Người từng F0 "lạc" vào thế giới đãng trí, mệt mỏi
Khỏi COVID-19 chưa được bao lâu, chị Nguyễn Thiên Trang (Vũ Thư, Thái Bình) thường xuyên cảm thấy đau đầu, liên tục mất ngủ, đồng thời có cảm giác lú lẫn và đãng trí vì không thể nhớ tên và chỗ để các vật dụng thông thường. Đôi lúc, chị Trang còn quên việc mình đã làm, quên tên mọi người xung quanh. Ngoài ra, chị Trang còn cảm thấy khó khăn trong việc tập trung, giảm độ minh mẫn khi làm việc.
"Tôi ăn cơm xong và đi nghỉ trưa. Lúc tỉnh dậy, tôi vội vã chuẩn bị đồ đạc nấu ăn vì không nhớ ra mình đã ăn cơm rồi. Thậm chí, nhiều lúc đang cầm kính mắt trên tay nhưng lại đi lục lọi khắp chỗ để tìm. Rồi đồ vật trong bếp nhiều lúc cũng không thể gọi thành tên, cảm giác như mất trí nhớ tạm thời vậy" - chị Trang thở dài.
Tương tự trường hợp trên, chị Vũ Thúy Hà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sau khi mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ thì rơi vào trạng thái "nhớ nhớ quên quên". Đặc biệt, tâm trạng chị Hà cũng thay đổi theo chiều hướng xấu vì thường xuyên chán nản, hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực. Thậm chí, dễ cáu gắt, khó chịu với mọi thứ xung quanh.
"Ngoài việc khó tập trung, thiếu minh mẫn, tôi còn hay suy nghĩ tiêu cực, thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng. Tôi như trở thành một người khác" - chị Hà nói.
Theo hãng thông tấn Reuters đưa tin, nghiên cứu của Đại học Oxford đã phát hiện người nhiễm nCoV triệu chứng nhẹ vẫn có biểu hiện suy giảm tập trung và trí nhớ từ 6 đến 9 tháng sau mắc bệnh. Theo đó, các vấn đề về nhận thức, chứng hay quên hoặc mệt mỏi là đặc điểm của COVID-19 kéo dài. Và triệu chứng này ảnh hưởng đến cuộc sống một số bệnh nhân.
Lời khuyên từ bác sĩ
Dành lời khuyên cho những người gặp vấn đề về trí nhớ hậu COVID-19, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - chuyên gia điều trị rối loạn hệ thần kinh thực vật, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, những người có triệu chứng nhẹ có thể tự khắc phục.
Theo đó, vận động nhiều giúp cơ thể hoạt động, giảm căng thẳng như đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ nhàng. Giúp trí não hoạt động nhiều hơn như đọc sách, chơi những trò chơi trí tuệ như cờ, giải ô chữ,... Bổ sung các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết để lưu thông hoạt huyết tốt hơn. Đồng thời, bổ sung các thực phẩm như rau, trái cây,… hạn chế dùng các loại đồ uống có chất kích thích như bia rượu, cà phê.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Quân y 103 - thành viên hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà, hướng xử trí an toàn và hiệu quả về tình trạng mệt mỏi hậu COVID-19 là giữ tinh thần, lối sống lạc quan, yêu đời và hạnh phúc.
"Thực tế mắc bệnh gì cũng để lại hậu quả của nó. Ví dụ như ngã để lại sẹo, trứng cá để lại vết thâm, hay đột quỵ não để lại di chứng liệt. Chúng ta không nên mang áp lực quá nặng nề, chúng ta đều hiểu rằng khi tinh thần thoải mái lạc quan, cơ thể sẽ sản sinh hormone có ích hoặc ngược lại căng thẳng tâm lý sẽ mang lại những tổn hại về tinh thần và sức khỏe" - bác sĩ Cường nói.
Bên cạnh đó, cần có chế độ luyện tập tăng sức thở, mang lợi ích về tim mạch và thể chất như các bài tập thở, tăng hô hấp, tập yoga, chạy bộ. Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại; thư giãn bằng cách nghe nhạc hay nói chuyện tâm sự với những người xung quanh nhiều hơn. Đồng thời, sử dụng ánh sáng nhẹ, tạo không gian thoải mái khi ngủ để dần lấy lại giấc ngủ ngon, giảm thiểu căng thẳng và mệt mỏi không đáng có.