Bác sĩ chỉ cách chăm sóc trẻ trước và sau tiêm vắc xin COVID-19

Phương Linh (T/H)| 06/04/2022 10:40

Theo bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, trước và sau khi tiêm vắc xin, trẻ cần uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng và theo dõi các dấu hiệu bất thường.

Hiện nay, các tỉnh, thành phố nước ta đang lên kế hoạch để tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Ngày 5/4, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trên cơ sở tiêm chủng đầy đủ, đầu quý III/2022 trẻ được đến trường học hè; cuối quý III trẻ vào năm học mới an toàn.

Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022.

Việc chăm sóc cho trẻ trước khi tiêm và sau khi tiêm vắc xin như thế nào đang được nhiều cha mẹ lo lắng.

ThS.BS, Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa có giải đáp thắc mắc về của nhiều phụ huynh về vấn đề này.

ttxvn_1310_tiem_vxin.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022. Ảnh: TTXVN.

Trước khi tiêm vắc xin

Theo bác sĩ Minh, trước khi cho trẻ đi tiêm vắc xin COVID-19, phụ huynh đừng để trẻ nhịn đói, cần cho con ăn nhẹ, nhưng không ép trẻ ăn quá

Vào ngày tiêm vắc xin, cha mẹ không cho trẻ uống: nước ngọt, trà sữa, cà phê, nước tăng lực… Đây là các loại nước có chứa chất kích thích, không tốt cho trẻ. Thay vào đó, cha mẹ cần cho trẻ uống đủ nước, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay khiến trẻ dễ đổ mồ hôi, mau mệt trong khi chờ đến lượt được tiêm vắc xin.

Phụ huynh có thể cho trẻ uống viên sủi hoặc siro chứa các loại vitamin mà trẻ đang thường sử dụng vào buổi sáng ngày đi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, bác sĩ Minh lưu ý, phụ huynh không tự ý ngừng các loại thuốc uống điều trị bệnh mạn tính mà trẻ đang uống theo toa bác sĩ.

Không trì hoãn những lịch tiêm vắc xin khác mà trẻ đang tiêm chủng. Đem theo sổ tiêm chủng những vắc xin khác của trẻ khi đến tiêm vắc xin COVID-19.

Đặc biệt, phụ huynh nên cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ sớm, giải thích về việc tiêm vắc xin COVID-19 cho con, tạo tâm lý thư giãn thoải mái.

Sau khi tiêm vắc xin

Bác sĩ Minh lưu ý, sau tiêm vắc xin, trẻ cần ngủ đủ và uống đủ nước để tránh bị sốt. Trẻ không cần kiêng tắm rửa hay thức ăn gì, trừ những thức ăn đã làm trẻ dị ứng trước đây. Tốt nhất, nên cho con ăn uống ở nhà, tránh các thực phẩm dễ gây ngộ độc thức ăn cho trẻ.

Sau tiêm, trẻ cũng cần hạn chế uống những chất kích thích như cà phê, nước ngọt, trà sữa, nước tăng lực...

Sau tiêm, trẻ cần được theo dõi tại địa điểm tiêm 30 phút và 3 ngày đầu sau tiêm. Thời gian này, cha mẹ, nhà trường cần dặn trẻ có dấu hiệu khó chịu cần báo ngay cho người lớn.

Phụ huynh cần theo dõi sát các bất thường của trẻ sau tiêm, nên đo nhiệt độ cho con 4-6 giờ một lần. Không nên cho trẻ ngủ một mình, để ý con khi ở quá lâu trong nhà vệ sinh hay phòng riêng.

2110271948.png
Một học sinh tại TP.HCM đã được tiêm vắc xin COVID-19. Ảnh: HCDC.

Theo bác sĩ Minh, các dấu hiệu bất thường của trẻ sau khi tiêm vắc xin COVID-19 thương là kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở, phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ, đau, sưng tại vị trí tiêm, đau đầu, sốt...

Theo vị bác sĩ, khi trẻ tiêm vắc xin COVID-19 cũng sẽ gặp các phản ứng sau khi tiêm cũng tương tự với người lớn nhưng tỷ lệ gặp phải ít hơn và mức độ nhẹ hơn. Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý theo dõi các dấu hiệu bất thường này để cho trẻ nhập viện theo dõi ngay, tránh biến chứng xảy ra.

Đồng tình với ý kiến trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 lưu ý, sau khi tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ, nếu như tại vết tiêm có tình trạng chai cứng, nổi u cục, phát ban thì phụ huynh không cần quá lo lắng.

Sau khoảng một thời gian tình trạng này sẽ biến mất hoàn toàn mà không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Nếu như trẻ có gặp các triệu chứng như sốt, ho, tức ngực, mệt mỏi thì tình trạng này cũng sẽ thuyên giảm và ổn dần. Nếu cần thì phụ huynh có thể sử dụng các thuốc kháng viêm để tình trạng này nhanh chóng biến mất.

Theo các bác sĩ, nếu trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển như sốt, nhiễm trùng, hóa trị ung thư, viêm đa cơ quan (thường biểu hiện bằng sốt, phát ban, mắt đỏ...) nên hoãn tiêm cho đến khi khỏi bệnh.

Đối với trẻ có tiền sử dị ứng, rối loạn tri giác, mắc hội chứng tăng động giảm chú ý... cần thận trọng khi tiêm. Trẻ có bệnh tim bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường... nên được đưa đến các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để tiêm chủng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ chỉ cách chăm sóc trẻ trước và sau tiêm vắc xin COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO