Bắc Giang yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm về xây dựng cụm công nghiệp

24/04/2024 17:07

Bắc Giang yêu cầu chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), nhất là về lĩnh vực môi trường, đất đai, xây dựng…trong các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Xử lý nghiêm các vi phạm xây dựng

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành công văn số 2029, về việc tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn.

Cụ thể, đối với Sở Công Thương: Hằng tháng, tiếp tục chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, quản lý vận hành đối với các CCN trên địa bàn tỉnh để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, xử lý dứt điểm các CCN, các dự án trong CCN gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, chậm tiến độ;

Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tại các CCN trên địa bàn tỉnh để chấn chỉnh công tác quản lý, đầu tư phát triển các CCN.

Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư: Kiểm tra, đánh giá chặt chẽ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư thứ cấp thu hút vào các CCN; Tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc đầu tư và thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các dự án đầu tư chậm đầu tư, không đầu tư theo quy định.

Bắc Giang yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm về xây dựng cụm công nghiệp ảnh 1
Bắc Giang yêu cầu chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), nhất là về lĩnh vực môi trường, đất đai, xây dựng…trong các cụm công nghiệp trên địa bàn. (Ảnh: Internet)

Đối với Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, cơ quan liên quan hướng dẫn chủ đầu tư CCN, UBND cấp huyện trong việc quản lý, vận hành đối với các CCN có công trình hạ tầng kỹ thuật hình thành từ ngân sách nhà nước theo quy định.

Còn Sở Xây dựng: Hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư CCN, UBND cấp huyện thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 32/2024 về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng CCN và các quy định pháp luật khác có liên quan;

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng đảm bảo các CCN được đầu tư xây dựng đồng bộ.

UBND huyện, thành phố, thị xã: Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các CCN trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các CCN được giao làm chủ đầu tư; thường xuyên kiểm tra, theo dõi hoạt động của chủ đầu tư CCN, các doanh nghiệp trong CCN, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), nhất là về lĩnh vực môi trường, đất đai, xây dựng…,đảm bảo công tác quản lý, phát triển các CCN trên địa bàn được thực hiện theo đúng quy định.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất cho thuê đất, thực hiện các thủ tục hành chính, tổ chức thi công xây dựng hoàn thiện đồng bộ hạ tầng CCN, thu hút đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Giao Sở Công Thương theo dõi, đôn đốc các sở, cơ quan, địa phương thực hiện nội dung chỉ đạo trên. Kết quả tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Loạt chủ đầu tư bị phạt vì thi công “chui”

Liên quan đến các khu công nghiệp và CCN trên địa bàn Bắc Giang, vừa qua Công ty CP KCN Sài Gòn - Bắc Giang (công ty con của Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc), là chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Quang Châu mở rộng; do ông Mai Tuấn Dũng là Tổng Giám đốc đã bị xử phạt vì tổ chức thi công không có Giấy phép xây dựng (GPXD).

Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư đang tổ chức thi công các hạng mục: San nền khoảng 70ha; giao thông: thảm bê tông nhựa lớp 1 các tuyến (trừ tuyến QC6); cấp thoát nước: hệ thống cống, hố ga, đường ống trên hè đường các tuyến giao thông; hạng mục cấp điện: hệ thống cột bê tông li tâm, đường dây 22KV đi nổi. Các hạng mục nêu trên nằm trong phạm vi ranh giới đất được UBND tỉnh cho Công ty CP KCN Sài Gòn - Bắc Giang thuê đất.

Ngoài việc bị xử phạt hành chính 130 triệu đồng, Công ty này phải dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Công ty CP KCN Sài Gòn - Bắc Giang phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD và có GPXD.

Trước đó, Công ty Cổ phần Bất động sản Capella, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Yên Lư, huyện Yên Dũng cũng bị xử phạt 135 triệu đồng do xây dựng không phép. Cụ thể, Công ty này đã cho thi công xây dựng công trình trạm xử lý nước thải thuộc dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Yên Lư khi chưa được cấp GPXD.

Bắc Giang yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm về xây dựng cụm công nghiệp ảnh 2
Công ty CP KCN Sài Gòn - Bắc Giang bị xử phạt vì thi công "chui" loạt hạng mục dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Quang Châu mở rộng. (Ảnh minh họa).

Trong năm 2023, Bắc Giang cũng xử phạt Công ty Cổ phần Phát triển Fuji Bắc Giang (Fuji Bắc Giang) 130 triệu đồng vì cho thi công san nền diện 8,99 ha, tổ chức thi công lớp cấp phối đá dăm tuyến đường từ Quốc lộ 37 đến nút giao Khu công nghiệp Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng phía Nam- giai đoạn II mà không có giấy phép xây dựng.

Cũng trong năm này, Công ty TNHH Desay Battery Vina là Chủ đầu tư Dự án thành lập Công ty TNHH Desay Battery Vina tại Lô FJ-26, Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng phía Nam cũng bị xử phạt hành chính 130 triệu đồng vì tổ chức thi công đến phần mái các công trình như: Nhà phức hợp, cao 04 tầng, kích thước 47m x 49m; Nhà xưởng số 1, cao 03 tầng, kích thước 80m x 56m; Nhà để xe, cao 02 tầng, kích thước 53m x 32m khi chưa có giấy phép xây dựng.

Trước đó, Công ty Cổ phần thép Tuấn Cường là chủ đầu tư Dự án “Nhà máy cán thép Đình Trám” cũng bị UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt 130 triệu đồng vì tổ chức thi công xây dựng công trình không có Giấy phép xây dựng, tại lô C3, Khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên...

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm về xây dựng cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO