Chiều 3/4, sau khi kết thúc phần tranh luận bổ sung của luật sư và các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm được nói lời sau cùng.
Luôn day dứt một câu hỏi
Là người đầu tiên, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cảm ơn HĐXX cho phép bà nói lời sau cùng và bị cáo duy nhất phải đối diện với hình phạt cao nhất trong vụ án.
Bà Lan gửi lời cảm ơn đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKSND tối cao, các cơ quan tạm giam đã quan tâm, chăm sóc về tinh thần và sức khỏe, động viên bà vượt qua nghịch cảnh vô cùng khắc nghiệt.
Bị cáo vẫn giữ vững niềm tin và hy vọng đây là phiên tòa thượng tôn pháp luật, khách quan. Bị cáo và gia đình xin ghi nhận sự tận tâm của các luật sư trong thời gian vừa qua. Bà cũng cảm ơn chủ tọa đã điều hành phiên tòa một cách dân chủ, cho bị cáo trình bày các quan điểm.
Bà Lan cho biết, sau mỗi ngày kết thúc phiên toà, trở về trại giam, hàng đêm bà luôn day dứt một câu hỏi là vì sao bà và gia đình lại lâm vào hoàn cảnh bi đát thế này.
"Có nhiều lúc tuyệt vọng, tôi đã nghĩ đến cái chết. Chết vì tức, tức vì mình quá ngu ngốc dấn thân vào thương trường khắc nghiệt, vào lĩnh vực hoạt động ngân hàng mà mình không thông thạo. Bị cáo nghĩ hoàn cảnh chồng và cháu cũng đang bị tạm giam như muối xát vào lòng", Trương Mỹ Lan nói.
"Những ngày tháng tạm giam, gánh chịu cái rét của mùa Đông miền Bắc, hay ngày nắng nóng như đổ lửa ở phương Nam là những ngày chập chờn không ngủ được. Tôi nghĩ cảnh chồng, cháu tôi cũng đang bị tạm giam. Nghĩ đến tất cả các bị cáo ngày hôm nay bị thế này, nghĩ đến người thân, gia đình, con gái tôi bị bệnh bại liệt sợ nó tái phát...", bà Trương Mỹ Lan khóc nức nở.
Theo bà Lan, vì sự thiếu hiểu biết pháp luật và không đo lường được lòng người, vì tin và hy vọng có thể thực hiện được đề án tái cơ cấu thành công ngân hàng SCB, bị cáo đã vận động bạn bè, gia đình người thân trong và ngoài nước đã mang tiền bạc, công sức vào đề án tái cơ cấu này.
Bà Lan cho rằng, bước ngoặt định mệnh dẫn đến kết cục bà phải đối diện với mức án tử hình hôm nay chính là do bà tham gia vào quá trình hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém, trong khi bà hoàn toàn không có sự hiểu biết hay kinh nghiệm gì trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
Chủ tọa liên tục trấn an, nhắc nhở bị cáo Lan bình tĩnh để nói lời sau cùng.
Xin giảm nhẹ hình phạt cho chồng và cháu gái
Tiếp tục trình bày, Trương Mỹ Lan nói là một doanh nhân nên hiểu biết pháp luật chắc chắn hạn chế, làm sao hiểu được những cáo buộc, hành vi mà VKS đã truy tố. Bà Lan xin HĐXX lắng nghe ý kiến bào chữa của các luật sư và ý kiến tự bào chữa của bà để xem xét lại tội danh Tham ô tài sản và Đưa hối lộ.
Bà cũng mong HĐXX xem xét các doanh nghiệp đang vay SCB nằm trong 1.284 khoản vay (có giá trị khoảng 300.000 tỷ). Số tiền này theo bà hoàn toàn có thể loại trừ tiền cáo buộc bị cáo chiếm đoạt.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho rằng, trong những ngày diễn ra phiên tòa, bị cáo luôn nghiêm túc và tự nhận trách nhiệm của mình về hành vi Vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng, xin HĐXX không xem bị cáo như là người cầm đầu, chủ mưu trong vụ án này.
Bị cáo còn nói thêm, sự thất bại trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng SCB "khiến tim tôi đang rỉ máu, không phải tôi làm dở, tôi đã làm tới mức cuối cùng". Bởi SCB là nơi mà bà và cả gia đình đặt toàn bộ tâm huyết để phát triển.
Trước đây, gia đình bị cáo luôn được sum vầy, đoàn kết bên nhau, nay vụ án xảy ra nhiều người đi tù, gia đình tan nát mỗi người một ngả, không biết còn có cơ hội gặp nhau nữa hay không, có được cùng nhau ăn chung với nhau một bữa cơm nữa hay không.
"Trên chiếc xe tù dẫn giải, từ tòa án về trại giam, tôi chỉ ngước mắt nhìn những người thân bên lề đường... Tôi chỉ ước bắt được những bàn tay vẫy của người thân bên lề đường hay qua màn hình tivi để tìm cháu ruột, chồng, người thân của tôi. Tôi tan nát cả cõi lòng. Dù sao tôi cũng là phận đàn bà. Tôi đau không thể diễn tả thành lời", bị cáo nói.
Bà Lan xin HĐXX xem xét, dựa trên đường lối xử lý khoan hồng và chính sách hình sự nhân đạo để giảm nhẹ cho chồng là ông Chu Lập Cơ và cháu là Trương Huệ Vân, vì họ chỉ vì tin tưởng mà làm theo ý kiến của bà để rồi nay vướng vòng lao lý.
Trước đó, hôm 19/3, đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ, 19 - 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt chung là tử hình.
Cáo trạng của VKSND tối cao nêu rõ, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ từ 85 - 91,5% cổ phần SCB. Từ đó, bị can trở thành cổ đông có "quyền lực" để chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.
Trương Mỹ Lan và đồng phạm thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.
Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.