Hội chứng hậu COVID-19 là gì?
Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Nhi khoa Hà Đình Bổng - thành viên hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà cho biết - theo WHO, hội chứng hậu COVID-19 là tình trạng xảy ra ở người có tiền sử nhiễm COVID-19 với các triệu chứng ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán khác. Nó có thể khiến sức khỏe người bệnh suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.
Bác sĩ Hà Bổng cũng cho biết, các nghiên cứu cho thấy 33-76% triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện, 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất hiện.
Đặc biệt, nghiên cứu tại Anh ước tính có 12,5% trẻ từ 2-11 tuổi và 14,5% trẻ từ 12-16 tuổi vẫn có các triệu chứng 5 tuần sau khi nhiễm bệnh.
Đối tượng nào có thể bị hậu COVID-19?
Hội chứng hậu COVID-19 gặp cả ở trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ và thậm chí không có triệu chứng.
Theo đó, các triệu chứng xuất hiện trong đợt nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể kéo dài rất lâu. Đôi khi, các triệu chứng có thể xuất hiện muộn hơn sau khi có kết quả test âm tính. Hoặc với trẻ không có triệu chứng khi nhiễm COVID-19, các triệu chứng cũng có thể xuất hiện vài tuần sau đó.
Nguyên nhân của hội chứng hậu COVID-19 là gì?
Theo bác sĩ Nhi khoa Hà Đình Bổng, hiện nay chưa xác định được nguyên nhân của hội chứng hậu COVID-19. Theo đó, một số giả thuyết được các chuyên gia trên thế giới đề cập là do giảm hoặc thiếu phản ứng từ hệ thống miễn dịch; Tái phát hoặc tái nhiễm virus; Viêm hoặc phản ứng từ hệ thống miễn dịch; Suy nhược, thay đổi về thể chất do nghỉ ngơi trên giường hoặc không hoạt động; căng thẳng sau chấn thương,...
Một số hậu quả có thể gặp ở hội chứng hậu COVID-19
Các triệu chứng báo hiệu tình trạng hậu COVID-19
Có khoảng 200 triệu chứng liên quan hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân nặng từng phải điều trị hồi sức tích cực.
Theo đó, các vấn đề về COVID-19 thường ảnh hưởng đến phổi nên các triệu chứng về hô hấp kéo dài rất thường gặp như đau ngực, ho và khó thở hơn khi vận động; đau họng, khạc đờm, hụt hơi, thở mạnh,... Các triệu chứng có thể kéo dài 3 tháng hoặc hơn.
Ngoài ra, trẻ có thể gặp các vấn đề về tim mạch như viêm cơ tim, suy tim với các biểu hiện như đau ngực, hồi hộp trống ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, nhịp tim không đều và mệt mỏi.
COVID-19 có thể ảnh hưởng thần kinh nặng nề (đột quỵ, viêm não) với tỉ lệ rất thấp. Ở trẻ có thể gặp tình trạng giảm chú ý, rối loạn hành vi, lời nói, vận động và tâm trạng. Mệt mỏi tinh thần, "sương mù não" - suy nghĩ, tập trung hoặc trí nhớ bị giảm sút.
"Con của bạn sẽ có những biểu hiện như đãng trí, mất tập trung, khó chú ý, đọc chậm hơn, tư duy ngắt quãng và cần lặp lại nhiều hơn trong khi học. Trẻ dễ mệt mỏi và sức chịu đựng kém hơn. Trẻ nhức đầu, rối loạn giấc ngủ,..." - bác sĩ Đình Bổng nói.
Hội chứng hậu COVID-19 chẩn đoán thế nào?
Bác sĩ Nhi khoa Hà Đình Bổng cho biết, không có xét nghiệm cụ thể nào giúp chẩn đoán hậu COVID-19, mà chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Theo đó, các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ có triệu chứng bất thường, đặc biệt là các triệu chứng kéo dài trên 3 tháng, phụ huynh cần hỏi ý kiến từ các bác sĩ Nhi khoa để được thăm khám và loại trừ các bệnh khác có thế gặp ở trẻ.
Khi nào khám hậu COVID-19 cho trẻ?
Theo các bác sĩ, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám hậu COVID-19 khi trẻ có bệnh lý nền; trẻ có bất kỳ triệu chứng nặng nào sau nhiễm COVID-19; trẻ có các triệu chứng nhẹ kéo dài gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Điều trị hậu COVID-19 như thế nào?
Các phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện và phục hồi chức năng. Khi có các triệu chứng bất thường cần liên hệ bác sĩ hỗ trợ, đánh giá các triệu chứng có cần đi khám hay chăm sóc và theo dõi tại nhà.
Với các triệu chứng nhẹ, có thể theo dõi và điều trị tại nhà. Theo đó, điều trị tại nhà bao gồm: Dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như Acetaminophen (Paracetamol) để giảm các triệu chứng đau và sốt.
Ngoài ra, nên nghỉ ngơi và thư giãn. Tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh. Có giấc ngủ chất lượng. Hạn chế rượu bia, caffeine và không hút thuốc. Đồng thời, tập các bài tập thở và vật lý trị liệu theo hướng dẫn.