R2Tech - một trong những doanh nghiệp hàng đầu Bắc Giang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu, linh kiện kim loại, gia công cơ khí và lắp đặt máy móc, thiết bị - vừa khởi động dự án kiến tạo môi trường làm việc số trên nền tảng Base, đánh dấu bước đi đầu tiên về chuyển đổi số của UBND tỉnh Bắc Giang.
Chỉ sau 5 tuần làm việc, R2Tech đã số hóa thành công hơn 10 quy trình, đề xuất và xây dựng nhiều dự án trên các ứng dụng Base Workflow, Base Request và Base Wework.
Hàng trăm dữ liệu về nhân sự của toàn công ty đã được đưa lên các ứng dụng trong bộ Base HRM+. Tỷ lệ nhân viên nắm bắt, làm chủ cộng nghệ và hoạt động trên phần mềm lên tới hơn 70%.
Bên cạnh đó, không gian lưu trữ công văn của doanh nghiệp được giải phóng; thao tác tìm kiếm và sàng lọc hồ sơ trở nên dễ dàng thông qua hệ thống; quy trình xét duyệt đề xuất được tự động hóa và diễn ra nhanh chóng, nhân viên chủ động và kịp thời tiếp cận thông tin, chính sách mới, sẵn sàng tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến.
“Chúng tôi quyết định tìm hiểu và triển khai công nghệ ngay khi nhận thức được rằng với cách vận hành và làm việc cũ, rất khó để bao quát được tiến độ công việc của nhân viên, thời gian và nguồn lực bị lãng phí, thiếu dữ liệu đánh giá nhân sự”, ông Lương Xuân Điểm, giám đốc R2Tech, chia sẻ.
Bắc Giang hiện có hơn 12.000 doanh nghiệp SME, chiếm 95% tổng số doanh nghiệp, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng trưởng của toàn tỉnh.
Trao đổi về không khí và những lợi thế của doanh nghiệp Bắc Giang trong công cuộc chuyển đổi số, ông Đồng Anh Quân, giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư & Phát triển doanh nghiệp Bắc Giang, đã chỉ ra ba yếu tố có tác động đến tư duy và thúc đẩy doanh nghiệp.
Thứ nhất, doanh nghiệp Bắc Giang đã trải qua khoảng thời gian cực kỳ khó khăn khi tháng 05/2021, địa phương này trở thành tâm dịch của cả nước, nhiều doanh nghiệp phải ngưng trệ hoàn toàn hoặc hạn chế phần lớn các hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, họ càng có động lực trong công tác chuyển đổi số, hướng tới xây dựng và củng cố nội lực cho doanh nghiệp từ bên trong.
Tiếp đó là định hướng thúc đẩy chuyển đổi số rõ ràng, quyết liệt nhưng “chậm mà chắc” từ phía lãnh đạo tỉnh. Bắc Giang xác định công cuộc chuyển đổi số là hành trình dài cần đi theo từng bước, không vội vã, ồ ạt, “nhảy cóc” và hạn chế tối đa sức ép lên cộng đồng doanh nghiệp gây cảm giác e ngại, đề phòng. Thay vào đó, UBND tỉnh đặt mục tiêu cụ thể và chi tiết với một số doanh nghiệp tiên phong phù hợp để có thể tập trung nguồn lực hỗ trợ họ một cách tốt nhất.
Cuối cùng, Trung tâm Xúc tiến đầu tư & Phát triển doanh nghiệp Bắc Giang luôn có những hoạt động thiết thực để chuyển đổi số không chỉ dừng lại trong các cuộc họp, hội thảo. Cán bộ trung tâm sâu sát với từng doanh nghiệp, sẵn sàng ngồi lại với chủ doanh nghiệp để xác định nhu cầu, trăn trở và niềm tin của họ trước câu chuyện chuyển đổi số.