Hành lá có tên gọi khác là hành, hành hoa, hành hương, hóm búa (tiếng Thái), búa (tiếng Tày), thông bạch, sông (dân tộc Dao). Tên khoa học là Allium fistulosum L. Họ là Alliaceae (hành).
Ở nước ta, hành được trồng khắp nơi. Hành cũng được trồng tại nhiều nước khác ở châu Á và châu Âu. Mùa thu hoạch hành chủ yếu là tháng 10-11 nhưng có thể quanh năm. Hành dùng tươi hay khô đều được.
Ngoài dùng để làm gia vị, loại cây này còn dùng để làm thuốc (dùng củ tức là dò). Dùng tươi hay khô đều được.
Dưới đây là một số mẹo trị cảm ho với hành lá của BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ:
Chữa cảm sốt: Khi bị cảm sốt không ra mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, sợ gió, nước tiểu trong: Bạn dùng củ hành tươi 30 g, gừng tươi 10 g, chè hương 10 g, sắc uống nóng, đắp chăn cho vã mồ hôi.
Hoặc dùng hành, tía tô, kinh giới, sả, lá tre tất cả 10 g, cho vào nồi, đổ nước đun sôi kỹ để xông. Sau khi xông xong, bạn có thể uống một bát nước lá rồi đắp chăn kín.
Với món ăn, bạn có thể dùng vài chục cây hành cả rễ, cắt bớt lá xanh, 3 lát gừng, một ít gạo sạch, gừng để nấu cháo. Cháo chín cho ra bát, vắt thêm chanh vừa chua, ăn nóng xong đắp chăn kín để ra mồ hôi.
Cúm: Dùng 10 cây cây hành hoa cả rễ và 3 lát gừng. Tất cả cho vào nồi đổ nước sắc kỹ, pha đường uống khi còn nóng.
Ho: Đun thật sôi 60g hành hoa và 10g gừng tươi. Tất cả cho vào nồi đun kỹ để xông miệng mũi, ngày 2 - 3 lần. Hoặc 5g hành ngâm mật ong qua đêm, lọc bỏ bã rồi pha một chút rượu uống. Cách 2 - 3 giờ uống một lần. Bài này chữa ho do cúm, do hút thuốc lá hay hen phế quản đều được.
Khản tiếng: Người bệnh có thể ăn hành củ sống, giã hành bọc vải đắp lên cổ.
Cảm mạo ở trẻ em: Dùng 60g hành và 10 g sinh khương giã nát, thêm một cốc nước thật sôi vào, dùng hơi xông vào miệng và mũi. Lặp lại như vậy ngày làm mấy lần, không cần cho uống.
Ngoài có tác dụng chữa các triệu chứng cảm cúm, khan tiếng, hành lá còn có các tác dụng ở các mẹo vặt sau:
Chữa mụn nhọt: Dùng hành tươi giã nát, trộn với mật, đắp lên mụn. Khi ngòi ra thì dùng dấm để rửa mụn.
Chữa đau bụng, lạnh chân tay: Để chữa đau bụng, hãy giã giập hành cả rễ và lá, để hành lên bụng, lăn chai nước nóng lên, khi hành nát lại thay hành khác. Khi vã mồ hôi, đun nước gừng khô uống nóng.
Chữa đại tiện, đầy hơi, tức thở: Dùng 2 củ hành hoa, 1 củ gừng, 1 thìa muối. Tất cả giã nhỏ, hơ nóng gói vào vải buộc vào rốn. Nếu nửa giờ chưa thông, bạn hãy thay liều khác.
Theo bác sĩ Vũ, hành lá là gia vị và cũng là vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong dân gian. Cơ sở tác dụng trị cảm ho của hành lá là do trong hành lá có chứa chất kháng sinh atixin C6H10OS2 trong tinh dầu.
Trong đó, atixin là một chất dầu không màu, tan trong cồn, trong benzen, ête. Khi hoà tan trong nước dễ bị thuỷ phân, có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh.
Trong các tài liệu cổ cho rằng, hành có vị cay, bình mà không độc có năng lực phát biểu, hoà trung, thông dương, hoạt huyết, dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa đau răng.
Hành sắc uống lấy nước chữa các chứng sốt, sốt rét, cảm, nhức đầu, mặt mày phù thũng, còn làm yên thai, sáng mắt, lợi ngũ lạng.
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ lưu ý, khi cảm hành lá chỉ chữa được các triệu chứng ban đầu của cảm cúm, khi bị bệnh nặng, người bệnh cần phải được khám chuyên khoa và dùng thuốc theo chỉ định.