Bà Hứa Thị Phấn đã từng khuynh đảo các ngân hàng ra sao?

Bình An (tổng hợp)| 14/02/2023 18:44

Sau nhiều năm bệnh nặng, bà Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Tín (TRUSTBank, sau là VNCB và nay là CB); cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ đã qua đời vào ngày 13/2 tại Bệnh viện Tân Hưng, quận 7.

Qua đời trong bệnh tật

Được biết, do các con đều ở xa nên thi thể bà đã được đưa vào Nhà tang lễ An Bình, quận 5, để hỏa táng. Việc hậu sự của bà Phấn được một luật sư từng tham gia bảo vệ quyền lợi cho bà ở các phiên tòa trước đây lo liệu.

hua-thi-phan-ssg-0654_11zon.jpg
Bà Hứa Thị Phấn (thứ hai từ phải qua) trong một sự kiện của Tập đoàn SSG.

Bà Hứa Thị Phấn (tên thường gọi: Sáu Phấn, Cô Sáu) sinh năm 1947, quê quán Đồng Tháp. Bà được biết đến là đại gia trong ngành tài chính, ngân hàng, bất động sản. Bà nguyên là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ, nguyên cố vấn cấp cao hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Tín (TRUSTBank), nguyên thành viên hội đồng quản trị Tập đoàn SSG.

untitled.png
Bà Hứa Thị Phấn được chăm sóc chủ yếu tại bệnh viện sau khi bị tuyên án.

Bà Hứa Thị Phấn được biết đến rộng rãi trước công luận khi liên quan tới nhiều sai phạm ở nhiều ngân hàng. Theo đó, liên quan tới sai phạm tại ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), bà Phấn bị TAND TP Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên 17 năm tù về tội “Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Khuynh đảo các ngân hàng

Tuy chỉ giữ chức cố vấn cấp cao hội đồng quản trị và cố vấn hội đồng tín dụng TRUSTBank nhưng bà Sáu Phấn lại sở hữu tới 85% cổ phần TRUSTBank, tương đương hơn 2.500 tỉ đồng và là người chi phối và điều hành hoạt động của TRUSTBank.

Năm 2007 bà Hứa Thị Phấn đại diện nhóm Phú Mỹ (gồm Công ty đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 người trong gia đình) đứng ra mua hơn 254,7 triệu cổ phần, tương đương 2.547 tỉ đồng, chiếm gần 85% cổ phần của ngân hàng, giữ chức vụ cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị. Đại diện pháp luật là ông Hoàng Văn Toàn (Chủ tịch HĐQT), Trần Sơn Nam (Tổng giám đốc) nhưng họ chỉ là người quản lý, điều hành trên danh nghĩa.

Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, lợi dụng tư cách cổ đông lớn nắm quyền chi phối, bà Phấn điều hành mọi hoạt động của nhà băng, thâu tóm toàn bộ HĐQT, Ban điều hành, cán bộ, nhân viên chỉ đạo thực hiện nhiều hành vi sai phạm.

Cụ thể, bà Phấn thông qua các bị cáo khác chỉ đạo Công ty TrustAsset (thuộc Ngân hàng Đại Tín, không có chức năng thẩm định giá) thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch sở hữu của bà Phấn lên 1.268 tỉ đồng, cao gấp 8 lần giá thị trường.

Bà Phấn còn chỉ đạo việc mua bán lòng vòng căn nhà, sau đó bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng.

3fc1a7f0-5c60-42b5-9ebd-fce0a314a1fe_11zon.jpg
Bà Hứa Thị Phấn trong phiên tòa năm 2015.

Tổng số tiền bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo thu khống để sử dụng bất hợp pháp hơn 5.256 tỉ đồng. Số tiền này liên quan đến hồ sơ cho Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang vay, nhưng bà Phấn đã không giải ngân đủ cho Công ty Phương Trang, đến nay không thu hồi được.

Cuối tháng 5/2018, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Hứa Thị Phấn 30 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và phải bồi thường thiệt hại 16.000 tỉ đồng.

Tiếp đó, ngày 22/11/2019, TAND TP.HCM tuyên mức án 20 năm tù cho bà Hứa Thị Phấn và 5 bị cáo khác là Bùi Thị Kim Loan, Lâm Kim Dũng, Huỳnh Thị Xuân Dung, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Phạm Hồng Hảo trong vụ án liên quan đến thiệt hại 1.338 tỉ đồng tại Ngân hàng Đại Tín.

Cả 6 bị cáo này đều bị VKSND tối cao truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bà Phấn bị tuyên mức án 20 năm tù. Sau đó bà Phấn kháng cáo nhưng bị bác.

Tổng hợp hình phạt đối với bà Phấn là 30 năm tù cho cả 2 bản án (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn). Tổng số tiền bà Phấn bị buộc bồi thường là gần 18.000 tỷ đồng.

Ngoài lần đầu tiên xuất hiện tại toà năm 2015 với tư cách người liên quan trong vụ án Phạm Công Danh, bà Phấn vắng mặt trong tất cả các phiên toà sau đó. Thậm chí trong phiên tòa cuối tháng 5/2018 đã nói ở trên, các luật sư của bà Phấn còn có đơn đề nghị hoãn phiên xử do thân chủ mất 93% sức khỏe, không thể có ý kiến về cáo buộc gây hậu quả 6.300 tỷ.

Chính vì sức khỏe kém nên từ khi bị tuyên án đến nay bà Hứa Thị Phấn chưa thi hành án và qua đời sau thời gian dài nằm viện.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bà Hứa Thị Phấn đã từng khuynh đảo các ngân hàng ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO