Gửi ý kiến cá nhân về Dân trí, có bạn đọc cho rằng, nói dối là sai và cần phê phán nhưng nói dối để được cống hiến, để được phục vụ và làm việc nơi bệnh dịch đang lây lan thì cũng chấp nhận được.
"Em này đã khai chỉ phát thuốc theo phác đồ điều trị của bộ y tế mà, đâu có ra y lệnh phác đồ điều trị gì đâu. Em này cũng đã học ngành y mà nhưng chưa đến nơi do điều kiện khó khăn em không thể tiếp tục. Nếu không có hậu quả thì tha cho em nó, dù sao em cũng làm được việc tốt", một người nêu quan điểm.
Tuy nhiên, quan điểm trên đã vấp phải đa số sự phản đối: "Tinh thần là tốt, nhưng người không có chuyên môn mà lại làm nhiệm vụ cứu chữa người bệnh thì vô cùng nguy hiểm, khi đó, cậu ta sẽ "cứu người" hay "hại người" cũng chưa biết được. Cần phải làm rõ chuyện này, công ra công mà tội phải ra tội".
"Y tá, trợ lý phòng mổ dù bao nhiêu năm kinh nghiệm đi nữa, cũng tuyệt đối không đụng vào dao mổ, dù cho nhiều kiến thức, kinh nghiệm, vì đó là những "lằn ranh" của nghề nghiệp. Chuyện sinh mạng con người, không phải đùa được mà cứ đưa lý do "tinh thần xung phong" để bào chữa. Bác sĩ là ngành học cực nặng, cả đầu vào đầu ra cũng đều khắt khe, để ra được một y lệnh dù là đơn giản cũng là kết quả của bao nhiêu năm đèn sách", quan điểm của một bạn đọc.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Pháp trị khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật. Theo thông tin ban đầu, có thể thấy rõ tội danh của Khiêm là giả mạo giấy tờ, hồ sơ; giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác.
Tuy nhiên, theo luật sư Lực, nếu sau quá trình xác minh và điều tra, cơ quan chức năng nhận thấy mục đích của Khiêm chỉ là để được làm tình nguyện viên chống dịch với những công việc lặt vặt, không đòi hỏi chuyên môn, thì chưa đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tội làm giả con dấu, tài liệu; giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác
Luật sư Lực cho rằng, với mục đích làm giả giấy tờ, hồ sơ của Khiêm để được vào khu cách ly Trường CĐ Điện lực TPHCM và thực hiện những công việc đòi hỏi chuyên môn cao với danh xưng "thạc sĩ - bác sĩ" thì đã có dấu hiệu của "tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức…", theo Điều 341 BLHS năm 2015.
Bên cạnh đó, việc Khiêm mạo danh là thạc sĩ, bác sĩ và thực hiện các công việc đòi hỏi phải có chuyên môn của bác sĩ, đây là hành vi có dấu hiệu của tội "giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác", theo Điều 339 BLHS.
Nếu hành vi làm giả giấy tờ, mạo danh của Khiêm để vào khu cách ly với động cơ vụ lợi, tìm cách lấy tiền của người bệnh thì chuỗi hành vi này mang đầy đủ bản chất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lúc này, Khiêm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng lúc hai tội: Tội làm giả giấy tờ và tội lừa đảo (Điều 174 BLHS) hoặc tội làm giả giấy tờ và tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác.
Hành vi giả mạo bác sĩ
Trong quá trình giả mạo bác sĩ, Khiêm được giao phụ trách chính khu điều trị chuyển đổi từ khu cách ly và ký các báo cáo, chẩn đoán, các văn bản chuyển tuyến... Vậy ngoài hành vi làm giả giấy tờ, giả mạo chức vụ thì hành vi giả mạo bác sĩ của Khiêm có thể đối diện tội danh nào dưới góc độ pháp lý?
Theo Luật sư Lực, trong vụ việc này, "bác sĩ Khiêm" là người không có thật, bởi mọi giấy tờ, hồ sơ của Khiêm để chứng nhận mình là bác sĩ đều là giả - nên Khiêm không phạm tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo Điều 315 BLHS.
Nếu trong quá trình giả mạo, "bác sĩ Khiêm" có hành vi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc… gây hậu quả chết người - cũng chưa thể quy hết trách nhiệm cho Khiêm được, bởi trong khu cách ly, điều trị Covid-19 còn có rất nhiều y bác sĩ thực thụ khác. Việc xác định Khiêm gây ra hậu quả cần phải được thực hiện theo một quy trình hết sức chặt chẽ.
Trách nhiệm liên đới của đơn vị tiếp nhận, phân công "bác sĩ Khiêm"
Để vào được khu cách ly, Nguyễn Quốc Khiêm đã có tên trong danh sách 8 sinh viên tham gia hỗ trợ do chính Đại học Y Dược TPHCM giới thiệu, chỉ từ một tấm ảnh thẻ sinh viên giả mạo. Vậy đơn vị này có phải chịu trách nhiệm liên đới?
Theo Luật sư Quách Thành Lực, nếu điều tra, xử lý hành vi phạm tội của Khiêm thì cũng cần quy rõ trách nhiệm của Trường ĐH Y Dược TPHCM khi đưa người không phải sinh viên trường mình vào danh sách tình nguyện viên chống dịch.
Bên cạnh đó cũng cần xem xét khía cạnh: Sau khi được giới thiệu sang quận 12 hỗ trợ chống dịch, vì là sinh viên, công việc chính của Khiêm là lau dọn, đo huyết áp… chứ không có quyền hạn điều trị. Nhưng tại khu cách ly, điều trị, vì sao Khiêm đang là sinh viên lại được quyền chỉ đạo, phân công giải quyết các vấn đề chuyên môn? Dù thực tế, từ tháng 7, Khiêm chỉ ở khu cách ly F1, mới được phân công qua khu cách ly điều trị F0 vài ngày đã bị phát hiện.