Bác sĩ nha khoa nói gì về thói quen xỉa răng bằng tăm tre của người Việt?

HƯƠNG GIANG| 02/10/2022 11:54

Không ít người Việt có thói quen xỉa răng bằng tăm tre hoặc vật sắc nhọn. Đây có hẳn là phương pháp làm sạch răng tốt nhất hay không?

Bác sĩ nha khoa nói gì về thói quen xỉa răng bằng tăm tre của người Việt?
Bác sĩ nha khoa khám và điều trị cho người bệnh. Ảnh: Hương Giang

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bác sĩ Nguyễn Hoàng Dương - Giám đốc chuyên khoa cấy ghép implant và phục hình răng trong miệng Lạc Việt Intech cho rằng:

Những thói quen dễ dẫn tới viêm nha chu bao gồm từ thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày có được kĩ lưỡng đều đặn, đúng cách hay không.

"Không ít bệnh nhân của tôi là những người có thói quen dùng tăm xỉa răng rất kĩ sau mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, thói quen dùng tăm để xỉa răng chọc hàng ngày gây viêm nhiễm nướu lợi, sưng nề dẫn tới tăng tiết dịch tạo điều kiện vi khuẩn phát triển. Vi khuẩn phát triển lại dễ viêm nhiễm nướu lợi, tức sẽ tạo thành một vòng xoắn bệnh lý"- bác sĩ Dương nói. 

Theo bác sĩ, việc dùng tăm tre, vật sắc nhọn để xỉa răng làm các răng dễ bị tách ra khiến cho thức ăn dễ bị dắt lại. Càng nhồi nhét thức ăn lại càng dễ làm cho vi khuẩn phát triển. Hơn nữa, việc lấy cao răng định kỳ 3-6 tháng không được duy trì.

"Bản chất của cao răng được tạo lên bởi phốt phát và canxi, có trong đồ ăn, nước bọt tiết ra hàng ngày. Bởi vậy mà ai cũng có cao răng dù đánh răng kỹ đến mấy vẫn hình thành"- bác sĩ Dương phân tích.

Theo bác sĩ, cao răng có cả ở trên lợi và ở dưới rãnh lợi. Những cao răng ở trên dễ nhìn thấy nhưng dưới rãnh lợi chui rúc sâu thì người bệnh phải đi khám. Những cao răng này càng sâu càng khiến cho vi khuẩn phát triển mạnh dễ gây tiêu xương.

Bác sĩ cho hay các bệnh lý dẫn tới tình trạng mất răng phổ biến nhất là viêm nha chu. Tình trạng mất răng ở người Việt phần lớn là do hệ thống mất cân đối cân bằng vi khuẩn răng miệng dẫn tới các vi khuẩn có hại gây tiêu xương tăng phát triển đột biến làm cho xương của mình bị tiêu đi, lợi bị sưng nề dẫn tới việc dù răng vẫn tốt, nguyên dạng nhưng lung lay dần, sau đó rụng ra ngoài.

"Việc này có thể kiểm soát bằng việc tăng cường vệ sinh răng miệng, lấy cao răng định kỳ để kiểm soát vấn đề vi khuẩn răng miệng"- bác sĩ nói.

Thứ 2 là các bệnh lý toàn thân như bệnh lý tiểu đường gây lượng đường huyết cao dẫn tới viêm nhiễm, viêm nề do hệ thống vi khuẩn răng miệng mất cân đối. Ngoài ra thì có tình trạng sâu răng do thói quen vệ sinh kém, hành động quá thô bạo như nhai xương, vấn đề chấn thương…

Bác sĩ cảnh báo, đối với những người mất răng như vậy tốt nhất nên đi trồng lại răng, phục hồi răng trong thời gian vàng. Bởi sau 6 tháng thì quá trình tiêu xương rất mạnh. Thứ 2, trong trường hợp mất nhiều răng liên tục cần làm cầu implant.

Những người mất răng lâu ngày ngoài bị tiêu xương, tiêu lợi thì dẫn tới tình trạng xô lệch khớp cắn. Thời gian vàng để điều trị rụng răng nên trong 3 – 6 tháng từ thời điểm mất răng.

Với những trường hợp lâu ngày quá đã dẫn tới tiêu xương, tiêu lợi sẽ phải chụp phim khảo sát, đo đạc lại về xương, tình trạng mô mềm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ nha khoa nói gì về thói quen xỉa răng bằng tăm tre của người Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO