Hiện tượng đánh nhau, yêu sớm hay hút thuốc trong trường đã và đang xảy ra ở cả học sinh nam lẫn học sinh nữ ở một số vùng nông thôn Trung Quốc. Nhà trường sau khi phát hiện sẽ báo với phụ huynh học sinh, nhưng cùng lắm là bị đình chỉ học vài ngày, sau đó chúng sẽ tiếp tục đến trường và vi phạm như cũ.
Thậm chí, một vài học sinh cố tình mắc lỗi chỉ để "được" đình chỉ học, bởi khi ở nhà, các em sẽ không bị trói buộc và được chơi điện thoại thỏa thích.
Ở một số trường nội trú tại Trung Quốc, để có thể về nhà nghịch điện thoại, một số học sinh dù nhà cách trường hơn chục cây số nhưng vẫn xin được ở nhà, nếu bố mẹ không đồng ý thì sẽ ăn vạ không chịu đi học, cuối cùng phụ huynh đành phải chiều theo ý của các em.
Một bộ phận không nhỏ các học sinh ở vùng nông thôn Trung Quốc dần không còn hứng thú với việc học. Dưới đây là một vài lý do dẫn đến tình trạng ấy.
Thứ nhất, ở nông thôn có nhiều bạn nhỏ bị bỏ lại, người già lại không biết cách giáo dục trẻ em
Bởi vì nhiều vùng nông thôn tương đối hẻo lánh, xung quanh không có nhiều cơ hội việc làm nên các bậc cha mẹ thường sẽ chọn ra ngoài làm thuê để trang trải cho cuộc sống. Để kiếm được nhiều tiền hơn, họ chỉ có thể để con cái ở nhà cho ông bà nuôi nấng.
Người lớn tuổi trong gia đình thường chiều trẻ con và không biết cách dạy dỗ chúng, bố mẹ lại thường xuyên không ở nhà nên có rất nhiều em đã nghiện các trò chơi điện tử từ khi còn rất nhỏ.
Dần dà, những đứa trẻ bị bỏ lại này sẽ thiếu kỷ luật và dần có thái độ thờ ơ với việc học, từ đó chúng sẽ không cố gắng học tập nữa.
Thứ hai, do hạn chế về mặt nhận thức, con trẻ không biết việc học có thể mang lại những thay đổi gì cho cuộc sống của chúng
Đối với những đứa trẻ ở nông thôn, từ nhỏ tới lớn chúng đều sống ở vùng quê hẻo lánh nên chúng sẽ không biết thế giới bên ngoài trông như thế nào.
Sự nghèo đói và xa xôi khiến chúng như ếch ngồi đáy giếng, cảm thấy bầu trời chỉ rộng bằng miệng giếng, ngẩng đầu lên là có thể thấy và cũng không cần phải nhảy ra khỏi giếng.
Khi chúng không còn mong muốn được khám phá những thứ mới mẻ, chúng sẽ không còn động lực để cố gắng và không có thái độ học tập đúng đắn.
Thứ ba, cha mẹ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học và không có kỳ vọng vào con cái
Bản thân nhiều phụ huynh ở các vùng nông thôn Trung Quốc chưa có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc học. Một giáo viên cho biết sau khi trao đổi với phụ huynh vì vấn đề của con họ thì phụ huynh này lại cho rằng: "Học sinh giỏi chưa chắc đã làm sếp, không chừng còn phải làm thuê cho những người không đi học".
Tình trạng này rất phổ biến ở các vùng quê hẻo lánh, nhiều bậc cha mẹ ra ngoài làm việc và không quan tâm đến việc học hành của con cái, mặc kệ cho ông bà chiều hư cháu.
Một số phụ huynh lại cảm thấy con em mình ở nông thôn rất khó có thể thi đỗ đại học, sớm muộn gì cũng phải ra ngoài làm thuê cho người khác nên cha mẹ thường sẽ không kỳ vọng gì vào việc học của con cái.
Trên thực tế, không phải vì những đứa trẻ ở vùng nông thôn Trung Quốc không thông minh mà là bởi ngày càng có nhiều em không có ý thức học tập và cũng không biết mình đang nỗ lực vì điều gì.
Hy vọng rằng phụ huynh của những đứa trẻ ở nông thôn có thể quan tâm tới con em mình nhiều hơn, đồng thời phối hợp cùng với giáo viên và nhà trường để có thể nâng cao tinh thần học tập của các em, giúp các em đi theo định hướng đúng đắn cho tương lai.