Trong kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, Bộ Công an đề nghị truy tố 86 bị can về 7 tội danh khác nhau.
Trong đó, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố về các tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.
Theo kết luận điều tra, bà Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sở hữu số lượng lớn các công ty con, công ty liên kết; bà Lan giao cho người nhà, người thân tín điều hành, quản lý.
Các công ty được nêu trong kết luận như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square...
Lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động nguồn vốn phục vụ hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cuối năm 2011, bà Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn cổ phần tại các ngân hàng này.
Ngày 1/1/2012, 3 ngân hàng hợp nhất với tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Trong SCB, bà Lan sở hữu hơn 85% cổ phần và tiếp tục mua thêm sau đó.
Đến tháng 10/2022, bà Lan đã chi phối hơn 91,5% vốn điều lệ, tương đương sở hữu gần 1,4 triệu cổ phần Ngân hàng SCB, được đứng tên bởi 27 pháp nhân, cá nhân.
"Với việc sở hữu/nắm quyền chi phối số cổ phần Ngân hàng SCB nêu trên, Trương Mỹ Lan đã đưa thân tín của Lan và các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB, như HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc các Chi nhánh lớn, Trưởng Ban kiểm soát để sử dụng những người này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB", kết luận điều tra nêu.
Ngoài ra, bà Lan còn sử dụng SCB với chức năng của một ngân hàng thương mại cổ phần để huy động vốn. Nhưng, trong hoạt động cho vay, SCB lại chủ yếu phục vụ mục đích cá nhân của bà Lan.
Kết quả điều tra xác định, đến ngày 17/10/2022, có 1.284 khoản vay/875 khách hàng là các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, còn dư nợ hơn 677.000 tỷ đồng.
Để rút được số tiền trên, bà Lan đã chỉ đạo nhóm đối tượng tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện việc lập hồ sơ khống hợp thức như một khoản vay để rút tiền tại SCB.
Thủ đoạn của bà Lan là thành lập/sử dụng hàng nghìn pháp nhân "ma", nhờ/thuê hàng nghìn cá nhân đứng tên khách hàng vay vốn; lập các phương án vay vốn khống; đưa tài sản đảm bảo không đủ pháp lý, không đủ điều kiện để thế chấp, nâng khống giá trị, không đăng ký giao dịch đảm bảo, thông đồng với các đơn vị định giá để hợp thức giá trị;
Lập ra các thủ tục thẩm định, phê duyệt các khoản vay như một hồ sơ vay vốn thông thường để hợp thức; sau khi tiền được chuyển vào tài khoản chỉ định, sử dụng hàng nghìn pháp nhân "ma", nhờ hoặc thuê hàng nghìn cá nhân mở tài khoản để chuyển lòng vòng, chuyển khoản ra khỏi SCB rút tiền mặt, cắt đứt dòng tiền để bà Lan chiếm đoạt, chỉ đạo sử dụng.
Ngoài những thủ đoạn nêu trên, kết luận điều tra còn chỉ ra bà Lan chỉ đạo các đối tượng tại SCB thành lập mới đơn vị kinh doanh tại hội sở chỉ để giải ngân cho nhóm Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát; hoán đổi/rút tài sản đảm bảo có giá trị thay thế bằng các tài sản không đủ pháp lý/không có giá trị/giá trị thấp rút ruột SCB;
Bán nợ xấu, bán nợ trả chậm, cấn trừ nợ để che giấu nợ xấu, giảm dư nợ tín dụng với mục đích để tiếp tục huy động vốn, giải ngân cho các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát;
Mua chuộc các cán bộ thực hiện công vụ khi SCB bị giám sát, thanh tra, kiểm tra để họ báo cáo không trung thực về thực trạng nghiêm trọng của SCB.