Bác sĩ cấp cứu: Làm việc 48-50 tiếng mỗi tuần, lương 12 triệu đồng

04/07/2023 15:40

"Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu tiếng Anh, người ta thống kê rằng nhiều bác sĩ cấp cứu chỉ sống được 50 tuổi. Nhiều nhân viên y tế trầm cảm, loạn thần. Có lẽ vì thế, đến nay, các khoa cấp cứu vẫn thiếu người", một bác sĩ làm việc tại TP.HCM chia sẻ.

Lời tòa soạn

Các khoa hồi sức tích cực, cấp cứu luôn là điểm “nóng” nhất ở bệnh viện bởi đây là nơi chăm sóc những bệnh nhân đang trong tình trạng "thập tử nhất sinh". Tuy nhiên, đây lại thuộc nhóm các chuyên ngành khó thu hút được nhiều sinh viên lựa chọn tiếp tục chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa.

Vì vậy, các bệnh viện và các trung tâm cấp cứu luôn thiếu bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu. Vấn đề này cũng đã được thể hiện rất rõ trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 ở tất cả các địa phương.

VietNamNet xin đăng tải tuyến bài Thiếu nhân viên y tế ở nơi thập tử nhất sinh trong bệnh viện để phản ánh tình trạng này.

Bài viết ghi lại thực tế công việc của các bác sĩ, điều dưỡng ở Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, nơi đang cố gắng giành giật sự sống cho rất nhiều bệnh nhân.

Áp lực của bác sĩ cấp cứu không chỉ là tốc độ, chạy đua với thời gian để khám chữa bệnh, áp lực còn đến từ nguy cơ bị bạo hành, hay ảnh hưởng tâm lý khi phải chứng kiến bệnh nhân ra đi. Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ P.H.T (34 tuổi, đang công tác tại TP.HCM) về công việc của một bác sĩ cấp cứu mà anh đã gắn bó trong suốt 10 năm.

“Chúng mày giấu bệnh nhân”

Vào một buổi tối trực cấp cứu, chúng tôi tiếp nhận một nam giới trẻ bị say rượu, rối loạn tiêu hóa. Vừa chích thuốc xong, bệnh nhân tự đứng dậy, bỏ đi khỏi khoa cấp cứu. 18 tiếng sau, một nhóm khoảng mười mấy người xông thẳng vào khoa cấp cứu la hét, dọa hành hung ê-kíp vì lý do "đòi bác sĩ giao người”. Họ la hét: “Từ tối qua đến giờ bệnh nhân vẫn chưa về, chúng mày làm cái gì mà giấu bệnh nhân?".

Ê-kíp giải thích bệnh nhân đã tự đi khỏi khoa từ tối hôm qua. Nếu bệnh nhân mất tích, bệnh viện sẽ báo công an làm việc, truy xuất camera nhưng họ vẫn xông vào dọa nạt, có xu hướng hành hung, ngăn cản không cho ê-kíp cấp cứu những bệnh nhân khác.

Trong khi đó, chúng tôi đang có 5 ca đột quỵ cấp, 1 ca nhồi máu cơ tim cấp, 1 ca ngưng tim ngưng thở, 2 ca rất quan trọng vì 1 ca bị đột quỵ nhồi máu não giờ thứ 1, được chỉ định chụp CT khẩn. Sự náo loạn, cản trở của nhóm người này đã hủy mất thời gian vàng của bệnh nhân là 90 phút đầu, phải mất một tiếng sau, chúng tôi mới có thể chụp CT cho bệnh nhân. Ca nhồi máu cơ tim cũng bị chậm trễ thời gian cấp cứu.

Hình ảnh chăm sóc một bệnh nhân cần hồi sức tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phương Thúy. 

Nhận thấy tình hình nghiêm trọng dần, ê-kíp phải báo cáo lãnh đạo. Người nhà vừa dọa hành hung vừa la hét chửi: “Lũ nhân viên y tế thất đức, không lo canh giữ bệnh nhân 24/24, để bệnh nhân chạy mất là thế nào...". Lát sau ê-kíp trích xuất camera tại khoa cấp cứu, thấy rõ bệnh nhân đã tự rời khoa từ đêm qua, người nhà vẫn nhất quyết đòi khoa cấp cứu trả người.

Một ca bệnh khác, người đàn ông vào viện cấp cứu cũng vì rượu. Sau khi cả ê-kíp bỏ ăn tối tập trung cấp cứu. Khi bệnh nhân tỉnh, chúng tôi báo cho người vợ rằng bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Trái với suy nghĩ của bác sĩ, người con của họ lao vào chửi và đòi đánh nhân viên y tế chỉ vì “Ai bảo cứu ông ấy. Ông ấy sống lại về uống rượu và chửi bới, đánh đập mẹ con tôi”. Tôi bối rối không biết nói gì chỉ nói lại: Bệnh viện là nơi cứu người.

Hay câu chuyện khác, bệnh nhân vào cấp cứu kèm theo 4-5 người nhà. Thời điểm đó do đang có dịch Covid-19 nếu không có khẩu trang không được vào bệnh viện. Cả nhóm người xông vào đòi đánh bác sĩ vì “người nhà tao đang cấp cứu, khẩu trang là cái quái gì”. Có lẽ vì vậy, khoa cấp cứu tôi đã làm, hơn 70% bác sĩ sau khi làm vài năm đã không chịu nổi. Họ chuyển sang viện tư hoặc chuyên khoa khác, ngành khác.

Ca trực 3-4 người tiếp nhận 80-100 bệnh nhân

Từ khi ra trường, tôi làm bác sĩ nội nhưng lại có duyên với chuyên ngành bác sĩ cấp cứu. Tôi làm tại Bệnh viện Trung ương Huế khoảng 2-3 năm. Sau đó, tôi vào TP.HCM. Công việc của tôi là bác sĩ của khoa Cấp cứu thuộc bệnh viện hạng 1 của thành phố đông dân nhất cả nước. Một tua trực của chúng tôi có khoảng 3-4 bác sĩ trực, tiếp nhận từ 80 đến 100 bệnh nhân vào cấp cứu từ các bệnh nội khoa tới chấn thương…

Công việc của một bác sĩ ngành hồi sức cấp cứu vô cùng căng thẳng, áp lực. Ảnh: Phương Thúy.

Một bác sĩ phải quay vòng từ 25-30 bệnh nhân. Đa số bác sĩ cấp cứu chúng tôi lúc đó vừa phải nhanh chân tay, phải thạo việc. Chúng tôi phân luồng bệnh nhân và ưu tiên cấp cứu người bệnh nặng trước. Đây là vấn đề chuyên môn.

Nhưng người bệnh vào cấp cứu, họ không biết như thế nào là bệnh nặng, bệnh nhẹ. Thậm chí, hóc xương họ cũng đòi phải cấp cứu ngay. Nếu bạn không đáp ứng được yêu cầu của họ, bạn sẽ bị chửi, thậm chí bị đánh. Tôi là nạn nhân của nhiều vụ bạo hành như vậy. Bác sĩ cấp cứu bị chửi, đánh chỉ còn cách đứng im hoặc “chạy”. Tôi được học võ nhưng chắc chắn tôi không được phép đánh lại dù là tự vệ.

Bạn tôi làm bác sĩ cấp cứu đã từng “đáp trả” khi bị chửi bới. Tan làm trên đường về nhà, anh bị nhóm côn đồ đạp đổ xe máy và ngã gãy tay. Đó là lý do chúng tôi không dám đánh lại. Mình ở yên một chỗ, người ta có thể kéo người nhà, thuê xã hội đen vào “xử” bất cứ khi nào.

Khi bạo hành xảy ra, bệnh viện hầu như không bảo vệ bác sĩ. Mỗi khi có vụ việc, chúng tôi đều làm bản tường trình rất mệt mỏi. Bệnh viện cũng “né” không muốn làm to chuyện. Vì vậy, những vụ bạo hành nhân viên y tế cứ âm ỉ tiếp diễn. Tôi và hàng nghìn bác sĩ cấp cứu khác thường trực nỗi ám ảnh bạo hành y tế. Vì bất lực trước nạn này, tôi mệt mỏi và xin nghỉ việc. Tôi chọn một bệnh viện tư nhân làm việc.

Nhiều người hỏi tôi vì sao nghỉ, phải chăng là do lương thấp? Tôi xin khẳng định chắc chắn không phải là vì lương. Nếu lương thấp, tôi đã nghỉ từ rất lâu rồi. Hai ba năm đầu đi làm ở TP.HCM, bố mẹ tôi thường khuyên tôi nghỉ việc vì quá nguy hiểm, tiền lương chẳng được bao nhiêu. Bạn tin không, tôi 34 tuổi đi làm trung bình khoảng 48-50 tiếng/tuần (4 ngày sẽ có 1 ngày làm việc thông 24 giờ) nhưng tổng thu nhập của tôi là 12 triệu đồng.

Với chi phí này, tôi không dám lấy vợ hay tìm bạn gái. Tôi không thể biếu lại ba mẹ mình như nhiều người bạn của tôi đang làm. Thậm chí, hàng tuần ba mẹ gửi thêm thịt, cá, rau củ từ quê lên “nuôi” lại bác sĩ nghèo.

Sống ở TP.HCM, nếu chỉ làm bác sĩ đúng chuyên môn, không đi làm thêm phòng mạch bạn sẽ phải sống một cách tiết kiệm. Nhiều đàn em của tôi đi làm ở viện 8-10 tiếng/ngày sau đó lại vội ra phòng mạch làm thêm. Khuya về, họ mệt nhoài. Bác sĩ như vậy khác gì cái máy không còn thời gian học hỏi, đọc sách chuyên môn. Nhưng, chúng tôi là con người không phải cái máy.

Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu tiếng Anh, người ta thống kê rằng nhiều bác sĩ cấp cứu chỉ sống được 50 tuổi. Với áp lực, stress căng thẳng như vậy tôi đủ hiểu vì sao họ không thể sống khỏe, sống thọ.

Tôi hiểu cảm giác bất lực khi chứng kiến từng bệnh nhân ra đi, áp lực vô cùng. Nhiều nhân viên y tế trầm cảm, loạn thần, hay muốn nghỉ ngơi là điều dễ hiểu. Tôi nhớ rất rõ những ánh mắt, những lần nắm chặt tay bệnh nhân tử vong đầu tiên trong nước mắt khi mới bước chân vào hành nghề bác sĩ, một cảm giác bất lực và tuyệt vọng, rồi tự dặn lòng phải đọc, phải học nhiều hơn...

Làm bác sĩ cấp cứu nếu bạn không yêu nghề chắc chắn bạn sẽ không thể làm được. Có lẽ vì thế, đến nay các khoa cấp cứu vẫn thiếu bác sĩ. Nhiều bác sĩ trẻ mới ra trường muốn vào bệnh viện làm việc đều chỉ định vào khoa cấp cứu nhưng rồi nhiều người lại cũng sẽ rời đi…

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ cấp cứu: Làm việc 48-50 tiếng mỗi tuần, lương 12 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO