Bác sĩ chỉ dấu hiệu trở nặng của bệnh sốt xuất huyết

NGUYỄN LY| 23/06/2022 12:20

TPHCM - Dịch sốt xuất huyết bùng phát, để giảm nguy cơ chuyển nặng và nhập viện muộn, các bác sĩ khuyến cáo và chỉ dẫn những triệu chứng nặng khi mắc bệnh, nhằm điều trị kịp thời, tránh tử vong nhanh chóng.

Trong phòng hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, bệnh nhi N.N.T.T (6 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) vẫn đang lơ mơ, vì bị sốc sốt huyết.

Theo chị Nguyễn Tường Vi -  mẹ của bệnh nhi, cách đây 3 ngày thấy con có biểu hiện sốt nhưng chủ quan không đưa đi khám mà tự điều trị tại nhà, khoảng 2 ngày sau bé bắt đầu có những biểu hiện co giật, sốt không hạ nên đưa con đi nhập viện cấp cứu, lúc này con đã chuyển sang sốt xuất huyết độ 4 (cấp độ nặng nhất).

 
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng đang được bác sĩ điều trị. Ảnh: Nguyễn Ly

“Ở nhà cách đó hơn 10 ngày cũng có người thân bị sốt xuất huyết nhưng mình không nghĩ con bị nặng vậy. Bây giờ bé còn nhỏ quá không uống được nhiều nước, các bác sĩ phải truyền dịch liên tục và đang được điều trị tích cực”, chị Tường Vi chia sẻ.

Còn ở một góc phòng bệnh, anh Nguyễn Văn Nam vẫn đang ân cần chăm sóc con sau khi nhập viện vì sốt xuất huyết, diễn tiến nặng và phải thở máy. Theo anh Nam, vì quá chủ quan nên khi nhập viện con bắt đầu bị suy đa tạng, phải lọc máu và sau 1 tuần nhập viện các bác sĩ vẫn đang theo dõi tích cực.

Theo PGS.TS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, sau 2 năm dịch bệnh COVID-19 thì năm nay vừa đúng chu kì bùng dịch sốt xuất huyết cứ ba năm một lần, cộng với mùa mưa sớm nên muỗi xuất hiện nhiều. Đỉnh điểm từ tháng 5 và tháng 6 số ca mắc và nhập bệnh viện tăng nhanh. Người dân hiện đang có tâm lý chủ quan phòng dịch nên khi mắc sốt xuất huyết đến khi chuyển nặng nhập viện thường ở mức độ nặng nhất của bệnh.

Nếu như cả năm 2021, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM tiếp nhận hơn 4.654 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, sốc sốt xuất huyết 256 ca; thì chỉ 6 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện tiếp nhận 4.401 ca và 303 trường hợp sốc sốt xuất huyết.

PGS.TS Phạm Văn Quang cho biết, dấu hiệu để phát hiện người có biểu hiện sốt xuất huyết chuyển nặng như sốt liên tục 2 ngày trở lên, người bệnh liên tục mệt, tay chân lạnh, tiểu ít, đau bụng, nôn ói nhiều… cần đưa ngay tới bệnh viện. Đặc biệt là trẻ nhỏ, thường khi đang sốt nhưng sau đó hết sốt dẫn đến phụ huynh nghĩ con đã hết bệnh và chủ quan không theo dõi, việc này rất nguy hiểm, bởi thời gian vừa qua có nhiều bệnh nhi khi cắt sốt lại bất ngờ bị co giật và nhập viện trong tình trạng suy đa cơ quan, trụy tim mạch rất nguy hiểm.

Chính vì vậy, những trẻ có biểu hiện sốt cao và nặng khi đi khám, hết sốt vẫn nên tái khám theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Điều này phòng tránh được nguy cơ trẻ diễn tiến nặng nhưng phụ huynh không biết.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ chỉ dấu hiệu trở nặng của bệnh sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO