thể trở lại nhanh nhất. Đến tối ngày 25 thì có 5 bạn âm tính đủ điều kiện ra sân", anh Cần kể lại.

Vị bác sĩ vẫn kịp đùa: "Tôi có kết quả test nhanh âm tính nhưng xét nghiệm PCR vẫn dương tính. Có 5 người trở lại nên tất cả rất phấn khởi, nhưng tiếc là không có tôi, thế là vẫn lỡ trận chung kết. Các em cầu thủ cứ vừa trêu vừa động viên tôi".

Vợ tự vượt cạn, chỉ biết chồng mắc COVID-19 qua truyền hình

Ít ai biết rằng, để có mặt ở giải đấu lần này, bác sĩ Dương Tiến Cần đã phải cân nhắc rất nhiều bởi vợ anh sắp "vượt cạn", đúng vào thời điểm cuối tháng 2.

Thực tế, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tạo điều kiện để anh Cần có thể lựa chọn đi hoặc không đi. Nhưng chính vợ là người đã động viên anh lên đường làm nhiệm vụ khi đang trực tiếp theo dõi sức khoẻ của nhiều cầu thủ trong thời gian dài.

Chị Lại Thuỳ Châm, vợ anh Cần cũng hạ sinh con thứ 3 và vẫn có thể chăm sóc 2 cậu con trai lớn. Trong đó, "cậu cả" của gia đình dù còn khá nhỏ tuổi nhưng có thể phụ giúp việc nhà, nấu cơm và chăm sóc em mình.

Bác sĩ Dương Tiến Cần từng nhiều lần cùng các đội tuyển quốc gia dự SEA Games, ASDIA và Olympic. Ảnh: FBNV
Bác sĩ Dương Tiến Cần từng nhiều lần cùng các đội tuyển quốc gia dự SEA Games, ASIAD và Olympic. Ảnh: FBNV

Anh Cần xúc động: "Vợ tôi ở nhà phải lo cho 2 con và còn sắp sinh cháu thứ 3. Nhưng đúng ngày vợ tôi sinh con thì tôi mắc COVID-19 nên tôi giấu. Ở trận đấu bán kết, tôi không ra sân làm nhiệm vụ nên mọi người trong gia đình đã nghi ngờ, tôi bảo là tôi đau chân.

Đến khi có nhiều thông tin về tôi thì tôi mới thú thực với gia đình là mắc COVID-19. Tôi không muốn vợ và bố mẹ lo lắng bởi cũng có nhiều người bị các vấn đề hậu COVID".

Chuyên gia sinh năm 1984 "ứa nước mắt" khi chứng kiến cảnh các cầu thủ di chuyển bằng đường bộ sang Campuchia rồi lập tức vào sân thi đấu mà không kịp ăn uống gì. Khi ấy, tinh thần dân tộc dâng lên rất cao, thôi thúc mỗi thành viên trong đội tuyển phải nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn.

Ngay cả khi mắc COVID-19, bác sĩ Dương Tiến Cần vẫn làm công tác y tế bằng các phương tiện online. Anh trực tiếp điều trị các F0 và xử lý vấn đề chấn thương, thể lực của cầu thủ bằng biện pháp y học và cả tác động tâm lý.

"Niềm tin của các vận động viên chính là sự tự hào của nghề y học thể thao chúng tôi. Cuối cùng, đây cũng là giải đấu thành công. Còn cá nhân tôi, giờ tôi chỉ mong về nhà thật nhanh để gặp con", bác sỹ Dương Tiến Cần nói về điều ước giản đơn của mình.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ U23 Việt Nam và sự hy sinh thầm lặng nơi hậu phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO