Bác sĩ chua chát kể lý do phải rời bỏ bệnh viện công

Thùy Linh| 15/07/2022 15:08

Làn sóng bác sĩ bỏ bệnh viện công đã không còn xa lạ, đặc biệt là sau dịch COVID-19. Lương tại bệnh viện công thấp, thậm chí không đủ để trang trải cuộc sống là một trong những nguyên nhân "đắng lòng" khiến các bác sĩ quyết định rời đi.

Bác sĩ chua chát kể lý do phải rời bỏ bệnh viện công
Bác sĩ khám cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: BVCC

Lương không đủ trang trải cuộc sống, nói gì đến trả nợ

"Lương quá thấp, làm sao trang trải đủ cuộc sống mà chẳng phải bỏ? Phải tìm đường ra ngoài mà làm, mà kiếm sống. Có phải chỉ nuôi bản thân là xong đâu, còn có con cái, gia đình. Với mức lương như vậy, cơ bản không thể lo được cho gia đình"- N.M.H, một bác sĩ đang công tác tại bệnh viện tư nhân có tiếng ở Hà Nội chia sẻ với PV Lao Động.

Anh H có gần chục năm gắn bó với một bệnh viện đa khoa tuyến huyện tại Hà Nội. Khoảng 3 năm trước, anh H nghỉ việc. Lý do quyết định rời đi, mà anh chia sẻ với đồng nghiệp là anh cần tìm chỗ trả lương cao hơn, để có tiền trả nợ.

Theo chia sẻ của bác sĩ này, gia đình không có điều kiện, bố mẹ hay ốm đau là nguyên nhân khiến anh quyết tâm theo học ngành y.

"6 năm bố mẹ nuôi ăn học, tốn bao nhiêu là tiền của. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ vay tiền cho tôi đi học, có những thời điểm ăn còn không có tiền mà ăn. Nghĩ đến tương lai, tôi đã nỗ lực, vẫn cố gắng hết mình. Những đêm thức trắng học hành, thực tập, xung phong trực,... đã trải qua, để có được tấm bằng bác sĩ"- anh nhớ lại.

Thế nhưng khi đi làm, thì anh H bị "vỡ mộng". "Lương "ba cọc ba đồng", giỏi lắm được 5- 6 triệu/ tháng, không đủ để nuôi sống bản thân, nói gì đến trả nợ cho bố mẹ?"- anh H chua chát.

Khi đã lập gia đình riêng, cuộc sống gia đình với mối lo nhà cửa, con cái học hành, xe cộ đi lại... khiến áp lực cuộc sống càng đè nặng hơn. "Làm chủ gia đình mà không lo nổi cho vợ con, tiền đóng học cho con cũng không đủ, có những lúc, tôi cảm giác làm bác sĩ chỉ là "cái mác" thôi"- anh nói.

Đồng nghiệp đi làm bệnh viện tư, mặc dù công việc cũng vất vả, nhưng họ được trả lương cao hơn nhiều, khiến anh H quyết định thay đổi.

"Cũng làm công việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhưng bảng lương của y bác sĩ bệnh viện công thì rất thấp, vẫn thấp từ ngày xưa đến tận bây giờ luôn. Sau nhiều năm chúng tôi gắn bó, không có sự thay đổi nào cả. Vì vậy, nản chí là đương nhiên, lấy động lực gì để chúng tôi gắn bó nữa. Tôi sợ khi phải nhìn vào bảng lương của mình".

Vị bác sĩ này cũng cho rằng, những "tật xấu" trong ngành y tế như nạn phong bì, như nhận quà cáp, hoa hồng... nảy nòi ra, cũng chính bởi một phần do lương bác sĩ quá thấp, không đáp ứng được cuộc sống.

"Chúng tôi không từ bỏ mục đích ban đầu"

Đồng nghiệp của anh H, bác sĩ N.T.A cũng đã quyết liệt rời bỏ bệnh viện công về đầu quân cho một bệnh viện tư ở nội thành Hà Nội. Hơn 10 năm làm ở 1 bệnh viện công, thu nhập thấp hơn so với nhu cầu tối thiểu của gia đình anh A. Tìm một cơ sở y tế để có thu nhập tốt hơn, để lo được cho gia đình là mục đích của anh A.

"Áp lực công việc ở 2 bệnh viện cũng như nhau. Nhưng chuyện lương thấp là nguyên nhân chính mà tôi rời đi"- bác sĩ T.A chia sẻ.

6 năm học đại học Y, ở trọ ở Hà Nội, mỗi năm chi phí mất khoảng 200- 300 triệu đồng. Năm 2010 tôi ra trường.

"Gia đình tôi rất phản đối tôi chuyển việc, vì tôi cũng đã nỗ lực rất nhiều để được tuyển dụng làm bác sĩ ở bệnh viện công, lại gần nhà. Gia đình nói là người ta muốn xin vào không được, mình lại xin ra? Đang phấn đấu tốt thì sao lại nghỉ? Ban đầu tôi cũng không muốn thay đổi môi trường làm việc"- anh kể. 

Thế nhưng, lương thấp, không thể trang trải được cuộc sống. Bác sĩ T.A không muốn gia đình mình cứ chật vật mãi như vậy. Vì thế anh đã quyết tâm rời đi, mặc dù đi làm ở bệnh viện tư xa nhà hơn, xăng xe đi lại tốn kém hơn, có nhiều khi còn vất vả hơn, vì đông bệnh nhân.

"Mức lương ở bệnh viện công khi tôi nghỉ làm, với mức lương sau đại học, tổng thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Mức lương đóng bảo hiểm khi tôi rời đi là khoảng 3,9 triệu đồng. Sang bệnh viện mới, thu nhập của tôi tốt hơn, gấp khoảng 5 lần tổng thu nhập ở bệnh viện cũ"- bác sĩ T.A cho biết.

Nói về chuyện bác sĩ bỏ bệnh viện công, anh T.A cũng chia sẻ quan điểm cá nhân: "Trừ khi bác sĩ bỏ nghề, còn không thì dù làm ở bệnh viện tư, ở phòng khám hay khám chữa bệnh tại nhà thì mục đích cũng là chữa bệnh cho người dân. Chúng tôi không từ bỏ mục đích ban đầu".

Gần 9.400 xin thôi việc, nghỉ việc trong 18 tháng qua

Theo báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022) có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.

Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ chua chát kể lý do phải rời bỏ bệnh viện công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO