Bác sĩ chỉ rõ các dấu hiệu nhận biết mức độ trầm cảm

BÁC SĨ CAND TRẦN HOÀNG TIẾN - HỌC VIỆN QUÂN Y| 03/04/2022 16:22

Bệnh trầm cảm gây ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, suy nghĩ, hành động và kéo theo những vấn đề về thể chất và tinh thần, nghiêm trọng hơn là người mắc bệnh trầm cảm có thể tự hủy hoại bản thân.

Bác sĩ chỉ rõ các dấu hiệu nhận biết mức độ trầm cảm
Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên toàn thế giới. Ảnh: PV

Tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm

Theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần (DSM-5), tiêu chuẩn chẩn đoán cho một giai đoạn trầm cảm là 5 triệu chứng (hoặc hơn) trong số các triệu chứng dưới đây. Đồng thời, chúng được biểu hiện trong thời gian 2 tuần và có sự thay đổi mức độ chức năng. Trong đó, có ít nhất 1 trong các triệu chứng là khí sắc giảm, hoặc mất thích thú/ sở thích.

1. Khí sắc giảm ở phần lớn thời gian trong ngày, hầu như hàng ngày: Bệnh nhân nhận biết (ví dụ: cảm giác buồn hoặc cảm xúc trống rỗng); Bệnh nhân được quan sát bởi người khác (ví dụ: thấy bệnh nhân thường xuyên khóc).

2. Giảm sút rõ ràng các thích thú/ sở thích với tất cả hoặc hầu hết các hoạt động, thể hiện phần lớn thời gian trong ngày (bệnh nhân tự nhận biết hoặc từ sự quan sát của người khác).

3. Giảm cân khi không ăn kiêng hoặc tăng cân không kiểm soát (ví dụ: thay đổi hơn 5% khối lượng cơ thể trong một tháng), giảm hoặc tăng cảm giác ngon miệng hầu như hàng ngày. Lưu ý: Trẻ em mất khả năng đạt được khối lượng cần thiết.

4. Mất ngủ hoặc ngủ nhiều hầu như hàng ngày.

5. Kích động hoặc vận động tâm thần chậm.

6. Mệt mỏi hoặc mất năng lượng hầu như hàng ngày.

7. Có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi quá mức (có thể là hoang tưởng) hầu như hàng ngày.

8. Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung chú ý hoặc khó đưa ra quyết định hầu như hàng ngày (bệnh nhân tự thấy hoặc người khác nhận thấy).

9. Ý nghĩ về cái chết, ý định tự sát tái diễn không có kế hoạch trước, một hành vi tự sát hoặc một kế hoạch cụ thể để tự sát thành công.

Các mức độ trầm cảm

Trầm cảm mức độ nhẹ:Bệnh nhân có 5-6 triệu chứng đủ để chẩn đoán. Các triệu chứng này ít ảnh hưởng đến chức năng lao động, xã hội của bệnh nhân.

Trầm cảm mức độ vừa: Bệnh nhân có 7-8 triệu chứng, ảnh hưởng đến chức năng lao động xã hội rõ ràng.

Trầm cảm mức độ nặng: Bệnh nhân có tất cả 9 triệu chứng, các chức năng xã hội, nghề nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng. Bên cạnh đó có một số đặc điểm khác biệt sau:

- Ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát: Hầu hết bệnh nhân trầm cảm đều có ý nghĩ về cái chết, nặng hơn thì họ có ý định tự sát hoặc hành vi tự sát.

Từ ý nghĩ tự sát, bệnh nhân sẽ có hành vi tự sát. Theo đó, cần lưu ý rằng có đến 75% các trường hợp tự sát có nguyên nhân là trầm cảm, vì vậy không được xem thường triệu chứng này. Khi phát hiện ra ý định tự sát ở bệnh nhân trầm cảm cần phải điều trị nội trú cho các bệnh nhân trong khoa tâm thần.

Theo đó, mật độ và ý định tự sát có thể rất khác nhau. Một số bệnh nhân có ý định tự sát ít nghiêm trọng, có thể ý định tự sát chỉ mới ập đến (chỉ 1-2 phút) mà trước đó bệnh nhân chưa hề nghĩ đến cái chết.

Trường hợp nặng hơn, ý nghĩ tự sát tái diễn (1 hoặc 2 lần/ tuần), họ có thể cân nhắc kĩ càng trước khi hành động.

Một bệnh nhân tự sát có thể chuẩn bị vật chất (ví dụ: vũ khí hoặc chất độc) để sử dụng cho hành vi tự sát, có thể xác định chỗ và thời điểm họ chỉ có một mình để có thể tự sát thành công. Họ có thể lập kế hoạch thực tế để đảm bảo tự sát sẽ kết thúc bằng cái chết, bệnh nhân có thể tích trữ thuốc, mua thuốc độc, dây thừng… có thể viết thư tuyệt mệnh, thông báo cho bạn bè hoặc người thân về ý định tự sát của họ.

Đặc biệt, khi tự sát bất thành thì động lực tự sát những lần sau của bệnh nhân vô cùng mạnh mẽ.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ chỉ rõ các dấu hiệu nhận biết mức độ trầm cảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO