Một tiết mục biểu diễn trong Chương trình “Thương lắm Miền Tây” kỳ 2: “Về Bạc Liêu nghe điệu Hoài Lang”. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; tích cực mời gọi đầu tư, phát triển các khu, điểm du lịch, nhất là du lịch sinh thái ven biển kết hợp với điện gió và dịch vụ giải trí cao cấp ven biển; nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng; xử lý dứt điểm tình trạng chặt chém, chèo kéo khách. Địa phương khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng, mang dấu ấn riêng của tỉnh để thu hút du khách; đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng bán đảo Cà Mau và mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước.
Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2025 đón trên 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng, đóng góp 7 - 9% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động (trong đó 12.000 lao động trực tiếp); có 15 điểm du lịch, một khu du lịch cấp tỉnh được công nhận và nằm trong danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch quốc gia. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có ngành Du lịch phát triển bền vững với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp; là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cả về quy mô và chất lượng; đón 12 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 28 nghìn tỷ đồng, đóng góp 10,9% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 50.000 lao động (20.000 lao động trực tiếp).
Năm 2022, địa phương đã đón tiếp gần 3,67 triệu lượt khách, đạt 111% kế hoạch năm (tăng 53% so cùng kỳ năm 2021); trong đó, khách quốc tế ước đạt 3.500 lượt khách. Tổng doanh thu ngành Du lịch đạt 3.250 tỷ đồng (đạt 108% kế hoạch năm, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021). Đáng chú ý trong thời gian diễn ra Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu (từ ngày 27-29/11), lượng khách đến Bạc Liêu tăng gấp hơn 10 lần so với những ngày thường, đạt khoảng 50.000 lượt khách đến tham quan; trong đó có trên 5.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú.
Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: TTXVN phát
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thanh Duy cho biết, du lịch Bạc Liêu có bước phát triển khá trong những năm vừa qua. Lượng khách tăng trung bình khoảng 22%; tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20%. Địa phương đang quan tâm, quảng bá, hướng đến nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao. Xét về quy mô số lượng khách hàng năm và tổng thu từ du lịch, tỉnh đang đứng thứ 5 trong số các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Tỉnh hiện có 10/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực); nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử và phong tục tập quán hình thành từ sự gắn bó của cộng đồng ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa với các điểm du lịch nổi tiếng (Nhà Công tử Bạc Liêu, khu Quán Âm Phật Đài, Chùa Xiêm Cán, Nhà thờ Tắc Sậy, Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cánh đồng điện gió trên biển...). Đây là những lợi thế đặc biệt của du lịch Bạc Liêu, là tiền đề đưa du lịch tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Chanh Đa