Bác sĩ nghỉ việc: Mệt mỏi vì phải chạy chỉ tiêu như nhân viên kinh doanh

Thùy Linh| 08/04/2022 18:49

Nếu ngành y tế không sớm có những thay đổi, có chính sách hiệu quả nhằm "giữ chân" bác sĩ thì gánh nặng về thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ đè nặng lên các bệnh viện công, gây ra hệ lụy lớn, mà thiệt thòi trước hết chính là người bệnh.

Phòng khám tư trả lương "cao gấp đôi" bệnh viện công

Bác sĩ N.M.Đ là bác sĩ đa khoa, đã có nhiều năm công tác tại một bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên địa bàn Vĩnh Phúc vừa đi đến một quyết định khiến nhiều người tiếc nuối. Đó là nghỉ việc. Một số bệnh nhân bất ngờ, họ gọi điện, nhắn tin tìm kiếm anh, tỏ sự tiếc nuối khi biết tin anh đã nghỉ việc.

"Bác sĩ đi là tổn thất lớn của bệnh nhân rồi. Hôm nay tôi đến lấy thuốc mà không thấy bác sĩ đâu. Các bác, các chú cũng tiếc anh quá. Bây giờ bác sĩ đi đâu, cho chúng tôi đi theo chữa bệnh?" - đọc những dòng tin nhắn của người bệnh, bác sĩ Đ rơi nước mắt.

Trò chuyện với phóng viên, bác sĩ Đ không muốn chia sẻ nhiều về nơi làm việc cũ, vì đó cũng là nơi anh gắn bó nhiều năm. Các đồng nghiệp, các bệnh nhân cũng đã từng khiến cho anh phải suy nghĩ, trăn trở khi rời đi.

Thế nhưng, có những lý do khiến anh quyết tâm thay đổi. "Lương thấp, không tương xứng với sức lao động mà tôi phải bỏ ra. Bản thân tôi 1 đêm phải trực nhiều khoa, nhiều bệnh nhân, công việc rất vất vả. Hơn nữa, bệnh viện có những chính sách vô lý, khiến nhiều nhân viên y tế bất bình"- bác sĩ Đ chia sẻ.

Bác sĩ tâm sự: "Tôi đã xin ra khỏi viên chức, về làm thuê cho một phòng khám tư nhân ở gần nhà trả lương cao gấp đôi. Không chỉ được có lương cao hơn, đi làm gần nhà mà tôi có thể thực hiện mong muốn chăm sóc sức khỏe cho người thân và nhân dân trên quê hương mình".

Bác sĩ phải chạy chỉ tiêu như nhân viên kinh doanh

Bác sĩ N.H.H (Phú Thọ), người vừa xin nghỉ việc tại một bệnh viện công tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, chia sẻ ngoài nguyên nhân lương thấp, bị cắt giảm thì môi trường làm việc tại bệnh viện công còn hạn chế về phát triển chuyên môn đã khiến anh đi đến quyết định bỏ việc.

"Cùng khoa của tôi, có khoảng hơn chục bác sĩ. Từ tháng 10 năm 2021 đến nay đã có 5 người nghỉ việc. Hầu hết mọi người chuyển ra các bệnh viện tư hoặc các phòng khám"- bác sĩ H nói.

Nhiều cán bộ nhân viên y tế tham gia chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Nhiều cán bộ nhân viên y tế tham gia chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ H cho biết: Lương bác sĩ tính theo hệ số quy định của Nhà nước. Những ngày tháng các y bác sĩ đi chống dịch COVID-19 hỗ trợ các địa phương khác, họ cho biết không được bệnh viện chi trả lương nội bộ, theo lãnh đạo bệnh viện nói nguyên nhân là do không trực tiếp làm ở bệnh viện. Phụ cấp chống dịch cũng chưa được nhận hết. Theo quy định phụ cấp chống dịch được 180.000 đồng/ngày nhưng khi nhận chi trả phụ cấp thì chỉ được 18.000 đồng/ngày. Khi các bác sĩ phản ánh, lãnh đạo bệnh viện chỉ nói đó là khó khăn chung.

"Lương bác sĩ thấp hơn lương nhân viên hành chính"- bác sĩ H cho biết.

Tuy nhiên, bác sĩ H cho hay vấn đề lương không phải là nguyên nhân duy nhất khiến anh và các bác sĩ khác nghỉ việc.

"Bệnh viện tự chủ, áp lực về kinh tế khiến cho cơ chế hoạt động của bệnh viện thay đổi. Bác sĩ chúng tôi phải chịu "định mức" giống như nhân viên bán hàng đi bán sản phẩm vậy. Một tháng chúng tôi đạt chỉ tiêu có bao nhiêu bệnh nhân vào viện, bao nhiêu người nằm viện. Nói đúng ra là chúng tôi phải "khai thác" bệnh nhân để đáp ứng đủ chỉ tiêu được giao, nếu không đáp ứng được thì sẽ không đạt được tiêu chí xếp hạng thi đua hàng tháng"- bác sĩ H bức xúc nói.

Nhận thấy bệnh viện công không còn là một môi trường tốt để phát triển, bác sĩ H quyết định rời đi.

Bác sĩ Đ và bác sĩ H chỉ là 2 trong số rất nhiều bác sĩ bỏ bệnh viện công trong thời gian gần đây. Mức thu nhập không tương xứng với khối lượng công việc phải đảm nhận, trách nhiệm nặng nề đã khiến nhiều y bác sĩ nản chí. Đặc biệt là trong điều kiện thời gian vừa qua, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế phải tham gia chống dịch vất vả và còn ảnh hưởng nặng nề tới thu nhập.

Nếu ngành y tế không sớm có những thay đổi, có chính sách hiệu quả nhằm "giữ chân" bác sĩ thì gánh nặng về thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ đè nặng lên các bệnh viện công, gây ra hệ lụy lớn, mà thiệt thòi trước hết chính là người bệnh.

Bài liên quan
  • Thu nhập không đủ sống lại chịu áp lực cao, hàng loạt bác sĩ nghỉ việc
    Đồng Nai - Theo thống kê từ các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh trong năm 2021, đã có hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, thậm chí cả kế toán bệnh viện đã nộp đơn xin nghỉ việc. Nhiều người trong số đó đã chuyển sang các bệnh viện tư tại Đồng Nai hay TPHCM để tìm môi trường làm việc tốt hơn cùng với mức thu nhập cao hơn hẳn.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ nghỉ việc: Mệt mỏi vì phải chạy chỉ tiêu như nhân viên kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO