Tại Điều 12 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh, có quy định:
Người hành nghề đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký hành nghề ngoài giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì một người được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì được thực hiện việc khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Nhưng phải đảm bảo thời gian khám chữa bệnh tại các cơ sở này là khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định.
Ngày 1.10, đoàn kiểm tra của Sở Y tế TPHCM đã làm việc với Bệnh viện TP.Thủ Đức để làm rõ các thông tin về việc 4 bác sĩ đang công tác tại bệnh viện này được báo chí phản ánh khám bệnh trong giờ hành chính trong nhiều tháng tại một phòng khám tư nhân ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Lãnh đạo Bệnh viện TP.Thủ Đức cho biết, 4 bác sĩ đều xác nhận có tham gia hành nghề khám chữa bệnh tại phòng khám tư ở tỉnh Tiền Giang.
4 bác sĩ này giải trình rằng không nắm được quy định pháp luật nên tự sắp xếp thời gian ca trực để làm thêm và chưa báo cáo với lãnh đạo khoa, ban giám đốc bệnh viện. Tất cả đều chấp nhận các hình thức kỷ luật theo quy định.